“Thôi miên” chạch trong ngóc

Thủa thiếu thời, tôi và chúng bạn hằng ngày đi qua một nông giang (đập nước như khúc sông nhỏ, ngắn chảy giữa đồng) khoảng 1km, để đến trường.
0:00 / 0:00
0:00

Bờ nông giang là đường phẳng lỳ, nhưng chúng tôi thích lội dưới lòng nông giang hơn, vào mùa nước cạn, để vui thú “thôi miên” bắt chạch đem bán, lấy tiền tặng bạn nghèo hơn trong nhóm mua sách vở, áo quần.

Hầu như bữa nào cũng thế, khi tôi chưa kịp buông bát ăn trưa, thì nhóm bạn thân thiết lớp 4 gồm thằng Lực, thằng Biên, thằng Viên… đã chờ sẵn ngoài cổng để đi học chiều. Chúng tôi tới trường sớm khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ để vừa đi học, vừa bắt chạch giữa lòng nông giang đã cạn nước, để lộ nhiều ngóc (lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay trỏ trên mặt bùn, chạch đang nằm phía trong, lú đầu ra ở miệng ngóc).

Lực được xếp đi đầu tiên vì cậu ta nhỏ, gầy như que tăm, đi lại không gây tiếng động và có nhiều kinh nghiệm bắt chạch nhất cả bọn. Gặp ngóc chạch, Lực bước rất nhẹ ra phía giữa lòng mương một bước rồi quay đầu lại, dùng ngón tay trỏ nhẹ nhàng cho vào ngóc, chạm thật nhẹ, thật tinh tế vào miệng chú chạch như thôi miên một lúc khiến chú chạch nằm yên, rồi Lực hướng bàn tay kia khép kín như một chiếc vên nhỏ (dụng cụ để xúc đất) nhanh như cắt xắn một cái xuống bùn một bên ngóc chạch, rồi thảy nhanh cả miếng bùn lên bờ. Thằng Biên reo to rồi chạy tới rạch bùn, đẩy con chạch vàng óng ả, béo căng tròn to bằng ngón tay cái người lớn, dài độ một gang vào chiếc túi rõ to. Cách bắt chạch này phải có sự kết hợp ăn ý giữa ngón tay đang thôi miên giữ đầu của chạch nằm yên và tay xắn bùn lên. Ví như khi ngón tay đang chạm vào đầu chạch thấy chạch nằm yên, ít động đậy, thì bàn tay kia có thể chậm rãi xắn bùn mạnh bốc chạch lên và ngược lại.

Ngoài Lực, nhóm tôi còn có nhiều tay “sát chạch” như Nam, Viên, Tứ, Hùng… Dường như cả đội cứ di chuyển vài bước là có hàng chục chú chạch chui vào túi vải của thằng Biên, cũng hơi giống như cách mà Lực thực hiện. Mực nước lòng mương càng cạn, tiết trời càng nóng nực, khiến chạch làm ngóc càng nhiều. Thi thoảng, có tiếng reo to vang lên, khi một đứa bắt được con chạch thú (chạch sông) dạt từ sông Lam vào qua cống đền Bảo An vào mùa mưa lụt mấy tháng trước.

Trung bình, mỗi buổi đi học, chúng tôi bắt được khoảng 4kg chạch, lên trường bán cho bà hàng nước hay chú bảo vệ cũng được kha khá. Tất cả tiền được giao lại cho Lực để cậu ấy trích ra một ít mua nước và kẹo cho cả lũ bạn cùng ăn uống, “khao quân” vui vẻ. Số tiền còn lại, Lực cất dành, cuối tuần “kết sổ” một lần để tặng những bạn nghèo khó nhất đội mua sách vở và bộ áo quần mới. Từ đó, những trang vở trắng tinh xuất hiện nhiều điểm 9, điểm 10; những nét chữ đẹp hơn, “ngoan” hơn…

Và cứ thứ hai chào cờ, chúng tôi hẹn nhau cùng mặc áo quần mới mua tặng nhau từ những lần bắt chạch trên đường đi học, khiến ai cũng khen ngợi áo quần đẹp và tinh thần tương hỗ nhau. Chúng tôi còn vui ra mặt khi cha mẹ của các bạn được giúp đỡ trực tiếp đến trường gặp cô giáo để khen ngợi và cảm ơn chúng tôi.