Người lao động “ngóng” thưởng Tết
Thời điểm cuối năm, người lao động vẫn luôn đặt kỳ vọng vào thưởng Tết. Dù nhiều hay ít, đây cũng là một khoản giúp người lao động có thêm động lực gắn bó với công ty. Chị Nguyễn Thị Thương, công nhân may chia sẻ, do phải thuê nhà nên hai vợ chồng phải thật tiết kiệm mới đủ sinh hoạt trong gia đình, lúc con ốm, có khi còn phải vay mượn thêm. Vì vậy, vợ chồng anh chị vẫn gắn bó với công ty và trông mong vào khoản thưởng Tết. “Tôi cũng mong là năm nay thưởng Tết sẽ giữ nguyên phần trăm như mọi năm là 13% và chia cho trước Tết 9%, sau Tết 3%. Nếu được vậy, trước Tết tôi có thể được nhận khoảng 17 - 18 triệu đồng”.
Tương tự, chị Nguyễn Bích Hồng, công nhân xưởng đóng gói cho biết: “Cố gắng làm việc suốt một năm trời, người lao động chờ đợi nhất là khoản thưởng Tết. Trong năm, tình hình sản xuất của công ty tốt hơn, phải cho công nhân tăng ca để kịp đơn hàng Tết. Nếu thưởng Tết năm nay có thể tăng, dù không nhiều nhưng cũng sẽ tạo động lực rất lớn cho tôi và đồng nghiệp. Nên giờ thấy sản xuất của công ty dần phục hồi, tôi rất hy vọng”.
Với đặc thù số lượng lao động lên tới 12.000 người, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, hằng năm, từ quý III, doanh nghiệp phải có kế hoạch tài chính cho lương, thưởng Tết của người lao động. Dự kiến, năm nay, cùng với thị trường xuất khẩu tích cực và thị trường trong nước hồi phục, doanh thu đã tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, doanh nghiệp có kế hoạch thưởng tháng lương thứ 13 cho người lao động, với bình quân là khoảng 1,6 tháng lương. “Bình quân mỗi người lao động sẽ cầm về khoảng 12 đến 15 triệu đồng. Chúng tôi đang dự kiến sẽ chi thưởng Tết trước ngày ông Công ông Táo (23 tháng Chạp)”, ông Việt thông tin.
Bên cạnh các doanh nghiệp đang lên kế hoạch thưởng Tết, tại một số địa phương, mức thưởng Tết cho người lao động đã được công bố. Tại Bắc Giang, theo thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, dự kiến năm nay, mức thưởng Tết của các doanh nghiệp trong tỉnh Bắc Giang bằng hoặc tăng từ 5-10% so với năm 2023 do tình hình sản xuất, kinh doanh khởi sắc. Cụ thể, có 172 doanh nghiệp sử dụng hơn 155.800 lao động đã có kế hoạch thưởng Tết dương lịch với mức thưởng bình quân là 290 nghìn đồng/người, tăng 13,7% so với Tết năm 2023; mức thưởng cao nhất hơn 52 triệu đồng/người thuộc về khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng thấp nhất là 100.000 đồng/người.
Có 311 doanh nghiệp ở Bắc Giang có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2024 cho hơn 178.800 lao động, với mức bình quân hơn 6,6 triệu đồng/người, tăng 17,4% so với năm 2023; mức thưởng cao nhất là 146 triệu đồng/người thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng thấp nhất là 100 nghìn đồng/người.
Theo ghi nhận, hầu hết các doanh nghiệp đều khẳng định có thưởng Tết và mức thưởng sẽ tăng so năm trước. Đặc biệt, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực dệt may, da giày, lắp ráp điện tử sẽ thưởng Tết cao hơn. Những lĩnh vực khác, doanh nghiệp cho biết vẫn duy trì thưởng Tết, bảo đảm mọi người đều có thưởng Tết. Mức thưởng bao nhiêu sẽ tùy theo chỉ số kinh doanh của từng doanh nghiệp, nhưng ít nhất duy trì thưởng Tết bằng năm ngoái.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, nửa đầu năm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, hầu hết doanh nghiệp phải tái cơ cấu sản xuất. Tiếp đó bão số 3 quét qua nhiều tỉnh, thành phố phía bắc đã tàn phá tài sản, gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, người lao động vẫn đồng hành cùng doanh nghiệp để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Vì vậy, việc thưởng Tết năm 2025 cũng là sự ghi nhận của chủ doanh nghiệp đối với những người đã gắn bó, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Hy vọng những tháng đầu năm 2025 các doanh nghiệp tiếp tục giữ được đà sản xuất, kinh doanh khởi sắc để có điều kiện chăm lo tốt hơn cho người lao động.
Để người lao động được hưởng chế độ tốt nhất
Trên thực tế, thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc mà căn cứ theo tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chỉ số hiệu quả, năng suất lao động, mức độ hoàn thành công việc của nhân viên trong năm mà doanh nghiệp có thể xây dựng quy chế nội bộ về chế độ thưởng Tết. Mức thưởng Tết sẽ do doanh nghiệp tự quyết định. Nếu năm đó doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc người lao động không hoàn thành tốt công việc thì việc không nhận được thưởng Tết là điều hoàn toàn bình thường.
Tuy vậy, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty CP Truyền thông và máy tính Thánh Gióng cho rằng, trong quá trình trưởng thành, phát triển của mỗi doanh nghiệp, người lao động chính là nguồn lực sản xuất, là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Người lao động là lực lượng trực tiếp tạo ra giá trị kinh tế, nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển chung của doanh nghiệp. Người lao động cũng là một động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trong khi đó, thu nhập là yếu tố quan trọng nhất để thu hút và giữ chân người lao động. Vì vậy, doanh nghiệp đã lựa chọn phương án gồng gánh hơn để người lao động được hưởng chế độ tốt nhất.
Đáng lưu ý, số liệu thống kê cho thấy, trong 11 tháng năm 2024 có 173.200 doanh nghiệp rời bỏ thị trường, cao hơn cả năm 2023 là 172.000 doanh nghiệp, cho thấy tình hình khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn đề nghị các sở phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, liên đoàn lao động, cơ quan liên quan theo dõi, nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người lao động. Cơ quan liên quan chú ý phòng ngừa, giảm tranh chấp lao động, đình công có thể phát sinh trước, trong và sau dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán 2025, đồng thời hỗ trợ đối thoại, thương lượng, thỏa thuận, sớm giải quyết ngừng việc tập thể. Các doanh nghiệp phối hợp, trao đổi ý kiến với công đoàn cơ sở rà soát hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế lương, thưởng và xây dựng phương án thưởng Tết theo kết quả kinh doanh năm 2024 cũng như thông báo cho người lao động.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có chỉ đạo công đoàn các cấp chủ động tham gia với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong trả lương, thưởng Tết. Công đoàn cơ sở có trách nhiệm giám sát, tham gia với doanh nghiệp trong công khai phương án trả lương, thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết ít nhất 30 ngày và bảo đảm quyền lợi nghỉ ngơi, tăng ca, làm thêm giờ trong Tết. Kịp thời phát hiện và có giải pháp bảo đảm quyền lợi của đoàn viên, người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản.
Câu chuyện thưởng Tết vốn dĩ là “đến hẹn lại lên”. Tuy nhiên, để giải quyết ổn thỏa cũng khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sau một năm làm việc vất vả, số tiền thưởng Tết không hẳn là một khoản thu nhập gia tăng. Đôi khi nó còn là một khoản cho cả gia đình người lao động trông chờ và giải quyết việc gia đình. Sự nỗ lực của cả người sử dụng lao động lẫn người lao động được phát huy đúng thời điểm thích hợp sẽ tạo động lực cho cả hai bên.