Thận trọng mở rộng diện tích vải

Nông dân Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên đang vào mùa thu hoạch vải. Với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng thuận lợi, cây vải ở Đắk Lắk năm nay được mùa và chín sớm hơn các tỉnh phía bắc khoảng một tháng nên bán với giá cao, mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Lê Thị Hải ở thôn 10, xã Ea Sar, huyện Ea Kar vui mừng vì vải năm nay vừa được mùa, được giá.
Bà Lê Thị Hải ở thôn 10, xã Ea Sar, huyện Ea Kar vui mừng vì vải năm nay vừa được mùa, được giá.

Vui được mùa, được giá

Gia đình bà Lê Thị Hải ở thôn 10, xã Ea Sar, huyện Ea Kar trồng được 5ha vải, trong đó có 600 cây vải cho thu hoạch. Những ngày gần đây, mỗi ngày bà Hải thuê sáu-bảy lao động thu hoạch. Bà phấn khởi: “Những ngày đầu mùa thu hoạch, giá vải bán tại vườn 35-40 nghìn đồng/kg, nay vào chính vụ còn khoảng 30 nghìn đồng/kg. Năm nay, gia đình tôi dự kiến thu được 30 tấn vải, với giá bán tại vườn 30 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thu về gần 1 tỷ đồng. Với hiệu quả kinh tế như hiện nay, cây vải cho thu nhập chỉ sau cây sầu riêng mà thôi. Cây vải năm nay không chỉ được mùa, được giá mà việc tiêu thụ cũng rất thuận lợi, mình thu hoạch đến đâu, thương lái đến vườn thu mua đến đó, thậm chí còn tranh nhau mà không có vải để mua”.

Bà Hải chia sẻ: Trước đây gia đình mua lại nương rẫy này với nhiều loại cây trồng như cà-phê, hồ tiêu, vải… Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc thấy cây vải phù hợp điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng nên cây sinh trưởng và phát triển tốt, một số cây trồng sớm cho quả rất nhiều. Đặc biệt vải ở đây lại chín sớm hơn phía bắc khoảng một tháng, chất lượng không thua kém nên bán rất được giá. Vì vậy, gia đình bà quyết định chặt bỏ hết các loại cây trồng khác, chỉ trồng cây vải.

Gia đình anh Hồ Sỹ Trung ở thôn 10, xã Ea Sar có 15ha đất, trong đó đã trồng 2.200 cây vải trên diện tích 7ha, năm nay có 1.700 cây vải cho thu hoạch. Hiện nay đang bước vào chính vụ thu hoạch vải ở Tây Nguyên nên mỗi ngày anh thuê năm lao động ở địa phương để thu hái. “Chỉ với 1.700 cây vải cho thu hoạch, năm nay dự kiến sẽ thu được khoảng 70 tấn, với giá bán như hiện nay khoảng 30 nghìn đồng/kg tôi thu về 2,1 tỷ đồng. Những năm sau khi toàn bộ vườn vải cho thu hoạch thì sản lượng còn cao hơn rất nhiều”, anh Trung cho biết.

Thận trọng khi diện tích trồng vải tăng nhanh

Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Lê Văn Thành cho biết, cây vải được người nông dân ở Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên đưa vào trồng khoảng hơn 20 năm nay, nhưng được trồng rộng rãi khoảng 10 năm trở lại đây. Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 2.600 ha vải, được trồng chủ yếu ở các huyện Ea Kar, M’Đrắk, Krông Pắc và Krông Năng, trong đó khoảng 1.400ha đang trong giai đoạn thu hoạch. Đánh giá thực tế cho thấy, cây vải trồng tương đối phù hợp chất đất sỏi pha cát ở các huyện phía đông và đông nam của tỉnh như huyện Ea Kar, M’Đrắk, Krông Pắc và Krông Năng, nhất là huyện Ea Kar đến nay đã phát triển được khoảng 1.000ha. Mỗi ha vải ở đây những năm đầu mới cho thu hoạch năng suất đạt hơn 10 tấn quả, những năm sau khi tán cây phát triển rộng, năng suất đạt hơn 15 tấn/ha, với chất lượng thơm, ngọt, nhiều nước, dày cùi và đặc biệt là vỏ dày, rất thuận lợi cho việc bảo quản và vận chuyển. Giá trị kinh tế từ cây vải mang lại khá cao, chỉ đứng sau cây sầu riêng nên trong những năm gần đây, người nông dân ở tỉnh Đắk Lắk đã phát triển cây vải theo hướng sản xuất hàng hóa và diện tích tăng nhanh.

Theo ông Lê Văn Thành, hiệu quả kinh tế do cây vải mang lại cho người dân ở Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên đã rõ, nhưng cần phải thận trọng khi mở rộng diện tích, bởi không phải khí hậu, thời tiết và chất đất khu vực nào ở Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên đều phù hợp cây vải. “Để phục vụ việc tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, chúng tôi hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ bà con nông dân ở các huyện phía đông và đông nam của tỉnh như huyện Ea Kar, M’Đrắk, Krông Pắc và Krông Năng nên chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng loại cây trồng khác, trong đó có cây vải, vì chất đất và thời tiết các địa phương này phù hợp. Còn những địa phương khác đất đỏ bazan thì nên ổn định diện tích cà-phê, hồ tiêu hay khu vực hai huyện biên giới Buôn Đôn, Ea Súp thì không nên phát triển cây vải vì thời tiết ở đây khá nóng, lại thiếu nước tưới, trong khi cây vải vào mùa ra quả cần rất nhiều nước. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng quả vải, chúng tôi phối hợp địa phương xúc tiến thương mại kêu gọi các doanh nghiệp về cùng với nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để gắn kết chuỗi thu mua, tiêu thụ; triển khai cấp mã số vùng trồng tiến tới xuất khẩu, từng bước đưa cây vải trở thành cây trồng chủ lực ở Đắk Lắk”, ông Thành chia sẻ.