Tăng tốc giải phóng mặt bằng trên các công trình trọng điểm

Năm 2023, tỉnh Bình Dương cùng lúc triển khai nhiều công trình hạ tầng trọng điểm quy mô tỉnh và vùng, trong đó nổi bật có các dự án liên vùng như mở rộng quốc lộ 13, đường vành đai 3... Chính quyền tỉnh cùng các địa phương và sở, ngành, đơn vị liên quan đang nỗ lực đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để triển khai nhanh chóng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang triển khai thi công.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang triển khai thi công.

Mặt bằng phải đi trước

Là công trình trọng điểm của tỉnh Bình Dương, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 cũng đang được đơn vị thi công triển khai quyết liệt. Theo ghi nhận tại công trường, đến nay, đơn vị thi công đang tiến hành triển khai những đoạn đã có mặt bằng sạch. Trong đó, trên địa bàn TP Thuận An, đơn vị thi công đang ngầm hóa đường ống nước, đường cáp quang để triển khai các hạng mục tiếp theo. Tuy nhiên, hiện nay, đối với các đoạn chưa có mặt bằng sạch thì thi công rất chậm, máy móc, thiết bị phục vụ thi công nằm bất động ở công trường chờ có mặt bằng để làm, trong khi, hàng loạt cống thoát nước chưa được lắp đặt, nằm ngổn ngang hai bên đường, gây mất an toàn. Đáng ngại nhất là đường dây điện chưa được ngầm hóa đã ảnh hưởng đến quá trình thi công. “Việc công trường ngổn ngang, những hố ga sâu rất nguy hiểm, nhất là khu vực phía nam đang bước vào mùa mưa. Chúng tôi mong rằng, cơ quan chức năng liên quan tăng tốc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để dự án sớm hoàn thành, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và sinh hoạt hằng ngày”, bà Trần Thị Sang (ngụ TP Thủ Dầu Một) kiến nghị.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương), dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 dài gần 13km. Tuyến đường sẽ mở rộng về bên phải hai làn xe lên 64m, nâng từ 6 làn xe lên 8 làn xe. Đến nay, đoạn qua TP Thủ Dầu Một, tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường cho 23 hộ dân và một tổ chức, với số tiền hơn 103 tỷ đồng; trong đó, đã chi trả tiền bồi thường 20 hộ dân và một tổ chức, với số tiền gần 99 tỷ đồng. Công tác bàn giao mặt bằng đã bàn giao mặt bằng 16 hộ và một tổ chức, đạt 71% so với số hộ, tổ chức đã phê duyệt. Quốc lộ 13 là trục giao thông “xương sống” kết nối TP Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. Theo đó, dự án góp phần xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận.

Trong khi đó, đối với đoạn qua địa bàn TP Thuận An, trao đổi ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An cho biết, dự án quốc lộ 13, TP Thuận An có 464 hộ và 52 tổ chức thuộc phạm vi giải tỏa. Đến nay đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 293 hộ và 24 tổ chức/1.765,9 tỷ đồng (đạt 61%); đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đối với 235 hộ và 8 tổ chức/1.412,2 tỷ đồng (đạt 77%). Trong đó, 92 hộ và 15 tổ chức đã bàn giao mặt bằng, đạt 34% so với hộ, tổ chức đã phê duyệt.

Đến nay, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13, đoạn từ ngã tư cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị đã giải ngân 470 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong đã giải ngân 290 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Riêng đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến ngã tư cầu Ông Bố đã phê duyệt thu hồi, bồi thường, hỗ trợ về đất đối với 118 hộ, hai tổ chức, với số tiền gần 570 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch.

Về phía địa phương, huyện Bàu Bàng có dự án trọng điểm là tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Đây là tuyến giao thông quan trọng của tỉnh nói chung và huyện Bàu Bàng nói riêng. Tuyến đường dài 48km, được chia thành 4 dự án thành phần, tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động năm 2024 sẽ kết nối các tuyến giao thông chính, kết nối các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng và huyện Đồng Phú (Bình Phước), rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa về các đầu mối giao thông quan trọng. Hiện dự án đã bàn giao mặt bằng đạt 99% tiến độ.

Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng còn lại để dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng hoàn thành đúng kế hoạch.

Bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng đường vành đai 3

Dự án trọng điểm tiêu biểu có tính chất kết nối vùng đang được tỉnh Bình Dương tổng lực triển khai là đường vành đai 3. Là địa phương có dự án đường vành đai 3 đi qua, TP Thủ Dầu Một đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, dự kiến trong tháng 6 này sẽ hoàn thành giải ngân 800 tỷ đồng tiền đền bù cho các hộ dân. Ông Võ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một cho biết, thành phố có 312 hộ bị ảnh hưởng với số tiền bồi thường khoảng 1.200 tỷ đồng. Chính quyền thành phố sẽ hỗ trợ người dân các thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, xây dựng để nhanh chóng ổn định cuộc sống. “Về các thủ tục, nhà nước sẽ thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Đó là trách nhiệm của cơ quan đền bù, cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cấp phép xây dựng, xin phép sửa chữa thì người dân sẽ tự xin theo nhu cầu của họ. Nhà nước sẽ xem xét hỗ trợ cho họ trong việc lập thủ tục cấp phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng, hoặc bổ sung giấy phép sửa chữa”, ông Võ Chí Thành cho biết.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương Nguyễn Anh Minh cho biết, dự án vành đai 3, đoạn qua Bình Dương dài hơn 26km. Tỉnh đã chủ động đưa vào sử dụng hơn 15km, còn gần 11km đi qua ba địa phương là TP Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An chưa đầu tư. Dự án có gần 1.500 trường hợp bị ảnh hưởng, với diện tích đất thu hồi gần 86ha, trong đó, gần 1.000 trường hợp được bồi thường với số tiền khoảng 13.528 tỷ đồng. Trong đó, TP Thủ Dầu Một là 215 trường hợp (8 trường hợp tái định cư); thành phố Dĩ An là 508 trường hợp (305 trường hợp tái định cư) và thành phố Thuận An có 775 trường hợp (205 trường hợp tái định cư).

Đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định về đơn giá đất bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án. Cụ thể, TP Thủ Dầu Một, đơn giá bồi thường cao nhất là đất thổ cư với hơn 42 triệu đồng/m2; TP Thuận An, cao nhất 41,7 triệu đồng/m2; TP Dĩ An, cao nhất hơn 41,9 triệu đồng/m2. Ngay sau đó, ngày 2/6, Trung tâm phát triển quỹ đất TP Thủ Dầu Một phối hợp cùng Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Bình Dương đã trao gần 300 tỷ đồng tới 53 hộ dân thuộc diện đền bù giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 3. Sau TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An và Thuận An cũng sẽ chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Song song đó, các địa phương đang rất nỗ lực trong công tác vận động bàn giao mặt bằng để thực hiện mục tiêu khởi công dự án trong tháng 6 này.

Ông Trần Hùng Việt, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho hay, để tháo gỡ vướng mắc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An, đẩy nhanh tiến độ trình thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, quyết tâm giải ngân vốn tương đương 30% khối lượng giải phóng mặt bằng trước ngày 30/6 theo kế hoạch. Dự kiến 70% mặt bằng toàn tuyến sẽ được bàn giao trong tháng 6, để bảo đảm khởi công dự án đường vành đai 3, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tổng mức đầu tư đường vành đai 3 qua tỉnh Bình Dương là 19.280 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây lắp là hơn 5.750 tỷ đồng, còn lại là kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư. Về bố trí vốn cho dự án, Bình Dương được giao 8.807 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương cho các dự án thành phần đường vành đai 3 qua địa bàn tỉnh. Còn về phía tỉnh Bình Dương cũng đã bố trí được gần 8.000 tỷ đồng cho dự án.