Nga phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ

Danh sách cá nhân, thực thể Nga chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) mở rộng thêm, sau khi Mỹ công bố các biện pháp bổ sung và EU thông tin về gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga. Nga phản đối mạnh mẽ, cho đây là động thái nhằm gây “thất bại chiến lược” cho Moscow.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy LNG 2 Bắc Cực là một trong những pháp nhân mới nhất của Nga bị Mỹ trừng phạt. Ảnh: THE MOSCOW TIMES
Nhà máy LNG 2 Bắc Cực là một trong những pháp nhân mới nhất của Nga bị Mỹ trừng phạt. Ảnh: THE MOSCOW TIMES

Danh sách trừng phạt dài thêm

Bộ Tài chính Mỹ hôm 2/11 công bố gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, với 37 cá nhân và gần 200 pháp nhân bị ảnh hưởng, chủ yếu trong ngành ngân hàng và công nghiệp. Hãng tin Nga TASS cho biết, trong số các ngân hàng và công ty, nhà máy của Nga bị bổ sung vào danh sách Mỹ mới công bố, có Tập đoàn AEON, nhà sản xuất máy bay không người lái ZALA, nhà máy LNG 2 Bắc Cực, Đại học Kỹ thuật Bauman, Ngân hàng HCF và Post Bank.

Các biện pháp trừng phạt mới cũng bao gồm tổ hợp quốc phòng Nhà nước của Nga và các đơn vị hỗ trợ, cũng như các dự án sắp tới trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, khai thác mỏ và quốc phòng. Các cá nhân và pháp nhân Nga bị “đóng băng” tài sản ở Mỹ; công dân và công ty Mỹ bị cấm hợp tác, kinh doanh với những cá nhân, thực thể có tên trong danh sách trừng phạt.

Trong khi đó, phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo tại Thủ đô Kiev hôm 4/11 trong chuyến thăm Ukraine, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EC sẽ sớm công bố gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, gồm các lệnh cấm xuất nhập khẩu, cũng như tăng trần giá dầu.

Trước đó, hãng tin Bloomberg cho hay, trong khuôn khổ gói trừng phạt thứ 12 mà EU dự tính áp đặt chống Nga, các biện pháp hạn chế thương mại ước tính tổng trị giá khoảng 5,3 tỷ USD. Những hạn chế mới của EU sẽ ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu thiết bị hàn, sản phẩm hóa học và các công nghệ khác của Nga mà EU cho là được sử dụng vào mục đích quân sự.

EU cũng cân nhắc cấm cấp phép về sản phẩm phần mềm, cấm nhập khẩu một số mặt hàng kim loại, sản phẩm xây dựng, vận tải và kim cương của Nga. Dự kiến, hơn 100 cá nhân và 40 pháp nhân được bổ sung vào danh sách trừng phạt sắp tới của EU. Gói trừng phạt mới của EU tiếp tục được thảo luận và cần sự ủng hộ của tất cả 27 nước thành viên.

Mục tiêu gây thất bại chiến lược

Trong phản ứng trước gói trừng phạt mới của Mỹ, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, nền kinh tế Nga sẽ thích ứng tốt với các điều kiện mới. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo, nhiều công ty nước ngoài hợp tác với Nga sẽ bị trừng phạt.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin, các doanh nghiệp lớn và vừa của Nga đã quen với việc phòng ngừa rủi ro trong môi trường bị trừng phạt hiện nay. Phát biểu ý kiến với phóng viên hôm 3/11, ông Peskov nói: Các lệnh trừng phạt tạo ra thêm nhiều vấn đề. Nhưng chúng tôi đã điều chỉnh, thích ứng theo các lệnh trừng phạt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích gói trừng phạt mới của Mỹ, cho đây là hành động phá hoại, trở thành “quân bài” của Washington. Trên kênh truyền hình Nga Rossiya-24, bà Zakharova nêu rõ: Vòng trừng phạt mới nhất Mỹ áp đặt chống Nga là sự tiếp nối chính sách của Washington nhằm gây thất bại chiến lược cho Moscow. Nhà ngoại giao Nga cho biết, Nga đã học được cách thức không chỉ đối phó các lệnh trừng phạt, mà còn tận dụng để phát huy lợi ích.

Trong khi đó, nền kinh tế Nga dự tính đạt mức tăng trưởng 2,8%, sau khi suy giảm khoảng 2% vào năm ngoái. Ngày 4/11, tại sự kiện trong khuôn khổ Triển lãm và Diễn đàn quốc tế “Nước Nga” diễn ra ở Thủ đô Moscow, Bộ trưởng Tài chính Nga Siluanov nhận định: Sau khi bù đắp đầy đủ cho việc giảm tốc độ tăng trưởng vào năm 2022, kinh tế Nga có thể tăng trưởng mức gần 3% trong năm 2023. Theo Bộ trưởng, Chính phủ Nga đã tập trung nguồn lực vào phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm và hỗ trợ người dân.