Nguyễn Hải Hoàng (huyện Nam Trực, Nam Định)
Dân tộc ta có nhiều nét văn hóa truyền thống lâu đời đã thành tập tục. Vào các dịp đầu năm, mồng một, ngày rằm... người dân địa phương thường đến các đình, đền, chùa, miếu gần nhà để cầu bình an, sức khỏe, tài lộc. Cùng với đó, có một lượng không nhỏ người dân hành hương về nơi cửa Phật.
“Nắm bắt” nhu cầu ấy, hàng loạt thứ “dịch vụ” ở cửa đình, đền, chùa đua nhau mọc lên như nấm. Từ bán hương thẻ, đổi tiền lẻ, cho đến làm cỗ chay, mặn, rồi cả viết sớ thuê. Trong những thứ dịch vụ ăn theo này, tôi sợ nhất một số “thầy” viết sớ. Bằng cấp, trình độ thì chẳng có ai chứng nhận nhưng ông nào ông nấy đều trưng biển rõ to, quảng cáo hoành tráng, tự nhận “nhất nhì ở đây”. Tôi từng chứng kiến nhiều “thầy” lợi dụng khách phương xa tới mà “chặt chém” thẳng tay: gặp khách “yếu bóng vía” thì ép mua sớ giá trên trời, khách “cứng gân” thì cố cậy “sân nhà” to tiếng, chửi bới, đuổi khách rất kém văn minh. Mang tiếng là “thầy”, nhưng các bàn viết sớ thuê lại thường xuyên xảy ra cự cãi, xô xát vì tranh giành khách hơn hẳn những khu vực khác. Điển hình là mới đây, tại khu di tích đền Trần - Nam Định, đã xảy ra vụ việc các “thầy” “giải quyết” lẫn nhau ngay giữa sân đền, thật không còn gì để nói!
Những hình ảnh vô cùng phản cảm ấy rõ ràng khiến khách du lịch phải “lắc đầu, lè lưỡi” và cân nhắc phương án không quay lại địa phương. Điều lạ lùng là, mỗi khi xảy ra sự việc không hay, các cấp quản lý sở tại thường chọn giải pháp “giơ cao đánh khẽ”, chung quy cũng chỉ tại lý do muôn đời: người quen, người làng với nhau cả (!?) Vậy là cuối cùng, ai gây rối cứ việc, ai chặt chém cứ thoải mái, và người chịu thiệt vẫn chỉ là khách thập phương và ngành du lịch địa phương mà thôi.