Hướng tới ổn định thị trường xăng, dầu

Nhiều mục tiêu lớn được đặt ra trong lần sửa Nghị định về xăng, dầu lần này. Các doanh nghiệp mong muốn tạo được sự công bằng, minh bạch, còn giới chuyên gia hướng tới "thị trường hóa" về giá cả, hệ thống...
0:00 / 0:00
0:00
Nghị định mới về kinh doanh xăng, dầu cần xây dựng mô hình tách biệt, độc lập và minh bạch. Ảnh: HẢI NAM
Nghị định mới về kinh doanh xăng, dầu cần xây dựng mô hình tách biệt, độc lập và minh bạch. Ảnh: HẢI NAM

Quản chặt, nhưng khuyến khích doanh nghiệp tham gia

Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Nghị định về xăng, dầu, thay thế các nghị định trước đây gồm Nghị định 80, Nghị định 95 và Nghị định 83. Nói về việc sửa đổi, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, vì thế việc quản lý mặt hàng này cũng khác so với mặt hàng khác. Điểm khác biệt này khiến cho việc quản lý xăng, dầu không đơn thuần làm sao áp chế tài cho chặt, cho mạnh. Chúng ta phải có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào thị trường gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ quốc gia.

Vì thế, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết, dự thảo lần này tập trung sửa đổi 4 vấn đề lớn. Vấn đề đầu tiên là điều kiện của hệ thống. Dự thảo đề cập yêu cầu về kinh nghiệm khi tham gia vào thị trường của thương nhân đầu mối xăng, dầu. Đó là, cần ít nhất 3 năm làm thương nhân phân phối. Vấn đề tiếp theo, hệ thống phân phối, thay vì nhiều cấp bậc như trước đây, loại hình đại lý quy về chung là khâu bán lẻ. Doanh nghiệp được tự lựa chọn theo các hình thức như ký hợp đồng, đại lý nhượng quyền thương mại hoặc là mua đứt bán đoạn. Điểm mới khác ở vấn đề này là thương nhân phân phối chỉ được nhập hàng từ doanh nghiệp đầu mối, không được mua hàng lẫn nhau.

Vấn đề nổi bật nhất là thẩm quyền quyết định giá xăng, dầu. Dự thảo mới đề xuất, các doanh nghiệp tự quyết định trên các cơ sở, các tiêu chí được đưa ra một cách minh bạch tại nghị định.

Vấn đề cuối cùng là về quỹ bình ổn xăng, dầu. Ông Chinh cho rằng, đã có những điểm vênh giữa quy định hiện hành và Luật Giá mới, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây. Cho nên, cần thay đổi theo hướng, khi giá sản phẩm xăng, dầu thế giới duy trì ở mức hơn 120 USD/thùng trong thời gian nhất định (thí dụ 15 ngày) thì Bộ Công thương sẽ báo cáo Chính phủ thông qua Bộ Tài chính để quyết định thành lập quỹ. Việc trích lập và chi quỹ sẽ có những tiêu chí cụ thể…

Nhận định về lần sửa này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ, Nghị định về xăng, dầu không chỉ tác động đến cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà tác động đến nhiều ngành khác. Cho nên, rút kinh nghiệm từ những bất ổn trong những năm qua, lần sửa này cần bảo đảm quan điểm công khai, minh bạch, thị trường hóa, hướng đến bền vững. Tức là, duy trì động lực thị trường trong nghị định lần này.

Thừa nhận việc điều hành ngành xăng, dầu rất khó không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia vì phải cân bằng nhiều lợi ích, đại diện VCCI góp ý, Bộ Công thương cần lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, cần tạo động lực để người góp ý nói thẳng, nói thật...

Hướng tới ổn định thị trường xăng, dầu ảnh 1

Cần có quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của từng khâu trong thị trường xăng, dầu. Ảnh: NAM ANH

Doanh nghiệp muốn công bằng hơn

Nhìn vào những điểm mới trong dự thảo Nghị định lần này, phần lớn các doanh nghiệp xăng, dầu cho rằng, vẫn chưa sửa được căn cơ các vấn đề vướng mắc, bất cập mấy năm qua khiến thị trường xăng, dầu bất ổn.

Ông Hoàng Trung Dũng, một thương nhân phân phối không đồng tình với việc, thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng từ một đầu mối, trong khi doanh nghiệp đầu mối được nhập từ nhiều nguồn, mua hàng lẫn nhau. Ông nhắc lại câu chuyện ở thời điểm năm 2022, khi nguồn cung xăng, dầu gặp vấn đề: "Chúng tôi gọi, hỏi đầu mối kiểu gì cũng không được. Vậy lúc đó chúng tôi nhập hàng ở đâu?".

Còn về việc định giá xăng, dầu, vẫn chỉ dừng ở khâu đầu mối đưa ra các chi phí, tính toán đủ ở khâu của mình rồi công bố giá trần bán trong hệ thống, còn khâu bán lẻ phải theo. "Không lý nào họ nâng giá lên cao để đủ chi phí cho khâu bán lẻ, vì cạnh tranh giá với các đầu mối. Thế nên, vẫn còn nguyên câu chuyện khâu bán lẻ không đủ chi phí hoạt động", ông Dũng bày tỏ ý kiến.

Vì những lý do nêu trên, thương nhân phân phối mong muốn việc xây dựng nghị định phải công bằng hơn với các doanh nghiệp khi hiện nay đang trao quá nhiều quyền lợi cho đầu mối.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) cho rằng, để thị trường hóa thì cần bỏ giá trần. Qua đó, cho phép thương nhân đầu mối định giá bán buôn mức 1; thương nhân phân phối định giá bán buôn mức 2 và cho phép doanh nghiệp bán lẻ quyết định giá bán đến tay người dùng. Việc này sẽ bảo đảm lợi nhuận từng khâu và không để xảy ra tình trạng chèn ép doanh nghiệp bán lẻ".

Cũng là vấn đề về giá, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) băn khoăn, hiện doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ 3 nguồn, vậy phải theo giá nào khi mỗi nguồn quy định một giá khác nhau.

Góp ý về hệ thống xăng, dầu, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Nghị định mới về kinh doanh xăng, dầu cần xây dựng mô hình thành phần kinh doanh xăng, dầu tách biệt, độc lập và minh bạch. Trong đó, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu, doanh nghiệp phân phối phải tách biệt rõ ràng, không mua bán, chuyển giá lòng vòng khiến lợi nhuận các khâu bị triệt tiêu, dẫn đến bất ổn thị trường. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của từng khâu trong thị trường xăng, dầu.

Để ngăn chặn các hành vi gian lận, câu kết với nhau hình thành tập đoàn lợi ích kinh doanh xăng, dầu, ông Thắng cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối không được ký ngang hàng với doanh nghiệp đầu mối cùng cấp. Điều này theo ông Thắng, vừa tạo công bằng giữa các doanh nghiệp, mà cũng tạo nên một thị trường minh bạch, cạnh tranh. Người dân sẽ được hưởng lợi nhờ mua được giá cạnh tranh từ các hệ thống độc lập này.