Tài chính sẽ là vấn đề trọng tâm tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP29), dự kiến diễn ra tại Azerbaijan vào tháng 11 tới. Trong đó, việc phân bổ tài chính được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các quốc gia phát triển cam kết mạnh mẽ hơn, bảo đảm nguồn lực đủ lớn để giải quyết công bằng cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Vào tháng 6 vừa qua, các quốc gia đang phát triển đã yêu cầu ít nhất 1.000 tỷ USD mỗi năm để giảm phát thải khí nhà kính và đối phó tác động của thời tiết cực đoan. Trong khi đó, những nước phát triển đề xuất những khoản tài trợ khí hậu với con số thấp hơn nhiều so yêu cầu, với cam kết dưới dạng vay lãi suất thấp từ Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tương tự.
Nhà hoạt động môi trường Alejandra López Carbajal nói: “Các nước phát triển đang cố gắng đưa các cuộc đàm phán về tài chính khí hậu mới vào bối cảnh thiếu hụt nguồn tài chính công, trong khi thực tế có đủ nguồn lực để giải quyết khủng hoảng khí hậu”. Nghiên cứu cho thấy, các quốc gia giàu có có thể tạo ra 5.000 tỷ USD mỗi năm thông qua sự kết hợp giữa thuế tài sản, thuế doanh nghiệp và thuế sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Theo đó, thuế đánh vào tài sản đối với các tỷ phú có thể tạo ra 483 tỷ USD trên toàn cầu, trong khi thuế giao dịch tài chính có thể thu về 327 tỷ USD. Thuế bán hàng đối với các công ty công nghệ lớn, vũ khí và thời trang xa xỉ sẽ mang lại thêm 112 tỷ USD và tái phân bổ 20% chi tiêu quân sự công sẽ tương đương 454 tỷ USD nếu được thực hiện trên toàn thế giới.
Laurie van der Burg, Trưởng nhóm Tài chính công tại Tổ chức phi chính phủ Oil Change International cho biết: “Năm ngoái, các quốc gia giàu có đã đồng ý loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Bây giờ là lúc họ phải biến lời hứa đó thành hành động”. Ông cho rằng, các nước giàu có thể giải phóng hàng nghìn tỷ USD dưới dạng trợ cấp và tài trợ tương đương bằng cách chấm dứt việc hỗ trợ nhiên liệu hóa thạch, bắt buộc các nhà gây ô nhiễm trả phí và thay đổi các quy định tài chính không công bằng.