Nhiều mong mỏi hỗ trợ, phát triển công đoàn viên

Nhân Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028, đã có nhiều ý kiến, kiến nghị thiết thực của cán bộ, công chức, viên chức, lao động đoàn viên. Tại đại hội vừa diễn ra ngày 30/9 và 1/10, nguyện vọng của đông đảo đoàn viên đã được chia sẻ, sẽ gửi tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và qua đó tới Đảng, Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
Ban Chấp hành khóa mới ra mắt cùng với lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. - Ảnh: BTC ĐẠI HỘI CUNG CẤP
Ban Chấp hành khóa mới ra mắt cùng với lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. - Ảnh: BTC ĐẠI HỘI CUNG CẤP

Hỗ trợ đoàn viên khó khăn cần tích cực hơn

Đẩy nhanh cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, người lao động là mong muốn của nhiều đoàn viên công đoàn. Riêng với cán bộ công đoàn kiêm nhiệm tại các cơ quan hành chính Nhà nước, thì cần tăng chế độ, chính sách để thu hút những người có năng lực, tâm huyết tham gia phong trào. Các đoàn viên cũng mong Đảng, Nhà nước, Chính phủ có chính sách tạo điều kiện cho các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương có quỹ đất để xây nhà cho cán bộ, đoàn viên.

Với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng có nhiều đề xuất như: mở rộng đối tượng tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp tổ chức công đoàn đến cán bộ làm công tác công đoàn từ cấp tổ trưởng, tổ phó công đoàn bộ phận trở lên. Cùng với đó, cần mở rộng đối tượng và tăng số lượng cờ thi đua, bằng khen của Tổng Liên đoàn cho các cấp công đoàn.

Cần điều chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện để đoàn viên Công đoàn Viên chức Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ khi mua nhà ở xã hội hoặc nhà ở cho người thu nhập thấp. Đề xuất này đến từ thực trạng hầu hết đoàn viên của Công đoàn Viên chức Việt Nam hiện đang công tác và sinh sống tại các thành phố lớn. Việc sở hữu một mảnh đất hợp pháp mới đủ điều kiện xét hỗ trợ xây nhà từ mái ấm công đoàn là rất khó khả thi. Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần chỉnh sửa điều kiện đó.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa V, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa VI, cũng chia sẻ: đồng chí nhận được ý kiến cũng rất thiết thực là Công đoàn Viên chức Việt Nam gồm có cả lực lượng công chức nữa, nhưng trong tên gọi lại chỉ có từ “viên chức”. Vì thế nên đổi tên thành Công đoàn Công chức - Viên chức Việt Nam cho đầy đủ. Đây cũng là việc cần xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Công đoàn Viên chức Việt Nam hiện đang quản lý, chỉ đạo hoạt động 61 công đoàn trực thuộc với 84.517 đoàn viên của Công đoàn Văn phòng và các ban đảng Trung ương; các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và tư pháp Trung ương; cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị, các tổ chức hội quần chúng; các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Trung ương. Cùng với đó, phối hợp Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố chỉ đạo hoạt động 61 công đoàn viên chức tỉnh, thành phố với trên 240 nghìn đoàn viên tại hơn 3.000 công đoàn cơ sở.

Xây dựng đoàn viên “thế hệ số”

Tại đại hội, công đoàn của nhiều cơ quan bộ, ban, ngành đã đưa ra những đề xuất liên quan trực tiếp đến hoạt động công đoàn và rộng hơn. Nhằm phát huy vai trò của Công đoàn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, theo Công đoàn Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa công đoàn với thủ trưởng cơ quan, đơn vị; công đoàn cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chính quyền giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo nếu có của công chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của Ủy ban kiểm tra Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở…

Công đoàn Bộ Tư pháp cũng đề ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế cải cách hành chính gắn với nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật thời gian tới. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng và phát huy vai trò các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, người dân đối với việc hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính. Cùng với đó, phải xây dựng nền hành chính hiện đại, dựa trên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tính chuyên nghiệp cao, năng động, hội nhập, tiên phong trong cải cách và ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật hiện đại…

Cùng với đó, còn có ý kiến về việc tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp và đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công do Nhà nước cung cấp, làm tốt vai trò “phục vụ” bên cạnh vai trò “quản lý” của Nhà nước. Đáng chú ý là nên thí điểm chuyển giao một số dịch vụ công mà Nhà nước không nhất thiết phải đảm nhiệm, ôm đồm và tư nhân, thị trường có thể làm tốt… Xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, thử nghiệm cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, sản xuất thông minh, mô hình sản xuất kinh doanh mới, thương mại điện tử và đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số.

Đại hội đã bầu ra 35 đồng chí tham gia vào Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2023-2028. Trong thời gian tới, sẽ có nhiều đầu việc được triển khai như: Nghị quyết về Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn trong tình hình mới; Chương trình Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, tập trung là chủ tịch công đoàn cơ sở; Chương trình Công đoàn tham gia cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Đề án Công đoàn phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Chỉ thị về Công đoàn chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số, chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn.