Dành nguồn lực chi cải cách tiền lương

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên dành nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Đời sống người lao động sẽ được cải thiện khi lương tối thiểu vùng tăng. Ảnh: BẮC SƠN
Đời sống người lao động sẽ được cải thiện khi lương tối thiểu vùng tăng. Ảnh: BẮC SƠN

Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 1372/CĐ-TTg ngày 15/12/2023 về việc tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), tiết kiệm chi, chủ động điều hành ngân sách nhà nước trong tháng 12/2023 và những tháng đầu năm 2024. Theo đó, đẩy mạnh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn của từng ngành, từng đơn vị để giảm chi thường xuyên và cơ cấu lại ngân sách nhà nước….

Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương giảm so với dự toán năm 2023, UBND cấp tỉnh xây dựng phương án báo cáo HĐND các giải pháp xử lý. Trong đó cần chủ động cơ cấu lại chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương, nhất là trường hợp nguồn thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết biến động tăng/giảm lớn; tạo nguồn để cân đối các nhiệm vụ chi thường xuyên, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ giảm nghèo do giảm thu cân đối ngân sách địa phương.

Điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thật sự cần thiết, chậm triển khai,… dành nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo quy định.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên, bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... theo quy định pháp luật; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ trong tổng chi NSNN và giảm bội chi NSNN theo quy định…

Chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng

Kết thúc phiên họp thứ hai năm 2023 của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Sau khi thảo luận, Hội đồng đi đến thống nhất phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. Theo đó, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% từ ngày 1/7/2024. Với mức tăng trên, mức lương tối thiểu được áp dụng cụ thể như sau:

Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280 nghìn đồng); Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200 nghìn đồng).

Trao đổi ý kiến với báo chí sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết: Với tinh thần hết sức chia sẻ, cởi mở, Hội đồng đã nêu những khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội thời gian vừa qua, cũng như dự báo những khó khăn của thời gian sắp tới, tương ứng với tình hình thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Tại cuộc họp, các bên đại diện cho người sử dụng lao động cũng như đại diện người lao động đã có sự chia sẻ cởi mở, trong đó, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) đề xuất mức tăng lương tối thiểu từ 4,8% đến 7,3%; về phía đại diện người lao động đưa ra đề xuất mức tăng từ 4 đến 5%. “Từ những đề xuất trên, Hội đồng đưa ra ba phương án để lấy phiếu biểu quyết, là các mức 4%, 5%, 6%. Kết quả sau khi bỏ phiếu, Hội đồng đã thống nhất lựa chọn phương án tăng lương tối thiểu 6% và thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 1/7/2024”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho rằng, phương án tăng lương tối thiểu như vậy là phù hợp, cơ bản đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. “Người lao động cũng rất chia sẻ với doanh nghiệp, những khó khăn trong năm 2024 cũng còn khó đoán định. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, với mức tăng lương này, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên người lao động nỗ lực trong công việc, cùng doanh nghiệp vượt khó để phát triển”, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, mặc dù không thỏa mãn với mức tăng lương vừa chốt, do cộng đồng doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt các doanh nghiệp ngành công nghiệp thương mại và dịch vụ, nhưng Hội đồng đã thống nhất thì doanh nghiệp, người sử dụng lao động sẽ tuân thủ và chấp hành nghiêm phương án đã được thông qua. Đây cũng là sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và người lao động trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Dành nguồn lực chi cải cách tiền lương ảnh 1

Tăng lương tối thiểu vùng nhằm chia sẻ bớt khó khăn cho người lao động.

Đồng thuận bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 thuộc lĩnh vực nội vụ.

Trong đó, thực hiện Nghị quyết 134/2020/QH14, đối với nhiệm vụ về tiêu chuẩn, điều kiện về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, thi, xét nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP. Nghị định đã bỏ yêu cầu bắt buộc về chứng chỉ đào tạo tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng và thi nâng ngạch, thăng hạng; cắt giảm 150 chứng chỉ (61/64 chứng chỉ bồi dưỡng ngạch công chức và 89/145 chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp viên chức).

Căn cứ quy định tại Nghị định của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã có các văn bản đề nghị các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương xây dựng, ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành được giao quản lý. Đến nay, qua theo dõi, tổng hợp đã có 12 thông tư của các bộ, ngành (4 thông tư quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức và 8 thông tư về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức) được sửa đổi, bổ sung.

Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, trong đó sửa đổi quy định theo hướng: Bỏ quy định thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức (giữ quy định về xét thăng hạng); quy định đối với những vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ thì không phải tổ chức thi ngoại ngữ. Nghị định cũng sửa đổi theo định hướng bỏ quy định thi tin học trong kỳ thi tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng chức danh nghề nghiệp; quy định đối với trường hợp có chứng chỉ ngoại ngữ được cơ quan có thẩm quyền công nhận thì được miễn thi ngoại ngữ...

Việc bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (giữ xét thăng hạng) được sự đồng tình, ủng hộ cao của các bộ, ngành, địa phương và đội ngũ viên chức, đặc biệt là viên chức trong ngành giáo dục, y tế. Các bộ, ngành, địa phương cũng đề xuất quy định bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải được sửa đổi đồng bộ với quy định về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; cần thống nhất quy định về trình tự, thủ tục xét thăng hạng bảo đảm đơn giản, không quy định trong xét có thi (sát hạch, trắc nghiệm...).

Để bảo đảm nâng cao chất lượng đội ngũ thì vẫn giao các bộ quản lý chuyên ngành quy định các điều kiện cụ thể. Đối với các tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù, để bảo đảm nâng cao chất lượng đội ngũ thì vẫn giao các bộ quản lý chuyên ngành quy định các điều kiện cụ thể.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp thu, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương để sửa đổi quy định có liên quan, bảo đảm các mục tiêu: Trình tự, thủ tục đơn giản; thẩm quyền thực hiện thuộc các bộ, ngành, địa phương thực hiện; không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đội ngũ viên chức; bảo đảm công bằng, không gây xáo trộn, tâm tư trong đội ngũ; giữ thẩm quyền của các bộ quản lý chuyên ngành trong việc quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù để bảo đảm chất lượng đội ngũ khi thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; cắt giảm chi phí tổ chức xét thăng hạng, bảo đảm không phát sinh thủ tục hành chính.