Tha thiết Lý Sơn

Từ cửa biển Sa Kỳ ra đến đảo chỉ có 15 hải lý, chưa đầy 30 cây số đường biển mà phải mất đến hơn một giờ đồng hồ, con tàu An Vĩnh mới đưa chúng tôi cập bến Lý Sơn. Từ ngoài xa, khi mới nhìn thấy đảo, nhiều người đã reo lên mừng rỡ, tưởng như đã trải qua cả ngàn dặm biển, háo hức, thèm khát được thấy đất liền.

Một góc Lý Sơn.
Một góc Lý Sơn.

1/ Chưa đầy 10 cây số vuông với 20 nghìn dân có lẻ, bình quân hơn hai nghìn người trên một cây số vuông, mật độ dân số ngang ngửa với các thành phố lớn trong đất liền. Mà đất ở đây có được là bao. Vậy nên dân Lý Sơn tiết kiệm từng tấc đất. Nhìn cái cách người ta chăm bón, xoay vòng mảnh đất của mình mới thấy hết sự chuyên cần, nhẫn nại của người Lý Sơn. Hết mùa tỏi lại trồng hành. Thu hoạch hành xong, không trồng tỏi thì lại trồng ngô, lạc, đậu đỗ. Mùa nào thức ấy, không thấy lúc nào đất nghỉ.

Người ta bảo Lý Sơn là vương quốc tỏi, điều đó cũng không ngoa. Đi đến bất cứ ngóc ngách nào trên đảo cũng nhìn thấy tỏi, nghe nói về tỏi. Tỏi đang mọc trên các ruộng cát khắp đó đây. Tỏi được bày bán trong các nhà hàng, khách sạn, ở các quán xá dọc đường, gần các địa điểm du lịch. Người ta mời chào, rao bán, trình bày, chia sẻ về chất lượng, giá cả các loại tỏi ở bất cứ nơi nào có bóng dáng khách du lịch. Vẫn biết, Lý Sơn còn có nhiều sơn hào, hải vị, kỳ hoa, dị thảo, đáng để thu hút và khiến du khách khó quên. Trên bờ có ngô, hành tím, dưa hấu, đậu xanh... Dưới biển có ốc Tượng, ốc Xà Cừ, cá Tà Ma, cua Huỳnh Đế, hàu Son, Nhum biển... Trên núi có những cây hoa Loòng Toong bám vào đá, gồng mình trước sự khắc nghiệt của mưa nắng, bão táp, nở những chùm hoa độc đáo, thầm kín sắc mầu nhưng rắn rỏi những tầng cánh để bảo vệ nhụy hoa… Nhưng đúng là ở Lý Sơn không có thứ gì có thể sánh với tỏi về danh tiếng. Cái hương vị đặc biệt mà tỏi Lý Sơn có được chính bởi nhờ cát lấy từ biển. Mỗi mùa trồng tỏi, dân Lý Sơn phải lấy cát biển rải đều trên mặt ruộng rồi mới đặt nhánh giống tỏi. Cây tỏi nhú mầm, lớn lên từ trong cát biển mặn mòi. Cùng với nắng trời, gió biển, nước tưới và màu mỡ từ nền đất ba zan, cây tỏi Lý Sơn hút những khoáng chất từ cát biển để làm nên cái vị cay, thơm riêng có.

2/ Ngày nay, tên gọi của đảo đã là Lý Sơn, huyện cũng mang tên Lý Sơn, nhưng sao tôi vẫn thích, vẫn tiếc cái tên Cù Lao Ré, nghe thấy như mộc mạc hơn, gần gũi hơn và cũng thân thiết hơn. Nó đã đi vào tâm thức của người dân Quảng Ngãi với câu ca dao:

“Trực nhìn ngó thấy Bàn Than,

Hòn Cù Lao Ré nằm ngang Sa Kỳ”.

Thật ra thì cái tên nôm na Cù Lao Ré ấy không chỉ gắn liền với lịch sử dài lâu của hòn đảo này, mà còn có cả nét nghĩa gần gũi với hình hài, dáng vẻ của mảnh đất nhỏ nhoi giữa trùng khơi này. Trên đỉnh núi là hồ nước ngọt tự nhiên hơn 3 vạn mét khối tạo thành một chu vi tròn gần như cân đối với đường kính cỡ cả non nửa cây số. Đứng trên đỉnh núi Thới Lới nhìn về phía bắc, biển trời trải ra bát ngát. Nhìn về phía đông - nam, làng mạc trù phú, lô xô mái ngói, mái tôn. Những cánh đồng trồng tỏi, trồng hành với những mảng miếng sắc màu đậm nhạt như bức tranh sơn mài. Ngoài xa là khu neo đậu tránh trú bão với chi chít những tàu, thuyền như những quân cờ rải ra san sát trên mặt nước. Tít ngoài rìa khu tránh trú bão, hòn Mù Cu hiện lên dưới chân ngọn hải đăng với những dải đá đen ánh lên lấp lóa giữa nắng trời với sóng biển. Đất trời, biển cả, cảnh vật bày ra trước mắt.

