Đi từ thiện nhưng đăng ảnh… nhí nhố!
Nhiều người hơi băn khoăn, nghĩ nghề bác sĩ bận lắm kia mà, chưa kể Nguyễn Thế Lương lại còn là Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội, thế chẳng nhẽ “ổng đi chơi suốt, không khám chữa, không quản lý gì hay sao”.
Tiếp xúc với bác sĩ Nguyễn Thế Lương, nhẽ thấy mọi thứ đều ngược lại. Trước mắt tôi, anh là một người đàn ông không hề “ngộ nghĩnh” như trên mạng, mà điềm đạm, nghiêm túc, một kiểu nghiêm túc hiền khô (thay vì anh tự nhận là mình vốn có biệt danh “ngố”), chứ không phải vẻ nghiêm trang, đạo mạo của một người làm quản lý. Anh cũng bận đến phát mệt, khiến người đi phỏng vấn là tôi mắc mệt, khi cứ 5 phút lại điện thoại réo một lần, tin nhắn thì liên tục. Có lẽ anh đã cố gắng giữ lịch sự vì nể mặt tôi lắm, nhưng khi người gọi là bệnh nhân đang chờ cắt thuốc, rồi y tá, nhân viên cấp dưới, toàn việc khẩn, thì chẳng thể đừng được. Tôi tò mò hỏi “Em tưởng đang giờ nghỉ trưa?” - “Bọn anh toàn phải làm việc xuyên trưa em ạ.”, rồi lại hớt hải trả lời điện thoại…
Phải mất đến ba cuộc hẹn gặp và thêm ba cú điện thoại nữa tôi mới có thể hoàn thành bài viết, vì lần nào cũng chỉ ngồi được 45-60 phút thì bác sĩ Lương lại phải chạy đi (theo đúng nghĩa đen), nghĩa là không phải bước đi mà là cuống lên chạy ra xe, hệt như sinh viên muộn học hay lính cứu hỏa đi chữa cháy. Và khi cố gắng trao đổi qua điện thoại để hoàn tất nốt thông tin thì anh ngắt máy mất ba lần để xử lý bệnh nhân. Vậy mà thật kỳ lạ, bác sĩ Nguyễn Thế Lương là trưởng nhóm bác sĩ thiện nguyện với tên gọi “Theo dấu chân bác sĩ”, một năm đi các tỉnh vùng sâu, vùng xa khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo đến ba, bốn bận.
Bác sĩ Lương trả lời rất hồn nhiên, như tấm lòng của anh và những người đồng nghiệp vậy. Họ tự bỏ kinh phí, công sức, thời gian để đi đến các bản nghèo chữa bệnh (trong khi việc cứu chữa ở bệnh viện đã đủ vất vả) nhưng chẳng hề lưu lại tấm ảnh hay thông tin gì trong kho dữ liệu. Vì họ cũng đâu cần ai biết, cũng không cần xem lại, có thể thứ cần xem là rà soát coi nơi nào có nhiều bệnh nhân cần đến mình trong những chuyến đi sắp tới. Lòng tốt và sự sẻ chia là để quên đi, không phải ghi nhớ để chờ ngợi khen hay đền đáp. Chính vì thế mà trên Facebook của bác sĩ Lương chỉ toàn thấy ảnh chụp với trẻ con vùng cao, với ảnh nhắng nhít ở những nơi anh đi tới, thay vì ảnh khám chữa bệnh hay cảnh đứng trao quà cho dân.
Chúng tôi hạnh phúc hơn họ!
Nhóm thiện nguyện do bác sĩ Lương sáng lập cách đây 20 năm, mới đầu có độ 20 người. 20 con người hồn nhiên đi lên vùng cao chỉ với những tấm lòng và… cái ống nghe. “Lúc ấy nhóm không biết là đến nơi cần phải có giấy phép khám chữa bệnh với cả thuốc và rất nhiều máy móc khác nữa. Cứ thế là đi thôi, mang mỗi cái ống nghe”. Sau này nhóm ngày càng hoạt động sôi nổi hơn, chuyên nghiệp hơn, với quân số dao động khoảng 100 người, chia ra thành các bộ phận chuyên lo hậu cần, lo giấy phép, lo trang thiết bị y tế, lo công tác thủ quỹ, kế toán, lo nhập dữ liệu… nên các bác sĩ có thể tập trung toàn tâm toàn ý cho việc chữa bệnh.
Bác sĩ Lương có vẻ hào hứng đặc biệt khi kể về trẻ con vùng cao. Anh bảo trẻ con trên ấy vui lắm khi được truy cập internet, như thể điều thần kỳ khiến cả thế giới mới xuất hiện trước mắt chúng. Rồi cái ngày mà đoàn thiện nguyện mang theo mấy bao tải gấu bông, anh không thể quên được ánh mắt háo hức của lũ trẻ ở hồ Ba Bể qua hàng rào khi lần đầu tiên nhìn thấy nhiều gấu bông như thế. Anh bảo rằng: “Chúng tôi được nhiều hơn họ chứ. Nhìn những khuôn mặt hạnh phúc của họ, tôi còn thấy hạnh phúc hơn họ! Vì thế khi cho đi, tôi cảm thấy mình nhận được nhiều hơn là họ nhận. Dù trong quãng thời gian ngắn ngủi ấy, tôi không thể thay đổi được cuộc đời họ nhưng có thể mang lại những khoảnh khắc hạnh phúc”.
