Thiếu vật liệu làm chậm việc thi công đường cao tốc bắc - nam

Sau nửa năm khởi công 12 dự án thành phần cao tốc bắc - nam phía Đông giai đoạn II, giá trị sản lượng thi công mới đạt khoảng 5% hợp đồng (chưa đạt mục tiêu đề ra lên tới 35% giá trị hợp đồng). Một nguyên nhân lớn đang cản trở tiến độ thi công dự án được xác định là do khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành giao thông đang tìm cách tháo gỡ những khó khăn về vật liệu nhằm bảo đảm thi công ổn định.
Ngành giao thông đang tìm cách tháo gỡ những khó khăn về vật liệu nhằm bảo đảm thi công ổn định.

Nhà thầu “ngóng” vật liệu, địa phương còn e ngại cấp

Dù đã có mặt bằng sạch, đến nay, nhiều mũi thi công cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh buộc phải làm việc cầm chừng do thiếu đất đắp nền. Đại diện nhà thầu Công ty CP Thuận An - đơn vị thi công gói thầu 11-XL tại đường cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh thừa nhận: “Hàng loạt máy móc lu san nền đắp chiếu. Không có đất đắp thì không thể triển khai được công việc gì khác, buộc phải làm cầm chừng và chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến tiến độ các gói thầu”.

Nhằm nhận diện thực trạng trên, hai tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sau khi đi làm việc với các tỉnh, thành phố về (từ ngày 3 đến 7/7) đã có báo cáo: khối lượng đất, cát cần lấy từ các mỏ mới là rất lớn, chủ yếu phục vụ cho công tác san nền đường và xử lý nền đất yếu, thủ tục khai thác mỏ đang chậm. “Trong khi mùa mưa, lũ đã đến gần, nếu không khai thác được mỏ ngay sẽ làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ, kế hoạch triển khai thi công của các nhà thầu”, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ cho biết. Theo ông Thọ, hầu hết các địa phương còn lúng túng và chưa kịp thời có văn bản hướng dẫn các nhà thầu trình tự thủ tục. Một số mỏ giao cho nhà thầu khai thác phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất và phải thông qua HĐND dự kiến họp từ ngày 12 đến 21/7. Để thực hiện việc này mất rất nhiều thời gian, thường nhà thầu không chủ động.

“Mặc dù theo các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhà thầu không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường các mỏ mới giao, chỉ thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường. Tuy nhiên, các địa phương có tâm lý e ngại, cho rằng các văn bản hướng dẫn này là không đủ căn cứ pháp lý để thực hiện”, Thứ trưởng Thọ cho biết.

Mặt khác, trong quá trình nhà thầu thương thảo về phương án, giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất…, nhiều chủ đất yêu cầu mức giá cao hơn nhiều lần mức giá đền bù, hỗ trợ theo quy định, dẫn đến việc đàm phán, thỏa thuận không thành công. “Các sở, ban, ngành của địa phương chưa chủ động hướng dẫn nhà thầu xử lý kịp thời các tình huống phát sinh và linh hoạt khi thực hiện các thủ tục nên một số mỏ sau khi hoàn thành các thủ tục không đủ điều kiện để UBND tỉnh xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác, một số mỏ có thể cho phép khai thác từng phần nhưng chưa được xử lý như tại: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa”, Bộ GTVT thông tin.

Rút ngắn các thủ tục cấp phép các mỏ

Trả lời Thời Nay về vấn đề trên, đại diện Bộ GTVT cho biết, để đáp ứng nguồn cung cấp cho các dự án, Bộ đã báo cáo Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó các địa phương khu vực tuyến đi qua đã hoàn tất các thủ tục cấp phép khai thác các mỏ sử dụng cho dự án bảo đảm nhu cầu.

Rút kinh nghiệm từ các dự án đường cao tốc giai đoạn 1, để chuẩn bị cho triển khai các dự án đường bộ cao tốc quan trọng của quốc gia, Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành các Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án với nhiều cơ chế đặc thù cũng như tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết về triển khai thực hiện. Trong đó, đối với việc khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án được áp dụng các cơ chế: giao trực tiếp các mỏ cho nhà thầu thi công dự án để khai thác; được phép nâng công suất các mỏ cát đang khai thác khu vực đồng bằng sông Cửu Long; rút ngắn các thủ tục cấp phép các mỏ;…

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 cho UBND các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa được phép quyết định nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác.

UBND các tỉnh, thành phố cũng được đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương thực hiện các bước, trình tự, thủ tục khai thác vật liệu bảo đảm tuân thủ hướng dẫn; tránh phát sinh các thủ tục hành chính; hoàn thiện thủ tục đất đai khu vực mỏ theo thẩm quyền, bảo đảm đủ điều kiện khai thác đáp ứng nhu cầu vật liệu năm nay; khẩn trương gia hạn thời gian khai thác đối với các mỏ đã hết hạn, hoàn thiện thủ tục để khai thác trở lại các mỏ đang tạm dừng khai thác để đáp ứng nhu cầu các dự án…