Nấc thang mới về hội nhập
Là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) với nhiều tiêu chuẩn cao và toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực, CPTPP được đánh giá là một “nấc thang” mới trong hội nhập của Việt Nam.
Những tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu rất rõ nét. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sang các thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ đã tăng 56,3%, từ 8,7 tỷ USD năm 2018 lên đến 13,6 tỷ USD năm 2023, mặc dù đây là giai đoạn có nhiều thách thức như: suy thoái kinh tế toàn cầu và đại dịch Covid-19. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này tăng gần gấp đôi, từ 6,3 tỷ USD vào năm 2018 lên 11,7 tỷ USD năm 2023.
Xuất siêu ở các thị trường này cũng tăng gần gấp 3 lần, từ 3,9 tỷ USD lên 11,01 tỷ USD, góp phần tích cực cho ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua. Kết quả này đã góp phần đáng kể vào thương mại của Việt Nam với khu vực châu Mỹ nói chung, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 137,7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 114,5 tỷ USD.
Bên cạnh những con số ấn tượng nêu trên, việc tham gia Hiệp định CPTPP đã thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch hơn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành chuyên nghiệp hơn, mà còn góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài. Mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ đã và đang được củng cố qua các cam kết chiến lược.
Vẫn còn dư địa lớn
Đặt nhiều kỳ vọng cho ngành thủy sản khi Việt Nam chính thức ký kết và gia nhập Hiệp định CPTPP, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho biết, 5 năm qua, doanh nghiệp thủy sản đã rất nỗ lực nắm bắt cơ hội từ hiệp định.
Hiệp định CPTPP giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Nhật Bản, Canada, Australia... thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyên nghiệp hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh. Nhờ đó, thủy sản là một trong những ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu mạnh sang thị trường khu vực châu Mỹ, chiếm khoảng 25 - 27% thị phần kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Nam vẫn cho rằng, tiềm năng từ thị trường này là rất lớn. Thực tế, các quốc gia, đặc biệt là quốc gia ở khu vực châu Mỹ hiện cũng đang có các nguồn cung khác có thể cạnh tranh về thị phần với chúng ta. Do đó, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp thì việc hỗ trợ kết nối, xúc tiến thương mại từ các bộ, ngành, địa phương là rất cần thiết.
Lấy dẫn chứng từ quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam - Canada, “ngôi sao sáng” trong khối CPTPP, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada, đánh giá mức độ tận dụng các ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Canada vẫn còn rất hạn chế, chưa phát huy hết giá trị mà hiệp định này mang lại.
Nếu như vào năm 2013 giá trị thương mại Việt Nam - Canada mới chỉ đạt 2,5 tỷ USD thì đến nay con số này đã đạt mức 10 tỷ USD. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Canada đạt hơn 9 tỷ USD.
Tuy nhiên, đáng chú ý là trong số này mới chỉ có 18% sử dụng C/O CPTPP, còn lại hơn 80% vẫn sử dụng C/O MFN (cơ chế thuế tối huệ quốc) và GPT (chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập), trong khi tới tháng 12/2024, cơ chế ưu đãi cho GPT sẽ không còn hiệu lực.
Bà Trần Thu Quỳnh ước tính, có khoảng 4 tỷ USD hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Canada không khai thác được lợi ích từ Hiệp định CPTPP. Điều này đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam đang bị đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường này.
Do đó, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa tới việc khai thác ưu đãi Hiệp định CPTPP và đáp ứng các quy tắc xuất xứ để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Namtại Canada.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần hiểu rõ, hiểu đúng và đầy đủ những nghĩa vụ, cam kết của Việt Nam đưa ra trong từng hiệp định. Vì thế, Bộ Công thương sẽ xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho các đối tượng này dựa trên khảo sát, tổng hợp, xác định những vấn đề quan tâm của từng đối tượng.
“Cần có cơ chế hợp tác chuyên sâu theo lĩnh vực, cơ chế hợp tác kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nước châu Mỹ; xây dựng kết nối doanh nghiệp Việt với các nước để mở rộng ý tưởng hệ sinh thái tận dụng FTA, đồng thời tiếp tục tăng cường định hướng xuất khẩu xác định lĩnh vực trọng tâm, không dàn trải...”, ông Khanh nói thêm.
Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, CPTPP là hiệp định thế hệ mới, mức độ mở cửa cao nhất và mới nhất, vì vậy, hiệp định có sức hút mạnh mẽ và nhiều nước đang tiếp tục xin tham gia vào CPTPP.
Tuy vậy, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng lưu ý, việc tận dụng được các lợi thế trong hiệp định phải xuất phát từ các chủ thể, gồm Nhà nước (trong đó Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành khác chịu trách nhiệm công tác tuyên truyền); tiếp đến là trách nhiệm của các địa phương, từng vùng miền sẽ có cơ hội riêng và cần nắm bắt để khai thác các lợi thế đó.
“Việc phối hợp bây giờ không phải giữa quốc gia với quốc gia nữa mà có thể từng vùng, từng địa phương hoặc ở các nước có thể từng bang. Hiện nay, mối quan hệ như vậy càng ngày càng tích cực, nhưng cuối cùng vẫn ở doanh nghiệp và đặc biệt, vị trí vai trò của hiệp hội cần được nâng lên để kết hợp cùng doanh nghiệp tận dụng CPTPP để tiếp tục vươn ra thị trường quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói.