Tiến thoái lưỡng nan

Cuối tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Antoine Armand cho biết, chính phủ nước này sẵn sàng đưa ra nhượng bộ về dự thảo ngân sách năm 2025 mang tính “thắt lưng buộc bụng”. Tuyên bố đầy xoa dịu này là nhằm thuyết phục các đảng phái trong Quốc hội thông qua dự thảo ngân sách, trong bối cảnh “đất nước hình lục lăng” đang lâm vào bế tắc chính trị có khả năng khiến chính phủ sụp đổ.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Pháp Michel Barnier trình bày kế hoạch ngân sách trước Quốc hội. Ảnh: AFP
Thủ tướng Pháp Michel Barnier trình bày kế hoạch ngân sách trước Quốc hội. Ảnh: AFP

Trả lời mạng phát thanh truyền hình BFMTV của Pháp, Bộ trưởng Antoine Armand khẳng định sẵn sàng đưa ra nhượng bộ nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện nay, mặc dù vẫn tồn tại những quan điểm khác biệt giữa các đảng chính trị về kế hoạch ngân sách khắc khổ. Bộ trưởng Tài chính Pháp đồng thời cảnh báo rằng, việc không thông qua ngân sách có thể dẫn đến một “cơn bão” trên thị trường tài chính.

Trước đó, Thủ tướng Pháp Michel Barnier công bố dự thảo ngân sách năm 2025, trong đó đặt mục tiêu tiết kiệm 60 tỷ euro (63,1 tỷ USD) cho ngân sách quốc gia thông qua cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, nhằm giảm thâm hụt ngân sách từ mức 6,2% GDP năm nay xuống 5% GDP trong năm tới. Người đứng đầu Chính phủ Pháp nhấn mạnh, việc cắt giảm này cần được thực hiện ngay để bảo vệ uy tín tài chính của “đất nước hình lục lăng”, cũng như bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, dự thảo ngân sách của Chính phủ Pháp vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các chính đảng đối lập, nhất là phe cực hữu. Điều này làm dấy lên đồn đoán về khả năng Thủ tướng Barnier phải cân nhắc sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp, cho phép chính phủ thông qua luật mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội. Hành động này sẽ đẩy nhanh việc thông qua dự thảo ngân sách nhưng cũng cho phép phe đối lập có thể tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, đặt Chính phủ Pháp vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Cựu lãnh đạo đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) Marine Le Pen từng tuyên bố sẽ liên minh với khối cánh tả trong Quốc hội để xúc tiến cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nếu kế hoạch trên của chính phủ được thông qua.

Trên bình diện châu Âu, EU tuyên bố ủng hộ dự thảo ngân sách “thắt lưng buộc bụng” của Pháp. Theo báo cáo đánh giá thường kỳ về kế hoạch ngân sách của các quốc gia thành viên, Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá việc cam kết giảm thâm hụt ngân sách từ 6,2% GDP năm 2024 xuống còn 5% GDP năm 2025, 2,8% GDP vào năm 2029, cho thấy lộ trình tài chính đáng tin cậy của Pháp. Ngân sách năm 2025 của Pháp cũng được cho là phù hợp các khuyến nghị của EU. Sự ủng hộ của EU là động lực đối với Thủ tướng Barnier để đưa kế hoạch kinh tế của mình vượt qua sự phản đối từ các đảng phái chính trị khác.

Tháng 7 vừa qua, EU đã cảnh báo Pháp vi phạm mức thâm hụt ngân sách 3% GDP mà các thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phải tuân thủ, đồng thời đưa nước này vào nhóm các quốc gia vi phạm quy định Thủ tục thâm hụt quá mức ngân sách của EU. Thủ tục thâm hụt quá mức là quy trình do EU áp đặt nhằm bảo đảm các quốc gia thành viên tuân thủ những quy tắc về kỷ luật tài chính. Quy trình này được kích hoạt khi một nước có thâm hụt ngân sách vượt quá 3% GDP hoặc có tỷ lệ nợ công cao hơn 60% GDP. Các quốc gia thuộc diện này sẽ có thời gian điều chỉnh chính sách tài chính để tránh các biện pháp trừng phạt. Trong trường hợp các nước thành viên không đạt được mục tiêu giảm thâm hụt hoặc các cam kết giảm không đủ, khoản phạt 0,05% GDP có thể được áp dụng 6 tháng một lần, với tổng số tiền phạt lên tới 0,1% GDP mỗi năm, thay vì khoản ký quỹ không tính lãi 0,5% GDP theo quy định trước đây.

Trong khi đó, bức tranh kinh tế của Pháp vẫn bao phủ gam màu ảm đạm, với những dự báo không mấy tích cực. Ngân hàng Trung ương Pháp dự báo nền kinh tế nước này sẽ đình trệ trong quý IV/2024 với mức giảm 0,2 điểm phần trăm, trong bối cảnh tình hình chính trị tiếp tục căng thẳng gây bất ổn cho hoạt động kinh doanh. Nếu dự báo nói trên trở thành hiện thực, đây sẽ là quý đầu tiên trong gần 3 năm mà kinh tế Pháp không ghi nhận tăng trưởng. Sự sụt giảm doanh thu thuế, tiêu dùng và đầu tư chậm lại là những yếu tố làm suy yếu tài chính công của Pháp.