Hầu như tạo hóa cũng chiều lòng người mà địa hình Lý Sơn cao về phía bắc và thấp về phía nam. Núi Thới Lới và núi Giếng Tiên đột khởi, sừng sững như hai tiền đồn trấn giữ hai đầu đông và tây đảo. Dải đồi núi đá phía bắc dựng thành vách trấn chặn những cơn gió Đông - Bắc dữ dằn khắc nghiệt, che chở cho cả dải đất phía nam, nơi con người mưu sinh, tụ hội thành làng, thành xóm. Từng tấc đất trên đảo đã thấm đẫm mồ hôi của bao lớp người lao động. Từng tấc biển đã chứng kiến sức người dầu dãi, mùa nối mùa dầm mình cùng sóng gió và cả những số phận gửi vào lòng biển vĩnh hằng. Nắng trời, gió biển, nước mặn đã cho họ nước da rám nắng đỏ au. Âm hưởng sóng gió hòa trộn vào tiếng nói cho giọng nói của họ như trì xuống với khẩu hình mở rộng khác thường. Sự khó khăn của cuộc sống làm cho họ càng đồng cam, cộng khổ, gắn bó máu thịt tình làng, nghĩa xóm. Cuộc mưu sinh giữa biển cả, nơi sự dối lừa, chao chát không có chỗ ẩn nấp, khiến tính cách họ trở nên cứng cỏi, chất phác. Tất cả những đường nét, sắc màu, tính cách ấy là của một Lý Sơn vững chãi như đá núi, hùng cứ giữa trùng dương, chung sống cùng biển khơi, vượt lên mọi khắc nghiệt của thiên nhiên, một Lý Sơn không lẫn vào đâu được.

3/ Đúng là khó có thể hình dung một Lý Sơn khác với những điều đó. Nhưng nói về Lý Sơn chỉ như thế là chưa đủ. Bởi vì bất cứ ai đặt chân đến Lý Sơn đều không thể không nghe một lần về Đội Hùng binh Hoàng Sa, không thể không cảm nhận từ nơi đây sự đau đáu đến da diết về một vùng biển đảo của Tổ quốc - Hoàng Sa.

Ông già Nguyễn Văn Thọ coi đình làng An Hải hồ hởi chào hỏi, chỉ tay ra ý mời chúng tôi vào trong đình. Nhưng quả thực, chúng tôi chỉ nhận thấy sự hiếu khách của chủ nhân qua nét mặt, còn ông nói gì thì chẳng ai hiểu. Hỏi ông bao nhiêu tuổi, ông bảo: “Bửa ha”. Không hiểu và hỏi lại lần nữa, ông nói to hơn: “Bửa haa!”. Tất cả nhìn nhau cười trừ. Anh bạn cán bộ huyện đi cùng cười lớn và giải thích: “Bác ấy nói là bẩy hai”. Và thế là anh bạn cán bộ huyện Lý Sơn trở thành “phiên dịch” bất đắc dĩ giúp chúng tôi hiểu câu chuyện ông già kể về đình làng, về tục lệ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Ông bảo, đình làng An Hải đã xây dựng từ hơn 300 năm trước. Tục lệ Khao lề thế lính Hoàng Sa cũng có tuổi gần như tuổi ngôi đình. Trước đây, các dòng họ đều làm lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào tháng hai âm lịch hằng năm, tuy vậy, mỗi dòng họ làm vào một ngày khác nhau. Bây giờ, tất cả các dòng họ trong làng trên đảo đều có chung một cái lễ vào ngày 8-2 âm lịch. Người ta làm lễ để tưởng nhớ đến những người trong đội hùng binh Hoàng Sa đã một đi không trở lại, để cầu mong cho những người ra biển được an toàn trở về với gia đình.

Ngày xưa, Đội Hùng binh Hoàng Sa lên đường ra quần đảo vào tháng hai, đến tháng tám mới trở về cập bến Thuận An, Huế. Họ lênh đênh trên những chiếc thuyền câu nhỏ bé, mong manh, dài không quá 10 mét, trụ bám trên quần đảo suốt sáu tháng trời để đo đạc, xây dựng các công trình trên các đảo, đánh bắt các sản vật quý, thu nhặt các hàng hóa, khí cụ trên những con tàu gặp nạn trôi dạt vào các đảo để mang về nộp cho triều đình. Khi ra đi, ngoài lương thực, nước ngọt, củi đốt, mỗi người đều mang theo hai chiếc chiếu cói, bảy que tre, mấy sợi dây mây. Một chiếc chiếu để trải nằm và một để đắp qua đêm khi sống. Lỡ có mệnh hệ nào thì chiếu, que tre và dây mây để bó người xấu số. Câu ca xưa của người Lý Sơn không giấu diếm sự thật về những đau buồn, mất mát của những người chinh phục Hoàng Sa:

“Hoàng Sa lắm bãi, nhiều cồn

Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây”.

Nhưng dù phải hy sinh thì công cuộc chinh phục Hoàng Sa của các thế hệ vẫn không ngừng nghỉ. Những người dân Lý Sơn vẫn ghi lòng, tạc dạ về sự hy sinh của những người đã ngã xuống vì chủ quyền của Tổ quốc trên quần đảo Hoàng Sa, vẫn duy trì lễ Khao lề thế lính với cả tấm lòng thành hướng về Hoàng Sa day dứt khôn nguôi.

“Hoàng Sa đi dễ, khó về,

Khi đi thì có, khi về thì không;

Hoàng Sa mây nước bốn bề

Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”.

Không chỉ ở Khu trưng bày Hải đội Hoàng Sa, mà cả đình làng An Hải, Âm Linh Tự, chùa Hang, chùa Đục và nhiều chùa, am khác của Lý Sơn, ở đâu cũng nhận ra hình hài, bóng dáng và dấu vết của Hoàng Sa. Rồi còn những ngôi mộ gió, những ngày giỗ cả làng… đã trở thành tên đảo của Hoàng Sa. Hoàng Sa không chỉ hiện hữu qua những vật thể, ngôn từ, mà còn đi vào tiềm thức người dân, trở thành một phần máu thịt của Lý Sơn hôm nay và mãi mãi.

Lý Sơn, 5-2017