Đàm phán giữa Chính phủ Yemen và Houthi đạt tiến triển

Vòng đàm phán trao đổi tù nhân mới nhất giữa các quan chức của Chính phủ Yemen và lực lượng Houthi tại Thủ đô Muscat (Oman) tuy chưa đạt được thỏa thuận toàn diện, song có nhiều tiến triển trong vấn đề những người bị bắt cóc và bị cưỡng ép bắt bớ.
0:00 / 0:00
0:00
Vòng đàm phán mới giữa Chính phủ Yemen và Houthi tại Muscat. Ảnh: UN ENVOY’S OFFICE
Vòng đàm phán mới giữa Chính phủ Yemen và Houthi tại Muscat. Ảnh: UN ENVOY’S OFFICE

Cam kết tiếp tục đối thoại

Phát biểu ý kiến với hãng thông tấn Saba, người phát ngôn chính thức của phái đoàn Chính phủ Yemen, ông Majid Fadail cho biết, các cuộc đàm phán “đã đạt được một số bước đột phá”. Còn phái đoàn Houthi do ông Abdul-Qadir Murtada dẫn đầu xác nhận đã đạt được một số điểm của thỏa thuận, bao gồm việc trả tự do cho Mohamed Qahtan - một chính trị gia thân Chính phủ Yemen đã bị Houthi giam giữ trong suốt 9 năm. Ông Murtada cũng lưu ý cả hai bên đã đồng ý trao đổi danh sách tù nhân.

Cả hai bên đều bày tỏ cam kết tiếp tục đối thoại và vòng đàm phán tiếp theo dự kiến diễn ra sau thời gian chuẩn bị kéo dài 2 tháng. Trong thời gian này, các bên sẽ tập trung hoàn thiện và phê duyệt danh sách những người bị bắt giữ, tạo tiền đề cho những đột phá tiềm năng trong các cuộc đàm phán trong tương lai.

Vòng đàm phán giữa Chính phủ Yemen và Houthi ở Muscat diễn ra từ ngày 30/6 đến 6/7, được LHQ và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế hỗ trợ, diễn ra sau nhiều vòng đàm phán trước đó liên quan các tù nhân và người bị giam giữ trong suốt cuộc xung đột kéo dài 10 năm qua. Các cuộc thảo luận trước đó ở Jordan vào tháng 6/2023 đã kết thúc mà không có giải pháp cụ thể nào được đưa ra. Tuy nhiên, phiên họp ở Thụy Sĩ vào tháng 3/2023 đã đưa đến việc trao trả hơn 800 tù nhân và những người bị giam giữ từ cả hai phe tham gia xung đột Yemen.

Xung đột bắt đầu nổ ra tại Yemen năm 2014 khi lực lượng Houthi chiếm giữ một số tỉnh ở miền bắc nước này, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải rời khỏi Thủ đô Sanaa. Liên minh quân sự Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp để hỗ trợ Chính phủ Yemen. Xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và khoảng 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Gia tăng căng thẳng ở Biển Đỏ

Liên quân Mỹ - Anh trong những ngày qua đã tiến hành 3 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu quân sự cơ động của lực lượng Houthi ở tỉnh Hodeidah bên bờ Biển Đỏ của Yemen. Trước đó, lực lượng Houthi đã phát động nhiều cuộc tấn công nhằm vào một tàu chở dầu và các tàu chở hàng trên Biển Đỏ, trong đó có một vụ tấn công tiến hành chung với nhóm “Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq”.

Kể từ tháng 11/2023, Houthi đã tiến hành nhiều cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa nhằm vào các tàu di chuyển trên tuyến vận tải quan trọng qua Biển Đỏ. Houthi tuyên bố các vụ tấn công này nhằm vào các tàu liên quan Israel để thể hiện đoàn kết với người Palestine, trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza vẫn tiếp diễn. Đáp trả động thái trên của Houthi, một liên minh hải quân do Mỹ và Anh đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích và tấn công nhằm vào các mục tiêu Houthi kể từ tháng 1/2024.

Căng thẳng gia tăng tại Biển Đỏ khiến cộng đồng quốc tế kêu gọi nỗ lực đạt được giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc khủng hoảng Yemen. Ai Cập khẳng định an ninh và ổn định của Yemen có tầm quan trọng hàng đầu đối với an ninh quốc gia của Ai Cập cũng như an ninh của khu vực Arab và Biển Đỏ.

Bộ Ngoại giao Ai Cập kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo mà người dân Yemen đang chịu đựng và tài trợ cho các chương trình cứu trợ của LHQ tại Yemen. Nhiều nước bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng hiện nay ở Trung Đông đang ảnh hưởng hoạt động vận tải thương mại quốc tế ở Biển Đỏ và có thể gây nguy cơ đe dọa an ninh hàng hải và thương mại ở kênh đào Suez.