Bùng nổ và thiếu sự kiểm soát
Thao tác mua bán tiền mã hóa vô cùng đơn giản. Người dùng chỉ cần đăng ký tài khoản với xác thực KYC. Sau đó, chuyển tiền VND qua hệ thống ngân hàng vào tài khoản của đại lý các sàn giao dịch đặt tại Việt Nam. Số tiền này sẽ được ghi nhận vào tài khoản người dùng tại sàn giao dịch. Người dùng có thể dùng số tiền này để mua các đồng tiền mã hóa trong danh mục được phép của sàn, hoặc cũng có thể mua đồng tiền ổn định (stable coin) như USDT, USDC, BUSD, DAI, TUSD, GUSD... (một đồng tiền mã hóa có giá trị ổn định được tham chiếu vào một tài sản ổn định khác như vàng hoặc tiền pháp định như USD, EUR...).
Stablecoin được bảo đảm mức giá ổn định và có tính toàn cầu, không phụ thuộc một ngân hàng trung ương nào) sau đó, hoán đổi (swap) thành đồng tiền mã hóa mà người dùng muốn mua. Nếu người dùng muốn bán đồng tiền điện tử mà họ đang sở hữu, họ có thể bán dạng ngang hàng (P2P) cho người muốn mua và nhận tiền VND trực tiếp qua tài khoản ngân hàng hoặc swap sang các đồng tiền mã hóa cơ bản khác như BTC, ETH... hoặc stable coin, sau đó bán lấy tiền VND.
Trường hợp họ muốn chuyển số tiền trên tài khoản tại sàn giao dịch về tài khoản ngân hàng, đại lý của sàn giao dịch sẽ chuyển số tiền cần rút về tài khoản bất kỳ theo chỉ định của người dùng. Chẳng hạn như sàn Remitano, một trong những sàn giao dịch lớn tại Việt Nam hiện nay đang thực hiện giao dịch như vậy qua hàng loạt các ngân hàng lớn như Vietcombank, Techcombank, TPBank, MB, ACB, HDBank, BIDV, VPBank.
Đáng chú ý là các giao dịch chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng để mua bán tiền mã hóa không hề có sự kiểm soát, mặc dù quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi ngày, trong khi có cả hệ thống dày đặc các quy định về phòng, chống rửa tiền của NHNN. Các sàn giao dịch tiền mã hóa đang thu những khoản phí khổng lồ trong quá trình mua bán, giao dịch, thực hiện các nghiệp vụ phái sinh, stake... đối với tiền mã hóa.
Tiền mã hóa gắn liền với công nghệ thông tin nên có khả năng tiếp cận nhanh chóng với người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Sự dễ dàng trong quá trình mua bán và độ biến thiên giá rất lớn trong thời gian ngắn khiến tiền mã hóa trở thành một đối tượng đầu tư vô cùng hấp dẫn. Việc tiền mã hóa tăng giá hàng chục, thậm chí hàng trăm lần đã khiến các nhà đầu tư, đặc biệt là đối tượng trẻ tuổi và có chút kiến thức về công nghệ hào hứng đầu tư tìm kiếm cơ hội.
Chúng ta có thể thấy tràn ngập trên internet, trên khắp các mạng xã hội như facebook, instagram, tiktok, zalo... hoặc các diễn đàn lớn nhỏ như coin68.com, diendancoin.info, crypto4me.net... đều có các chuyên mục về đầu tư tiền mã hóa, gây các hiệu ứng FOMO (Fear of missing out) đối với một số đồng tiền mã hóa nhất định, là hiệu ứng tâm lý của những người sợ bỏ lỡ cơ hội khi đứng ngoài trào lưu của đám đông. Hệ quả là hàng nghìn nhà đầu tư cá nhân đã bỏ tiền vào các đồng tiền mã hóa được giao dịch trên các sàn giao dịch phi chính thức nhằm tìm kiếm lợi nhuận, khiến hàng nghìn tỷ đồng đang chảy ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau mà các cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát được.
Không những vậy, ngay tại Việt Nam, một tổ chức phát hành đồng tiền mã hóa dạng stable coin (đồng tiền ổn định), ký hiệu VNDT, thuộc hệ sinh thái tài chính AntEx Ecosystem (website: vndt.com), trụ sở tại Singapore và văn phòng đại diện tại Việt Nam. AntEx Ecosystem phát hành đồng VNDT và cho phép sử dụng nó trong việc giao dịch thương mại điện tử, cho vay, đầu tư trong hệ sinh thái mà AntEx và các đối tác xây dựng. Đồng thời, AntEx cũng phát triển ví VNDT, sàn giao dịch phi tập trung và sàn giao dịch tập trung AntEx.
Theo thông tin tại AntEx, đồng VNDT được hỗ trợ thanh khoản bằng VND (tỷ lệ 1:1) bởi Ngân lượng (trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép). Đồng VNDT được sử dụng làm công cụ để mua bán, trao đổi với hơn 100 đồng tiền mã hóa khác nhau, liên kết với Visa và MasterCard phát hành thẻ tín dụng, liên kết với các ví điện tử như nganluong.vn, vimo, tienngay.vn... để thanh toán. Đồng thời, thông qua nền tảng AntEx, người dùng có thể gửi VNDT, thế chấp các đồng tiền mã hóa để vay tiền...
Tóm lại, VNDT được coi tương đương với tiền pháp định điện tử VND và sử dụng cho các mục đích khác nhau. Việc nạp VNDT vào ví để giao dịch có thực hiện qua thẻ ATM nội địa, internet banking, quét mã VietQR hoặc chuyển khoản ngân hàng. AntEx cũng phát hành token với số lượng 100 tỷ, ký hiệu là ANTEX. Việc AntEx phát hành VNDT và sử dụng như một đồng tiền điện tử pháp định để mua bán các loại tiền mã hóa khác, huy động vốn bằng VNDT, nhận thế chấp tiền mã hóa để vay vốn, thanh toán qua các công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán là hành vi không được phép, vi phạm quy định của pháp luật khi phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.
Hệ lụy khi thiếu sự quản lý
Sự phát triển bùng nổ của các giao dịch tiền mã hóa nhưng thiếu sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước đem lại rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Trong quá trình giao dịch tiền mã hóa, quyền lợi của nhà đầu không hề được bảo đảm. Các vụ lừa đảo của sàn giao dịch, thổi giá, hack tài khoản... khiến nhiều nhà đầu tư lao đao, mất trắng số tiền đầu tư.
Tuy nhiên, kỳ vọng lợi nhuận cao hàng chục, hàng trăm lần khiến nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục lao vào đầu tư. Nhiều người trắng tay do tiền mã hóa đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật để bù đắp số tiền đã mất. Cơn quay cuồng trong thị trường tiền mã hóa đã khiến hàng nghìn tỷ đồng của các nhà đầu tư bốc hơi, rơi vào túi những kẻ lừa đảo, những “cá mập” coin, nhà tạo lập thị trường hoặc chảy vào túi các sàn giao dịch.
Thiếu sự quản lý, hàng chục nghìn tỷ đồng trong dân cư đã chảy vào các kênh đầu tư tiền mã hóa, chuyển ra nước ngoài mà Nhà nước không hề thu được bất cứ một lợi ích nào, trong khi đó hệ lụy xã hội rất lớn và mất chi phí cơ hội sử dụng vốn đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội. Lợi ích ở đây, có chăng chỉ là việc các ngân hàng thu được khoản tiền nhỏ trong phí chuyển tiền khi nhà đầu tư dùng dịch vụ ngân hàng.
Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, cân nhắc để có những giải pháp cụ thể kiểm soát hoạt động giao dịch tiền mã hóa. Trước mắt là kiểm soát việc phát hành bất hợp pháp các đồng tiền mã hóa tại Việt Nam; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhà đầu tư đối với việc đầu tư tiền mã hóa; kiểm soát việc dùng hệ thống ngân hàng và trung gian thanh toán để thực hiện các giao dịch liên quan tiền mã hóa; nghiên cứu, triển khai tiền điện tử do NHNN phát hành nhằm phát triển các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi phát triển thương mại điện tử, giảm lạm phát, loại trừ các thể loại tiền mã hóa, các công cụ sử dụng như phương tiện thanh toán mà không chịu sự quản lý của Nhà nước.
Nhìn ra thế giới, đến nay đã có hơn 100 quốc gia đang đầu tư vào các công nghệ sổ cái phân tán (Distributed Ledger Technology - DLT) với hơn ba tỷ USD. DLT là một hệ thống kỹ thuật số cho phép người dùng và hệ thống ghi lại các giao dịch liên quan tài sản ở nhiều vị trí tại bất kỳ thời điểm nào nhưng không có bất kỳ vị trí trung tâm nào để lưu trữ thông tin. Tính năng phân quyền cũng cung cấp khả năng bảo mật, minh bạch và tin cậy tốt hơn giữa các bên sử dụng nó. Ngoài ra, hơn 120 ngân hàng trung ương đang tham gia vào các cuộc thảo luận DLT, bao gồm cả ý nghĩa của việc phát triển tiền điện tử của ngân hàng trung ương-một loại tiền ở hình thức kỹ thuật số của tiền định danh được thiết lập theo quy định của chính phủ.
Đến thời điểm tháng 11/2021, theo số liệu trên hai trang web chuyên về tiền mã hóa là coinmarketcap.com và coingecko.com, có tổng cộng khoảng 14.000 đồng tiền mã hóa đang được giao dịch trên khoảng 524 sàn giao dịch, giá trị vốn hóa thị trường tiền mã hóa khoảng 2.693 tỷ USD. Trong đó, hai đồng tiền mã hóa chủ chốt là Bitcoin (BTC) chiếm 39,6% và Ethereum (ETH) chiếm 18,8% vốn hóa toàn thị trường.