Ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, Chính phủ giao Bộ Công thương trong tháng 7/2024 chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu thông tin, báo chí phản ánh, kiến nghị về việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu.
Sàn giao dịch xăng dầu mang lại nhiều lợi ích
Để điều tiết thị trường xăng dầu, hiện Chính phủ đang sử dụng 3 công cụ khá hiệu quả là: giá cơ sở, điều chỉnh thuế (giảm thuế khi cần thiết) và sử dụng quỹ bình ổn. Theo đó, giá bán ra trên thị trường phải dựa trên mức giá cơ sở do Nhà nước điều hành, cứ 7 ngày công bố một lần điều chỉnh.
Theo ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, việc điều tiết này sẽ có nhiều bất cập. Mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá, nhưng giá vẫn phải theo thế giới; bởi nhập vào cao thì phải điều hành giá cao và khi thị trường xuống thấp mới hạ giá được. “Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, các doanh nghiệp không có lợi nữa thì đương nhiên doanh nghiệp tìm những cách để lảng tránh. Chúng ta thấy trong thời gian qua có những thời kỳ có những nơi thông báo hết xăng dầu, không bán. Nếu như áp một mức giá thấp mà người ta kinh doanh lỗ thì sẽ không kinh doanh nữa. Đấy là những tiêu cực sẽ không tốt cho cả người tiêu dùng và kể cả cho hoạt động của doanh nghiệp”, ông Cường nhận định.
Vì vậy, việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu sẽ khắc phục bất cập này. Đây được đánh giá là một hướng đi hợp với thông lệ quốc tế khi giá cả được liên thông và điều chỉnh theo thị trường quốc tế một cách minh bạch và công khai.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, để thị trường xăng dầu hoạt động một cách công khai, minh bạch nhất thì nên thành lập sàn giao dịch. Việc này sẽ tạo ra một thị trường lành mạnh, hoạt động đúng theo nguyên lý thị trường. “Giá cả giao dịch bán buôn, bán lẻ do doanh nghiệp tự tính toán, lời ăn, lỗ chịu. Không còn theo kiểu xin cho, không còn áp chiết khấu, giá trần định mức, không có giá cơ sở. Đoạn tuyệt luôn với quỹ bình ổn”.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh phân tích, về lâu dài thì chúng ta phải nghiên cứu sàn giao dịch xăng dầu để từ đó các chủ thể có thể chủ động bán và rao bán lượng xăng dầu trên thị trường này. Còn những cấp trung gian hoặc là những doanh nghiệp kinh doanh độc lập có thể đến để mua trên thị trường này, dưới hình thức là mua các kỳ hạn hoặc mua trực tiếp.
Việc xây dựng sàn kinh doanh xăng dầu sẽ giúp bảo đảm lợi ích của cả người mua và người bán, trước mắt sẽ góp phần làm giá xăng dầu ở mức thấp nhất so với giá thế giới. Cùng với đó các doanh nghiệp bán lẻ cũng sẽ có được vị thế tương đồng với doanh nghiệp đầu mối và các thương nhân kinh doanh.
Ông Thịnh phân tích thêm: "Khi lên sàn thì một doanh nghiệp có thể mua của bất kỳ ai nếu giá hợp lý. Như vậy vị thế của các bên sẽ thay đổi. Tiếp đó là sẽ làm cho hoạt động mua bán xăng dầu rõ ràng, công khai minh bạch cả về số lượng, giá cả lẫn chất lượng. Còn về phía nhà nước sẽ có số liệu tương đối đầy đủ để lập kho dữ liệu về xăng dầu, đồng thời có chỉ đạo can thiệp phù hợp với yêu cầu quản lý của nhà nước.
Cần nghiên cứu kỹ lưỡng
Đồng tình với quan điểm nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, nút thắt" trong tất cả các nghị định về kinh doanh xăng dầu thời gian qua vẫn là các cơ chế điều hành mang tính chất hành chính, đặc biệt là vấn đề giá. Đã đến lúc phải có cơ chế để xác định "cái gì thuộc về thị trường nên trả về cho thị trường" để các doanh nghiệp quyết định, để có thị trường cạnh tranh.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú nói thêm, các nước trên thế giới họ cũng đang làm và Việt Nam ta cũng đã có các sàn giao dịch như cà-phê, chứng khoán, hàng hóa... rất hiệu quả. Khi thành lập sàn thì tất cả doanh nghiệp kinh doanh đều phải giao dịch ở đó, kể cả hai nhà máy lọc dầu trong nước cũng phải tham gia vào sàn để giao dịch chứ không có ngoại lệ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, hiện Bộ Tài chính chưa có chính sách về chế độ hạch toán, kế toán cho các doanh nghiệp tham gia giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói riêng, trong khi đó hiện nay, chiếm cao nhất trong giá thành xăng dầu, lên đến 65% là giá thế giới, còn lại là thuế, phí.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng: "Việc thành lập Sàn Giao dịch xăng dầu theo tôi sẽ cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ mô hình, phương thức giao dịch, phương thức vận hành, không nên hấp tấp vội vàng. Đối với một thị trường hàng hóa nói chung, việc thành lập Sàn giao dịch tập trung cũng đã cần mất nhiều thời gian, công sức, cân nhắc kỹ lưỡng thì đối với mặt hàng xăng dầu, lại càng khó khăn hơn. Bởi lẽ, xăng dầu là mặt hàng đặc thù, mang tính an ninh năng lượng quốc gia. Để có thể xây dựng, vận hành Sàn giao dịch xăng dầu tốt, hiệu quả, đáp ứng được đúng các mục tiêu, mục đích đặt ra, tôi nghĩ cần phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, sự đồng thuận, quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan".