Nhu cầu mua thiết bị phòng cháy, chữa cháy tăng cao

Ý thức chủ động phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của người dân tăng cao sau sự việc đau lòng xảy ra tại chung cư mini trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa qua. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý này, nhiều cửa hàng đã tăng giá bán sản phẩm gấp đôi so với trước đó.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua thiết bị chữa cháy tại một cửa hàng trên phố Yết Kiêu, Hà Nội. Ảnh: NAM ANH
Người dân mua thiết bị chữa cháy tại một cửa hàng trên phố Yết Kiêu, Hà Nội. Ảnh: NAM ANH

Ghi nhận tại Hà Nội, sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, người dân đổ xô đi mua bình cứu hỏa, mặt nạ chống khói, thang dây thoát hiểm... nhằm chủ động ứng phó khi có hỏa hoạn xảy ra, nhất là các gia đình sống trong chung cư, nhà tập thể, khiến thị trường này lại “nóng” hơn bao giờ hết.

Thiết bị PCCC “đội giá”

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, chị Nguyễn Thu Uyên (34 tuổi, Hà Nội) vội vàng ra phố Lê Duẩn tìm mua các thiết bị PCCC cho gia đình.

“Mấy ngày nay, đọc tin tức về vụ cháy khiến tôi rất lo lắng. Chung cư nơi tôi ở cũng có kết cấu khá giống chung cư mini xảy ra vụ cháy, nên hôm nay tôi đi tìm mua thiết bị thoát hiểm, chống cháy”, chị Uyên nói.

Gia đình chị Uyên có 4 thành viên, tổng chi phí mua thiết bị hết 1.500.000 đồng, bao gồm 5 mặt nạ chống khí độc và hai thang dây thoát hiểm chậm dài 30 m.

Ông Lê Quang Minh (sống ở Hà Nội) chưa bao giờ để ý đến các thiết bị PCCC tại nhà. Tuy nhiên, ngày hôm qua ông quyết định phải chuẩn bị một số thiết bị để bảo đảm an toàn cho gia đình mình khi chẳng may có hỏa hoạn xảy ra. “Tôi mua vài chiếc bình chữa cháy về cho gia đình. Có thể tôi mua thêm mặt nạ chống độc. Tôi cũng chưa mua thiết bị PCCC bao giờ nhưng qua vừa rồi thấy có sự cố tương đối thương tâm nên muốn mua về cho gia đình để phòng bị”, ông Minh nói.

Khảo sát cho thấy, trên thị trường đang quảng cáo nhiều loại dây thoát hiểm với mức giá khác nhau. Cụ thể, với loại rẻ nhất bằng dây dù xanh, giá đang được rao bán là 120 nghìn đồng/m, loại đắt bằng cáp lõi thép chắc chắn hơn có giá 220 nghìn đồng/m. Trong khi đó, loại thang và dây dù xanh có mức giá 150 nghìn đồng/m, thang bằng cáp lõi thép có giá 250 nghìn đồng/m.

Chị Đào Thị Lụa, chủ cửa hàng bán đồ bảo hộ trên phố Lê Duẩn cho biết: Thang dây thoát hiểm giá đỡ bằng thép được làm bằng chất liệu thép chịu lực và sơn tĩnh điện;

Có độ dài từ 20 - 50 m, chịu tải tới 3.000 kg. Sản phẩm có giá bán là 250 nghìn đồng/m. “Mấy hôm nay, nhiều người tìm mua nên hàng không còn nhiều, các đầu mối đã tăng giá bán lên 30 nghìn đồng/m so với trước”, chị Lụa cho hay.

Còn theo chủ cửa hàng bán thiết bị PCCC trên đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân thì số lượng đơn đặt hàng hai hôm nay tăng đến hơn 80% so với bình thường. “Nhu cầu của bà con hai hôm nay mua bình chữa cháy, thang dây thoát hiểm và mặt nạ phòng cháy tăng mạnh. Bình chữa cháy từ hôm qua đến hôm nay tôi bán 1.000 bình các loại, mặt nạ bán 800 cái, thang dây bán 2.000 m”, ông Nguyễn Xuân Hưng, chủ cửa hàng cho biết.

Trong khi đó, chủ cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động, PCCC trên đường Phạm Văn Đồng (Mai Dịch, Cầu Giấy) chia sẻ: Thường ngày gần như không có người hỏi mua, tuy nhiên, ngay buổi sáng sau đêm xảy ra vụ cháy tại Khương Hạ, người dân đến mua bình cứu hỏa, thang, búa, mặt nạ,... tăng cao. Chủ yếu là các chủ trọ, chủ chung cư mua số lượng lớn. Mặc dù vậy, giá của các mặt hàng PCCC cũng không tăng so với mọi khi.

“Đến bây giờ tôi đã đi ship được 6 chuyến cho người mua hàng, phần lớn quanh khu vực các quận Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai. Đơn hàng trước dù có nhưng vẫn ít hơn thời gian này, chủ yếu là bình bọt, thang dây, các biển báo”, chủ cửa hàng này cho hay.

Theo khảo sát ngày 16/9, mặt nạ chống khói độc hiện đang được rao bán với giá từ 150 nghìn - 500 nghìn đồng/chiếc, còn mặt nạ chống độc, chống cháy, cách nhiệt, chịu nhiệt cao, ba van (được quảng cáo là hàng nhập khẩu Nga) có giá 1.350.000 đồng/chiếc.

Bình chữa cháy cũng có hai loại đang phổ biến trên thị trường hiện nay là dạng bột và dạng khí CO2. Dạng bột loại 1-8 kg có giá 150 nghìn đồng - 300 nghìn đồng/bình; dạng khí CO2 từ 3-5 kg có giá 400 nghìn đồng - 580 nghìn đồng/bình. So với thời điểm trước, giá không thay đổi quá nhiều.

Những lưu ý khi mua, sử dụng và bảo quản thiết bị PCCC

Các chuyên gia khuyến cáo người dân, khi mua bình chữa cháy ngoài tiêu chí về giá cả, nên chọn loại sản phẩm phù hợp với gia đình.

Thượng tá Trần Văn Đồng, giảng viên Trường đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an khuyến cáo: “Đối với các gia đình, chúng tôi khuyến cáo, chỉ nên mua loại bình từ 4 kg bột trở xuống và 3 kg khí trở xuống để bảo đảm sức khoẻ và trạng thái thể lực thành viên trong gia đình. Chúng tôi khuyến cáo các gia đình nên mua các loại bình có khả năng chữa cháy đa cấp và đa chức năng”.

Trước nhu cầu mua hàng tăng cao, mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường cũng có công văn, yêu cầu các đơn vị chức năng chủ động tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng PCCC theo đúng quy định pháp luật, phòng tránh trường hợp găm hàng, tăng giá, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt, khi mua các thiết bị PCCC và bảo hộ hỏa hoạn người dân cũng cần học cách sử dụng để khi trường hợp khẩn cấp biết cách sử dụng nhanh và đúng.

“Khi có sự cố xảy ra, cần nhanh chóng chọn vị trí thoát hiểm an toàn, thuận tiện và gần khoảng cách nhất nhằm sử dụng thang nhanh chóng đưa bản thân khỏi chỗ nguy hiểm. Gắn móc chặt vào nơi thoát hiểm để tạo điểm cố định khi thả thang xuống được chắc chắn nhất có thể. Sau khi hoàn tất các bước trên, bắt đầu tiến hành thả thang xuống một cách từ từ. Bắt đầu leo từng người xuống, thang có thể chịu tải tới 3.000 kg nên có thể giúp nhiều người thoát ra cùng lúc”, vị này cho hay.

Anh Lê Tiến Quân, chủ cửa hàng bán bình chữa cháy trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân) khuyến cáo: bình chữa cháy nên để ở những nơi khô ráo, dễ quan sát, không cho trẻ em nghịch tránh việc xì khí làm giảm áp lực trong bình, dẫn đến hư hỏng và khi cần không sử dụng được. Nếu để bình chữa cháy phía bên ngoài hành lang, nơi có ánh nắng cần phải có mái che hoặc hộp kỹ thuật. Với các nhà ở cao tầng hoặc nhiều phòng, mỗi tầng, mỗi phòng nên có ít nhất một bình cứu hỏa xách tay.

Thực tế, theo Luật Nhà ở thì không có loại hình “chung cư mini”, mà việc xây dựng này là do người dân tận dụng diện tích có sẵn để chia phòng nhỏ, nâng số tầng lên, nên việc bảo đảm an toàn PCCC cho loại hình này chưa có quy định.

Còn đối với các tòa chung cư do các chủ đầu tư lớn xây dựng quy mô, việc bảo đảm an toàn PCCC luôn được tuân thủ nghiêm ngặt từ khi nghiệm thu để đưa vào sử dụng đến quá trình sử dụng và được cơ quan Cảnh sát PCCC kiểm tra định kỳ. Hơn nữa, tại các tòa chung cư, hệ thống báo cháy, chữa cháy luôn sẵn sàng được kích hoạt khi xảy ra sự cố, có bảo vệ túc trực ngày đêm… nên việc chuẩn bị thang dây thật sự không cần thiết. Do đó, các chuyên gia khuyên người dân ở các chung cư cao tầng bình tĩnh, không nên đổ xô đi mua thiết bị PCCC cá nhân khiến khan hàng, tạo áp lực nguồn cầu, giá bị đẩy lên.