Khủng hoảng nhân đạo trầm trọng
Phát biểu ý kiến trước Hội đồng Bảo an LHQ, ông Rajasingham nhấn mạnh “sáu tháng đau thương” khi nêu chi tiết về những hậu quả thảm khốc mà người dân Gaza phải hứng chịu kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel nổ ra hồi đầu tháng 10/2023. Quan chức LHQ đánh giá với hơn 32.000 người thiệt mạng và 75.000 người bị thương, tình hình đã đến ngưỡng nguy kịch, trong đó phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ông Rajasingham cũng lưu ý “rõ ràng không có biện pháp bảo vệ đối với dân thường ở Gaza”, nêu bật sự cấp thiết phải có hành động can thiệp quốc tế để bảo vệ những người vô tội. Quan chức của LHQ cũng đề cập tác động nặng nề của cuộc xung đột, khi các hoạt động quân sự không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người mà còn cản trở nghiêm trọng các nỗ lực nhân đạo. Ông Rajasingham kêu gọi phải bảo đảm tất cả các tổ chức nhân đạo được tiếp cận an toàn, nhanh chóng và không bị cản trở để hỗ trợ người dân ở Gaza đang trong tình cảnh vô cùng khó khăn.
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết, hầu hết trường học ở Dải Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy, nhưng chính những thiệt hại về mặt tâm lý mà cuộc xung đột hiện nay gây ra cho gần 1,2 triệu trẻ em ở vùng lãnh thổ này mới khiến các chuyên gia thật sự lo ngại. Theo UNICEF, kể từ khi nổ ra xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel, ít nhất 53 trong tổng số 563 trường học ở Gaza đã bị phá hủy. UNICEF ước tính có 620.000 trẻ em ở Gaza không được đến trường.
Tổ chức cứu trợ trẻ em Save The Children cho hay, việc xây dựng lại các trường học tuy rất phức tạp nhưng vẫn đơn giản hơn so với những tổn thất nặng nề về giáo dục. Thách thức thật sự sẽ là chữa lành cho thanh thiếu niên Gaza phải di tản và bị tổn thương để họ có thể học tập trở lại.
Thúc đẩy đàm phán ngừng bắn ở Gaza
Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns và các nhà hòa giải từ Ai Cập và Qatar nối lại các cuộc đàm phán tại Cairo nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Tờ The National News của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho hay, các nhà hòa giải gặp người đứng đầu Cơ quan Tình báo Mossad của Israel, David Bernea, để thảo luận về việc Israel ngừng các cuộc tấn công Gaza.
Một nguồn tin chính trị Palestine tiết lộ rằng, mục tiêu chính của các cuộc đàm phán tại Cairo là đạt được lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần. Đây cũng là mục tiêu của Washington. Trong một tuyên bố, phong trào Hamas xác nhận phái đoàn của lực lượng này do ông Khalil Al Hayya dẫn đầu đã tới Cairo vào ngày 7/4 để tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn theo đề nghị của Ai Cập. Hamas khẳng định sẽ yêu cầu Israel chấm dứt hoàn toàn hành vi tấn công, rút lực lượng khỏi Gaza, cho phép những người di tản trở về nhà và tiến tới một thỏa thuận trao đổi tù nhân nghiêm túc.
Các vòng đàm phán ngừng bắn trước đó đã không đạt được kết quả vì Israel yêu cầu Hamas thả tất cả các con tin còn lại ở Gaza, trong khi lực lượng Hamas nói rằng, các con tin sẽ được phóng thích từng giai đoạn và bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cũng phải dẫn một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài.
Vòng đàm phán diễn ra trong bối cảnh Mỹ và đồng minh Israel đang ngày càng trở nên căng thẳng sau cuộc không kích vừa qua của Israel khiến một số nhân viên cứu trợ nước ngoài ở Gaza thiệt mạng. Cuộc xung đột hiện nay tại Dải Gaza đã cướp đi sinh mạng của 196 nhân viên cứu trợ, trong đó hơn 175 người làm việc cho LHQ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Mỹ có thể sẽ thay chính sách với Gaza, nếu như Israel không thực hiện lập tức các bước nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại vùng lãnh thổ này. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà trắng John Kirby cho biết, ông Biden đã yêu cầu ông Netanyahu trao quyền cho các nhà đàm phán Israel ở Cairo để có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn càng sớm càng tốt.