Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thuộc UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn trên địa bàn nhằm hạn chế các vụ ngộ độc có liên quan. Trong đó, chú trọng kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đối tượng kiểm tra là các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn, các cơ sở dịch vụ ăn uống có phục vụ rượu bia tại chỗ. Quá trình kiểm tra, các đoàn có thể lấy mẫu sản phẩm đưa đi kiểm nghiệm để đánh giá.
Trước đó, vào ngày 6/8, trên địa bàn TP Thủ Đức đã có hai sinh viên tử vong, sáu người nguy kịch nghi do ngộ độc rượu. Qua kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đối với các trường hợp ngộ độc thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố sẽ chờ kết luận chính thức của cơ quan điều tra và sẽ có thông tin kịp thời đến người dân.
Theo các chuyên gia y tế, các loại rượu không bảo đảm chất lượng, rượu giả (được pha chế bằng cồn công nghiệp methanol) có thể gây các vụ ngộ độc cấp tính, nhiều trường hợp dẫn đến tử vong. Các trường hợp ngộ độc methanol chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân là uống rượu kém chất lượng có pha methanol và uống phải cồn y tế bị làm giả, với thành phần ethanol bị thay thế thành cồn công nghiệp methanol. Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị người bệnh chủ quan và bỏ qua. Các biểu hiện ngộ độc thường gặp là buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê và tử vong.
Trước sự nhầm lẫn của người dân về các sản phẩm chứa hóa chất methanol với cồn sát trùng hoặc sản phẩm sát khuẩn ngoài da, sát khuẩn tay dùng trong y tế, Bộ Y tế nhấn mạnh methanol là hóa chất dùng với mục đích là chất đốt, rửa dụng cụ, làm dung môi hóa chất xét nghiệm. Methanol không phải là thuốc, nguyên liệu làm thuốc và không được sử dụng cho mục đích sát khuẩn trong y tế. Trong khi đó, các loại rượu chứa cồn công nghiệp gây ngộ độc ở Việt Nam hoàn toàn không phải do các loại rượu nấu truyền thống, mà là tình trạng các tiểu thương mua cồn công nghiệp methanol về đóng chai hoặc pha thành các loại rượu rởm, trà trộn với các loại rượu truyền thống để thu lợi bất chính và gây ngộ độc.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mức tiêu thụ rượu, bia đang tăng nhanh tại Việt Nam. Thống kê từ báo cáo toàn cầu năm 2019 cho thấy, Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người, với mỗi năm khoảng 40.800 ca tử vong liên quan đến bia, rượu.