Bác sĩ Lương nói rằng, anh không thể quên hình ảnh các bác sĩ thì đi giày còn bệnh nhân đến khám thì đi chân đất. Chính vì thế mà ngoài việc bỏ công sức và gom tiền túi mua quà ủng hộ bà con bệnh nhân, nhóm của anh còn không ngừng huy động tài trợ để mua các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, dung dịch vệ sinh, dầu gội, mũ bảo hiểm mang lên vùng sâu vùng xa. Tết vừa rồi họ cũng chở 2.025 chiếc bánh chưng ra Trường Sa kèm theo 72 cây guitar và 100 cây mai, đào bằng lụa để hỗ trợ đời sống tinh thần cho chiến sĩ. Trước đó, họ cũng mang theo cây giống, đất trồng, phân bón để giúp các chiến sĩ làm xanh hóa quần đảo.
Là người gắn liền với các bệnh nhân chạy thận nhân tạo, bác sĩ Lương hơn ai hết thấu hiểu nỗi đau tận cùng của họ cả về tinh thần và thể xác. Chưa kể hầu hết trong số họ đều là những người khó khăn về tài chính, họ thường chỉ có thể làm những công việc giản đơn để kiếm sống. Cá nhân anh cũng cố gắng vận động các nhà hảo tâm để giúp họ có thêm những món quà tặng thiết thực như gạo, dầu ăn, nước mắm, bột canh… trong các đợt giãn cách vì đại dịch. Và cứ năm mới thì ai cũng có quà cả, đó là những cái chăn từ nhà chùa, là những món quà Tết, là bánh chưng.... Mỗi nơi anh xin một ít nên cộng lại cũng đầy đủ cả.
“Theo dấu chân bác sĩ” cũng huy động tài trợ và gom góp tiền túi của các thành viên đoàn để tặng những công trình lâu bền cho cư dân khó khăn nơi mình đến. Như tuyến đường 2 km chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời ở Bắc Kạn, hệ thống cấp nước tự chảy 5,5 km ở Phú Yên, nhà bán trú cho các cháu nhỏ ở Hà Giang, tủ sách và phòng học có máy tính ở Y Tý, Pa Cheo (Bát Xát, Lào Cai), và sắp tới là ở Hòa Bình, Cao Bằng.
Nguyên vẹn những người “đời đầu”
Từ 20 thành viên ban đầu, “Theo dấu chân bác sĩ” ngày càng đông đảo và được nhiều địa danh biết đến. Hằng năm có rất nhiều đơn xin hỗ trợ khám chữa bệnh gửi đến từ các huyện vùng sâu, vùng xa. Nhóm của anh lại phải rà soát, đánh giá theo thang điểm để lựa chọn xem nơi nào đưa lên ưu tiên. Trước mỗi chuyến đi, trang của nhóm thường đưa thông báo kêu gọi và chỉ sau vài tiếng đã có thể đóng trang vì tìm được đủ quân số. Những chuyến đi dài ngày vất vả, địa hình - khí hậu khắc nghiệt, quy định chặt chẽ như quân đội (Ai chậm dù chỉ 1 phút ở điểm tập trung đều bị bỏ lại nên nhiều người chậm có vài phút đã phải tự bắt xe đuổi theo đoàn) nên trong tập thể cũng có lúc xích mích, lời ra tiếng vào. Rồi vì cuộc sống, vì mưu sinh, vì không chịu được khổ, vì chưa đủ nhiệt huyết, vì ngàn lý do mà có những người phải bỏ ngang. Nhưng dù lượng người vào - ra thay đổi liên tục thế nào, thì suốt hàng trăm chuyến đi ấy vẫn luôn có mặt 20 “chiến sĩ” ban đầu, những thành viên sáng lập nhóm. Đấy là những người mà theo như bác sĩ Lương thì “Cứ mỗi lần lên lịch trình, chỉ cần thông báo nội dung chứ không cần phải hỏi ý kiến họ nữa. Bởi “auto” là họ có mặt”. Trong thế hệ đời đầu ấy có bác sĩ Bình là Chủ tịch chuỗi răng Meddental, bác sĩ Thành - Trưởng khoa Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - Bệnh viện Phổi Trung ương, bác sĩ Vũ - Trưởng khoa Thận lọc máu - Bệnh viện 108, bác sĩ Hoàng - Phó khoa Phẫu thuật thẩm mỹ - Bệnh viện Xanh Pôn… Họ cũng là những người thầm lặng, sắp xếp việc nhà, việc cơ quan để đến với những đồng bào vùng cao, bền bỉ suốt 20 năm. Có lần ngay trước chuyến đi, bác sĩ Lương bị giãn cơ lưng nghiêm trọng, đứng ngồi rất khó khăn. Cuối cùng anh vẫn quyết định tham dự theo kế hoạch, với một chiếc đai lưng tròng vào người trong suốt nhiều ngày di chuyển.
Bác sĩ Nguyễn Thế Lương là nhân vật quen thuộc trên truyền thông trong lĩnh vực nam học. Trong top 10 bác sĩ nam khoa hàng đầu được các kênh y tế bình chọn luôn có tên anh. Anh cộng tác với các chuyên mục “Lời thì thầm” của Joy FM VOV rồi “Chuyện thầm kín” của VOV2 và hơn 1 năm phụ trách chuyên mục “Thì thầm bên gối” của báo Sức khỏe đời sống. Anh cũng là ủy viên Ban Chấp hành Hội Y học Giới tính Việt Nam. Ngày 24/2 vừa rồi, Nguyễn Thế Lương vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú sau 30 năm công tác. Tuy nhiên trước đó hai tháng, tôi biết tin bác sĩ đã viết đơn xin từ chức Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội. Kinh ngạc hỏi tại sao, anh chỉ nói đơn giản là công việc quản lý khiến anh vướng víu không thể theo đuổi những ước mơ và dự định của mình.