Tìm cách hay cho du lịch làng (Kỳ 1)

Làng quê “bước chân” vào làm du lịch, góp phần thúc đẩy quá trình đa dạng nguồn thu, tạo cơ hội cho người dân sở tại tham gia có trách nhiệm. Đó cũng là lối mở giao lưu cho những người dân ít có cơ hội ra khỏi làng nhưng có nhiều cơ hội gặp gỡ người nơi khác đến bản làng của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham gia tour du lịch vẽ tranh trong làng Bình Quới (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).
Khách tham gia tour du lịch vẽ tranh trong làng Bình Quới (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh).

Kỳ 1: Cần những con đường khác nhau

Nhìn vào bản đồ du lịch trong những năm gần đây, thấy có nhiều sự uyển chuyển mềm mại đón khách du lịch ở những bản làng đơn sơ thanh bình và hầu như trước đó không mấy ai biết tới. Nhờ “cấp” cho làng một nội dung, điều đó sẽ dần... hiện rõ.

Về một cách làm riêng

Hai đêm ngủ lại bản sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), ông Daniel và bà Lorinda (người Bỉ), sống tại Hội An, cảm nhận: “Chúng tôi mới đến Việt Nam và khám phá đất nước này. Chỗ nào được giới thiệu trên các trang du lịch là chúng tôi tìm đến. Thái Hải như một ốc đảo, nhà lợp lá, khá sạch sẽ có thể ngồi bệt trên mọi lối đi. Có rừng nhiệt đới bao phủ. Bản sắc trang phục của người phụ nữ cũng khác biệt so Hội An hoặc ở Ninh Bình”.

Mới đây, khu bảo tồn sinh thái Thái Hải cùng với 31 làng du lịch khác của nhiều quốc gia được tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công nhận “Làng du lịch tốt nhất năm 2022” dựa trên các tiêu chí: Văn hóa, thiên nhiên, bảo tồn và quảng bá; mức độ bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường, phát triển du lịch và liên kết chuỗi giá trị. Làng sinh thái Thái Hải đã nhận giải thưởng tại Saudi Arabia vào cuối tháng 2 vừa qua.

Điều gì khiến cho một làng quê vô danh, một “xóm hỏm” lại bật lên điều kỳ diệu như vậy? Lý do thật đơn giản, từ 30 căn nhà sàn nơi vùng đất cách mạng ATK Định Hóa cần tìm một địa điểm để bảo tồn. Nhân cuộc di dời này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã chọn văn hóa Tày, nhạc cụ là đàn tính, biểu diễn là hát then tại Thái Hải. Theo thời gian, làng Thái Hải nay đã định danh rõ rệt trên bản đồ du lịch và vượt qua cả hồ Núi Cốc, thác Cửa Tử, hang Phượng Hoàng... của tỉnh.

“Bên lề” những điểm đến có sự đầu tư lớn, có tính biểu tượng của du lịch thì nhiều địa điểm nông thôn giống như một nơi tổ chức hoạt động ngoại khóa, một trải nghiệm tĩnh tâm của khách. Điểm du lịch cộng đồng bản Mạ (thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nằm bên bờ sông Chu là một địa điểm như vậy. 10/56 hộ dân đồng bào Thái đã cùng nhau làm du lịch, bản Mạ nhận khách nghỉ qua đêm. Đã 5 năm đón khách đến nhà, anh Vi Văn Ngọ, cho hay: “Hằng năm chúng tôi tham gia các lớp tập huấn du lịch cộng đồng và được đi học hỏi cách làm du lịch từ các cộng đồng khác, từ đó mà nghĩ ra, phải giữ những gì đã và đang có, phải làm đẹp, giữ sạch đường bản, ruộng vườn”.

Du lịch đang đánh thức những làng quê từ miền núi đến đồng bằng, từ Tây Nguyên đến duyên hải và hải đảo. Du khách nếu “chán” phải đi bộ, chạy xe, có thể vào miền Tây Nam Bộ, ngồi trên những chiếc thuyền bồng bềnh rong chơi trong những miền cây ăn trái.

Và nhân bản đến... nhàm chán

Lịch sử ra đời của những làng du lịch ở nước ta mới mẻ và cũng phức tạp. Tuy nhiên du lịch cộng đồng không thể cài đặt bắt chước một cách rập khuôn. Thí dụ, mấy năm trước, làng chài Tam Thanh (Tam Kỳ, Quảng Nam) được một nhóm họa sĩ Hàn Quốc đến vẽ tranh trên những bức tường cũ của nhiều căn nhà thấp, mái ngói thâm nâu. Khi hoàn thiện những bức vẽ mang nội dung phản ánh sinh hoạt và cảnh quan làng biển cũng như việc mưu sinh, Tam Thanh “bỗng” trở thành một điểm đến nhộn nhịp. Nhiều gia đình đã đón khách đến nhà mình và tăng thêm nguồn thu nhập.

