Sáng tạo với món ngon thuần Việt

Hơn 5 năm bước vào nghề, đầu bếp trẻ Trần Lê Thanh Thiện (trong ảnh), đã tạo ra hơn 100 công thức chế biến món ăn độc đáo. Thế nhưng, điều khiến Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đầu bếp trẻ TP Hồ Chí Minh ghi điểm lại là cách anh lưu giữ cho bằng được những nét đặc trưng của món ngon thuần Việt khi biến tấu với các nguyên liệu đến từ nước ngoài. Thời Nay đã có cuộc trò chuyện với anh về hành trình đầy thú vị này.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng tạo với món ngon thuần Việt

Phóng viên (PV): Đâu là lý do khiến một người học lĩnh vực kinh tế như anh bước vào nghề bếp?

Trần Lê Thanh Thiện (TLTT): Từ nhỏ, tôi đã mê gian bếp của mẹ, nơi bà đứng nấu cả chục món trong bữa tiệc cưới, đám giỗ cho người quen. Cấp ba, tôi rời nhà lên thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) trọ học, những ngày tự nấu nướng bắt đầu. Mẹ hướng dẫn tôi từng bước nhỏ để kho cá thiệt ngon, nấu canh đúng chuẩn. Từ năm hai đại học, tôi mê mẩn các chương trình hướng dẫn nấu ăn trên ti-vi, vậy là vừa học ngành Quản trị kinh doanh, tôi vừa đăng ký học vài khóa đứng bếp từ các thầy cô uy tín. Tôi còn làm phụ bếp tại một số nơi để thỏa sức sáng tạo.

PV: Vậy tại sao anh không theo con đường của một đầu bếp mà lại chuyển hướng sang lĩnh vực nghiên cứu công thức chế biến món ăn?

TLTT: Tôi đi học nghề bếp chỉ để vui và biết tiêu chuẩn làm các món ngon và không nghĩ đây sẽ là nghề chính của bản thân. Tôi tiếp tục đi học, tự tìm tòi thêm trên mạng và nghiên cứu cách ra các công thức món ăn theo tiêu chuẩn lạ miệng nhưng vẫn giữ được mức độ gần gũi của thực khách Việt. Bánh da lợn từ trái cây khô của Mỹ, cá lóc hay thịt xíu mại sốt quả việt quất, sữa chua dẻo… Đó vẫn là món ăn truyền thống của người Việt nhưng được biến tấu để tạo ra trải nghiệm mới. Tôi ưu tiên những gia vị thuần Việt trong tất cả các công thức của mình.

PV: Món ăn Việt thường khá nhiều gia vị, trong đó không ít loại rất khó để kết hợp hài hòa với nguyên liệu nước ngoài. Đâu là cách giúp anh cân bằng hai yếu tố này?

TLTT: Tôi thất bại trong rất nhiều lần thử trước khi ra được những công thức riêng, nhất là những món đi kèm với nước mắm, hải sản hoặc đặc sản vùng miền. Khách hàng, đối tác của tôi là các hiệp hội, nhãn hàng quốc tế, họ muốn giới thiệu nguyên liệu, nông sản của đất nước họ đến bàn ăn người Việt. Vậy nên tôi phải tính toán kỹ lưỡng để tạo ra những công thức kết hợp hài hòa các tiêu chí này.

PV: Tiêu chí anh đặt ra khi kết hợp với các hiệp hội quốc tế trong việc quảng bá món Việt theo phong cách mới là gì?

TLTT: Các hiệp hội không đặt nặng vấn đề kinh doanh mà luôn coi trọng việc quảng bá văn hóa trong ẩm thực. Họ muốn nhìn thấy các sản phẩm, nguyên liệu của mình được biến tấu, sáng tạo, mang lại sự thích thú cho người Việt khi thưởng thức. Khi bàn bạc cùng nhau, tôi luôn đưa ra yêu cầu về việc giữ văn hóa chung, chỉ thay đổi một chút hương vị khiến các món ăn mộc mạc có thêm vị mới, nhân mới chứ không bao giờ biến đổi hoàn toàn, không làm món này thành món khác.

PV: Bận rộn là vậy nhưng tôi vẫn thấy anh say sưa với công việc giảng dạy và hoạt động cộng đồng. Sao anh không dành thời gian ấy cho riêng mình?

TLTT: Tôi học được rất nhiều điều từ người đi trước nên phải tìm cách sẻ chia kiến thức, kinh nghiệm cho người đi sau. Với tôi, muốn bước vào nghề bếp hay bất cứ nghề gì, đầu tiên chúng ta phải đam mê và chịu khó lắng nghe, học hỏi. Tôi có dịp đi sang một vài quốc gia để giao lưu, học hỏi. Trong những chuyến đi như thế, tôi luôn tìm cách tích lũy thật nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Còn với hoạt động cộng đồng, đó là mạng lưới kết nối giúp tôi đưa những món ngon đến với những người thật sự cần. Việc sẻ chia, đồng hành giúp một đầu bếp trẻ như tôi được học hỏi, làm việc với rất nhiều đầu bếp đi trước và cả những bạn trẻ thật sự yêu thích lĩnh vực này. Tôi thích được bận rộn với điều mình thích.

PV: Kế hoạch sắp tới của anh là gì?

TLTT: Tôi sẽ tiếp tục tìm tòi, sáng tạo công thức mới, đi ra các nước nhiều hơn để quảng bá ẩm thực Việt thông qua nhiều dự án kết nối và cùng với các anh chị tổ chức nhiều khóa học, tạo thêm cơ hội cho các bạn trẻ đam mê nghề bếp được học tập, tranh tài tại các cuộc thi trong và ngoài nước.

PV: Cảm ơn Thiện với những chia sẻ thú vị này. Chúc anh gặt hái thêm nhiều thành công trên con đường phía trước.