Tìm hướng thu hút khách du lịch tàu biển

Được xem là “cửa ngõ” hướng ra Biển Đông của Huế, cảng Chân Mây (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) những năm qua đã đón hàng trăm chuyến tàu biển, chở theo hàng trăm nghìn lượt khách đến với vùng đất cố đô. Tuy nhiên, với đặc thù là cảng tổng hợp nên việc đưa đón khách cùng một số dịch vụ du lịch vẫn còn nhiều hạn chế, cần phải cải thiện thêm.
0:00 / 0:00
0:00
Đón khách từ tàu Cunard Queen Elizabeth cập cảng Chân Mây.
Đón khách từ tàu Cunard Queen Elizabeth cập cảng Chân Mây.

Điểm dừng của nhiều tàu du lịch cao cấp

Cảng Chân Mây được các chuyên gia đánh giá có vị trí hàng hải thuận lợi kết nối với Singapore, Philippines và Hồng Công (Trung Quốc). Cảng cũng nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung (Huế - Đà Nẵng), các trung tâm di sản thế giới như phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, quần thể di tích cố đô Huế và kề cận các khu du lịch trọng điểm quốc gia. Đây cũng là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam, là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Cảng đã đầu tư xây dựng hoàn thành ba cầu cảng với tổng chiều dài 910 m. Trong đó, cầu cảng số 1 dài

360 m, cầu cảng số 2 dài 280 m và số 3 dài 270 m. Các bến số 4, 5 cảng Chân Mây với tổng chiều dài 540 m đang triển khai các thủ tục về xây dựng, dự kiến dự án hoàn thành đưa vào hoạt động giai đoạn I vào quý I/2025.

Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, hoạt động đón khách du lịch bằng đường tàu biển tại cảng Chân Mây chủ yếu từ năm 2013, đặc biệt tăng mạnh từ sau năm 2015 khi bến cảng số 1 được nâng cấp đi vào hoạt động. Thống kê từ năm 2018 đến 6/2023, các đơn vị đã giải quyết thủ tục cho 116 lượt tàu du lịch mang theo hơn 208.000 khách du lịch và hơn 91.000 thuyền viên đến và rời cảng từ nhiều quốc gia trên thế giới, chủ yếu từ các nước Anh, Đức, Italy, Tây Ban Nha… Trong đó, có nhiều thương hiệu tàu biển hạng sang thường xuyên nhập cảng như Royal Caribbean International, Celebrity Cruises, TUI Cruises, Costa Cruises, Viking Ocean Cruises, Princess Cruises, Ovation of the Seas, Cunard Queen Elizabeth, Mary Queen 2… Điều này đã góp phần khẳng định giá trị thương hiệu cảng Chân Mây trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.

Dù vậy, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, việc đón khách cũng như khai thác thị phần khách du lịch tàu biển qua cảng Chân Mây vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo đó vẫn còn tình trạng đặt đáy, lưới của ngư dân khai thác tôm hùm con trong luồng tàu, vũng quay tàu và vùng đậu tàu gây mất an toàn hàng hải. Điều này dẫn tới một số tàu phải neo chờ để đáy, lưới được tháo dỡ mới cập cầu hoặc rời cầu được, ảnh hưởng đến an toàn cho tàu, hành khách, kế hoạch khai thác và chi phí. Phía ngoài cổng cảng không có bãi đỗ dành cho các phương tiện nên dễ xảy ra tình trạng lộn xộn khi phương tiện vào đón khách, gây khó khăn trong công tác kiểm soát, sắp xếp, điều phối phương tiện. Ngoài ra, từ vị trí neo đậu của tàu đến vị trí đỗ xe xa, không có xe trung chuyển, khi thời tiết nắng nóng, mưa gió ảnh hưởng đến sức khỏe và thời gian tham quan của khách. Cùng với đó chưa có nhà ga chuyên biệt khi khách nhập cảnh, thiếu những cụm dịch vụ mua sắm - ẩm thực - vui chơi giải trí quy mô lớn.

Cần cơ chế thuận lợi hơn

Ông Phúc cho hay, trước những thực trạng đó, Sở Du lịch đã kiến nghị với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý dứt điểm tình trạng người dân nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản lấn chiếm luồng hàng hải, khu quay trở, khu neo đậu tàu. Bên cạnh đó, kêu gọi xã hội hóa đầu tư các cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi - giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Tại hội nghị đánh giá công tác quản lý hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2018-2023, đại diện các bên cũng như các doanh nghiệp đã nêu nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan để cùng tìm hướng tháo gỡ.

Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, dù có rất nhiều lợi thế phát triển nhưng hạ tầng cơ sở cảng du lịch Chân Mây còn thiếu và yếu, trang thiết bị quản lý, giám sát, kiểm tra và hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được đầu tư hiệu quả. Số doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển chưa nhiều, chất lượng dịch vụ đón khách còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ đón khách cao cấp.

Để giải quyết những vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp thu ý kiến, sẽ họp bàn nhằm sớm tìm ra phương hướng giải quyết hợp lý, phù hợp nhất là khi số lượng tàu đăng ký cập cảng Chân Mây trong năm 2024 tăng cao. Trước mắt, thời gian tới, tăng thêm số lượng các doanh nghiệp quan tâm về khai thác khách tàu biển đến Huế. Cùng với đó, xây dựng các chương trình tham quan ấn tượng để khách có thời gian lưu trú lâu, đồng thời bảo đảm các điều kiện cơ sở, vật chất kỹ thuật tốt nhất, đầy đủ nhất để phục vụ khách khi tham quan, sử dụng các dịch vụ tại Huế.

Du lịch tàu biển đang phục hồi với số lượng tàu cập các cảng ở nước ta ngày càng tăng. Số liệu cho thấy sự phục hồi này sẽ còn tốt hơn từ sau năm 2023 với minh chứng là số liệu tàu đã đăng ký qua cảng Chân Mây tăng dần. Theo đó, năm 2024 sẽ đón 30 lượt tàu với gần 48.000 hành khách và 19.000 thuyền viên; năm 2025 sẽ đón 26 lượt tàu với hơn 29.500 hành khách và 12.700 thuyền viên và năm 2026 sẽ đón 7 lượt tàu với 18.000 hành khách và 6.000 thuyền viên.