Nhưng từ làng bích họa Tam Thanh gặt hái thành công, tỉnh Quảng Ngãi cũng thiết kế hai làng bích họa, một trên núi và một dưới biển nhưng rồi khách cũng chỉ qua vài bận rồi cũng vắng luôn qua một mùa ngắn ngủi đón khách và làng bích họa tan theo cơn bão. Cũng vậy, sau nhiều năm Tam Thanh vang bóng, làng bích họa Cảnh Dương (Quảng Bình) ra đời nhưng lại “mượn hồn” Tam Thanh nên cũng như làng bích họa khác, đều có cái kết khá tương đồng.

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) với nét độc đáo của vùng sông nước, từ hàng ăn đồ uống “ăn theo” nhóm hàng nông sản từ các miệt vườn. Ở đây có tiếng rao hàng của người bán đồ ăn trên mặt nước khi trời chưa sáng và những ánh đèn nhỏ theo thuyền trôi trên sông, tạo nên hương sắc đặc biệt, nét quyến rũ khách du lịch trong nước và quốc tế đến trải nghiệm. Nhưng cũng từ đặc điểm đó, chợ nổi miền tây “khai sinh” trên nhiều địa bàn tỉnh, thành, đếm không xuể trên bản đồ du lịch chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Long Xuyên (An Giang), Kênh Thơm (Bến Tre), Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng)... Gần đây, chợ nổi Cái Răng rơi vào trường hợp vắng hàng buôn bán, vắng khách qua chơi và đang là cái kết cho sự “a dua” theo kiểu thấy họ làm, mình cũng phải làm cho có, thấy họ kiếm - mình cũng tính miếng chứ tội chi ngồi chơi.

Du lịch sinh thái miệt vườn cũng theo cái đà gia tăng khó kiểm soát. Chỉ tính riêng tỉnh Bến Tre đã có 8 khu du lịch kiểu này: Cồn Phụng, Cồn Quy, Lan Vương, Hạ Thảo... và có lẽ chưa dừng lại.

Du lịch cộng đồng có một điểm chung là đón khách về làng, về buôn bản nhưng để tạo nên cái khác biệt, không nên lặp lại nội dung của nhau. Thiết kế nội dung du lịch cộng đồng cần phải căn cứ trên những sự hiện diện hiện có, kích hoạt người dân sở tại cùng làm dựa trên khung sinh kế và kiến tạo trên nguồn lực nội sinh bằng một nội dung phù hợp với địa phương, một bài học thú vị, một sự trải nghiệm vừa có sự dễ gần và vừa có tính chọn lọc chứ không phải bắt chước, học mót được và làm y chang.

TS Chu Mạnh Trinh, Chuyên gia về bảo tồn và phát triển du lịch cộng đồng, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm:

“Tạo ra sinh kế bền vững cho bà con”

Phát triển du lịch được bền vững cần dựa vào nguồn lực của cộng đồng. Trên nền tảng về tự nhiên, Quảng Ngãi đã hỗ trợ từ kinh tế nông nghiệp, kinh tế thủy sản đến công nghiệp cho bà con. Phát triển hài hòa ba yếu tố này, đồng thời giữ gìn cảnh đẹp có thể chính từ việc làm du lịch cộng đồng. Người dân làm chủ, phát huy được vẻ đẹp tự nhiên từ bàu Cá Cái, gành Yến, đến câu chuyện văn hóa của làng gốm Mỹ Thiện, hay dòng sông ở rừng dừa Cà Ninh. Tổng hợp lại, Quảng Ngãi có đủ sông, biển, văn hóa lịch sử tạo điều kiện giải quyết những mâu thuẫn để đủ năng lực đón nhận, giải quyết những thách thức, hướng đến mục tiêu nằm ở sự no ấm, phồn thịnh cho bà con của vùng địa lý tỉnh Quảng Ngãi.

Yếu tố môi trường khi làm tốt sẽ bảo vệ, bảo đảm cho cấu trúc thế giới sinh vật được vận hành ổn định. Trên cơ sở đó hỗ trợ cho nhiều dịch vụ làm du lịch sinh thái. Muốn con người phát triển thì nằm ở câu chuyện bảo vệ văn hóa. Hệ sinh thái tự nhiên lại chính là điểm cất giấu vẻ đẹp văn hóa. Văn hóa truyền thống khi được gìn giữ tốt chính là sự hạnh phúc của cộng đồng bà con. Tất cả tạo ra một vòng tròn khép kín. Có thể thấy, huyện Bình Sơn đã đủ các yếu tố thành phần đó. Nếu chúng ta làm tốt du lịch cộng đồng ở huyện Bình Sơn sẽ tạo điều kiện thúc đẩy cho sự phát triển du lịch toàn tỉnh Quảng Ngãi, đồng thời mở rộng sang các tỉnh lân cận. Đây là điểm mà chúng tôi đang tập trung vào. Mấu chốt khi bà con làm du lịch cộng đồng là tạo ra sinh kế bền vững, giúp cho cuộc sống được thay đổi.

(Còn nữa)