Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những ngày qua liên tục giảm mạnh. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam trong ngày 4/3 tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 16 USD, xuống mức 578 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 15 USD còn 555 USD/tấn; gạo 100% tấm giảm 20 USD, còn 478 USD/tấn.
“Do ở thời điểm này, các khách hàng lớn giảm mua sau khi đã nhập khẩu một số lượng lớn gạo. Bên cạnh đó, nguồn lúa gạo dồi dào hơn do các nước Thailand, Philippines, Indonesia đều đang bước vào vụ thu hoạch lúa đông xuân giống như nước ta. Điều này khiến nhiều nhà nhập khẩu bớt áp lực mua hàng và tiếp tục kỳ vọng giá tốt hơn trong thời gian tới”, VFA lý giải.
Việc giá gạo xuất khẩu giảm cũng đã tác động tới giá lúa gạo trong nước. Theo đó, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.
Xu hướng ngắn hạn
Tại hội nghị giao ban với Hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2024 với chủ đề: “Đánh giá tình hình xuất khẩu và định hướng công tác xúc tiến thương mại phát triển thị trường gạo năm 2024”, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, dù giá lúa gạo xuất khẩu giảm liên tục nhưng chỉ là xu hướng trong ngắn hạn và sẽ không giảm quá sâu do nhu cầu lương thực thế giới vẫn rất cao trong khi nguồn cung hạn chế vì tác động của biến đổi khí hậu.
Cụ thể, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024. Các quốc gia nhập khẩu hàng đầu là Philippines, Indonesia, Trung Quốc đều có kế hoạch tăng nhập khẩu gạo trong năm nay. Trong đó, Philippines được dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 3,8 triệu tấn gạo; Indonesia cũng lên kế hoạch nhập khẩu khoảng 3,6 triệu tấn gạo. Ngoài ra, còn có trường hợp Trung Quốc, sau thời gian dài dừng nhập khẩu và sử dụng gạo dự trữ cũng đã bắt đầu có kế hoạch nhập khẩu gạo trở lại. Trong khi đó, Ấn Độ là nước có sản lượng gạo lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục chính sách hạn chế xuất khẩu nhằm ổn định giá lương thực trong nước.
“Bên cạnh đó, sự khởi đầu của El Nino và tác động tiềm tàng của hiện tượng thời tiết này đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành và doanh nghiệp Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu gạo”, ông Sơn nhìn nhận.
Còn theo ông Phùng Văn Thành, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines, nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước của Philippines hằng năm từ khoảng 14,5 triệu đến 15 triệu tấn. Nhu cầu dự trữ tối thiểu đủ lương thực cho 30 ngày để bảo đảm an ninh lương thực trong nước của Philippines khoảng hơn 1,2 triệu tấn. Vì vậy, tổng nhu cầu gạo hằng năm của Philippines khoảng 15,5 - 17 triệu tấn. Sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên hằng năm Philippines phải nhập khẩu từ khoảng 3 - 4 triệu tấn gạo. Trong đó, nhập khẩu gạo từ Việt Nam chiếm khoảng 85%, từ Thailand khoảng 10%, phần còn lại được nhập khẩu từ Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…
Trong năm 2024, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines vẫn ở mức cao, dự kiến khoảng từ 3,5 - 3,8 triệu tấn. Tuy vậy, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, việc Trung Quốc và Indonesia gia tăng nhập khẩu gạo đã tạo nhiều cơ hội hơn cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
“Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines tăng từ mức trung bình khoảng 400 USD/tấn cuối năm 2020 lên mức trung bình khoảng 500 USD/tấn trong năm 2021, ổn định ở mức trung bình khoảng 480 USD/tấn trong năm 2022 và có xu hướng tăng, tăng mạnh từ giai đoạn quý II/2023, có thời điểm đạt tới hơn 650 USD/tấn”, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines thông tin.
Diễn biến thị trường gạo trên thế giới đang tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ảnh: BắC SƠN |
Áp lực cạnh tranh
Tuy vậy, trên thực tế, Thailand đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Philippines kiến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam.
Cùng với đó, tiếp tục giữ vững và bảo đảm ổn định chất lượng gạo, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng các mặt hàng sản phẩm gạo xuất khẩu, qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng gạo vào thị trường Philippines.
“Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng, tăng cường quan hệ và gìn giữ uy tín trong kinh doanh với các đối tác, bạn hàng, xây dựng các mối quan hệ bạn hàng truyền thống và bền vững”, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines kiến nghị.
Trước sức ép giá lúa gạo giảm, ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công thương An Giang cho biết, tỉnh đang cùng với doanh nghiệp triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sau khi có sản phẩm gạo thương hiệu, đề xuất Bộ Công thương hỗ trợ An Giang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, góp phần tăng giá trị cho sản phẩm gạo của tỉnh trong thời gian tới.
“Tiếp tục duy trì Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, lập kênh thông tin nhanh về nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước. Qua đó, thông tin đến các doanh nghiệp để chủ động về giá trong đàm phán xuất khẩu ở thời điểm và cả hợp đồng tương lai, cơ quan đầu mối là Bộ Công thương khi tiếp nhận thông tin từ các tham tán sẽ tiếp chuyển gửi vào nhóm email của Sở Công thương các tỉnh có lượng lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu lớn”, ông Nguyễn Thành Huân kiến nghị.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay cả nước đã thu hoạch khoảng 3,2 triệu tấn lúa. Cả năm 2024, theo kế hoạch, Việt Nam sẽ gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, dự tính sản lượng vẫn hơn 43 triệu tấn lúa. Căn cứ theo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu năm nay, nếu nhu cầu tăng cao, Bộ NN&PTNT sẽ điều chỉnh theo hướng tăng diện tích vụ thu đông lên khoảng 700.000 ha như năm 2023, còn vụ đông xuân và hè thu nếu tăng cũng không đáng kể.
Tuy vậy, thị trường lúa gạo có biên độ hẹp và biến động rất nhanh, do đó doanh nghiệp cần chủ động nắm thông tin, dự báo thị trường để chốt giá, chốt hợp đồng xuất khẩu với giá tốt nhất và mang lại lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp, cho nông dân sản xuất lúa. Đặc biệt, cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý như Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT để theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo khi các nước có nhu cầu.