Khai mạc Khóa họp thứ 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc

Sáng 6/9 (theo giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã chính thức khai mạc Khóa họp lần thứ 78 tại New York (Mỹ), trong đó trọng tâm là Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ từ ngày 19 đến 26/9 với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ 193 nước thành viên của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 78 của Đại hội đồng LHQ. Ảnh: UN
Phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 78 của Đại hội đồng LHQ. Ảnh: UN

Tạo bước ngoặt hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững

Với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin, khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn cầu: Đẩy nhanh hành động Chương trình nghị sự 2030 và Các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người”, các đại biểu tham dự Khóa họp thứ 78 Đại hội đồng LHQ sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề thời sự nhất, như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, ngăn ngừa đại dịch, giải giáp vũ khí hạt nhân...

Theo giới chức LHQ, Khóa họp lần này của Đại hội đồng LHQ được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt trên con đường hướng tới việc hoàn thành Chương trình Nghị sự 2030 và nhu cầu cấp thiết đưa 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trở lại đúng quỹ đạo. Các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ sẽ nhóm họp cuối tháng 9 để thống nhất việc chuyển đổi và tăng tốc hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu này vào năm 2030.

Trước thềm Khóa họp 78 Đại hội đồng LHQ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo mục tiêu phát triển bền vững đang lâm nguy. Ông Guterres cho biết, tiến độ thực hiện 50% các mục tiêu SDGs hiện ở mức yếu và không đầy đủ. Trong khi đó, hơn 30% số mục tiêu không ghi nhận sự tiến triển nào, thậm chí còn thụt lùi so với mức cơ sở của năm 2015. Một số vấn đề nhức nhối toàn cầu hiện nay như tình trạng ô nhiễm khí thải tăng và bất bình đẳng tồn tại trong nhiều lĩnh vực, nạn đói quay trở lại mức của năm 2005 và cần đến 300 năm nữa mới đạt được bình đẳng giới, gần 600 triệu người sẽ vẫn nằm trong diện nghèo cùng cực vào năm 2030.

Về vấn đề tài chính, Tổng Thư ký Guterres cảnh báo nhiều quốc gia đang rơi vào tình trạng nợ nần, với 54 nước đối mặt khủng hoảng nợ hoặc đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Ông cho biết, cấu trúc tài chính quốc tế hiện nay chưa thể cung cấp cho các nước đang phát triển nguồn tài chính dài hạn, giá cả phải chăng. Vì vậy, đã đến lúc cải cách hệ thống quan hệ tiền tệ Bretton Woods, bảo đảm mạng lưới tài chính toàn cầu an toàn, phù hợp với thực tế thế giới hiện nay. Ông Guterres kêu gọi chính phủ các nước đề xuất các cam kết và lộ trình rõ ràng, hướng tới mục tiêu giảm đói nghèo và bất bình đẳng lần lượt vào năm 2027 và 2030.

Kêu gọi cải tổ phù hợp với thực tế thế kỷ 21

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Press Trust of India trước thềm Khóa họp lần thứ 78 Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi LHQ cải cách phù hợp với thực tế thế kỷ 21 để bảo đảm tính đại diện của tất cả các nước. Ấn Độ cho rằng, cơ cấu hiện tại của LHQ không phản ánh tình hình kinh tế, chính trị, nhân khẩu học hay nguyện vọng ngày nay. Cấu trúc toàn cầu hiện tại đã tồn tại được tám thập kỷ và thực tế là số thành viên LHQ đã tăng gấp bốn lần trong giai đoạn này. Ông cũng lưu ý đến sự chuyển đổi nhanh chóng trong động lực của chính trị thế giới trong vài thập kỷ qua và cảnh báo càng trì hoãn cải cách, uy tín của chủ nghĩa đa phương càng bị xói mòn.

Thủ tướng Narendra Modi khuyến cáo các tổ chức quốc tế cần phải thừa nhận những thay đổi thực tế và xem xét lại các ưu tiên trong hoạt động của mình. Nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới này nhấn mạnh điều quan trọng là bảo đảm tính đại diện của các nước. Ông khẳng định, trong năm Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) này, Ấn Độ đã gieo mầm sự tự tin ở các nước thuộc thế giới thứ ba.

Ấn Độ hiện mong muốn trở thành nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Nước này đang thúc đẩy nhiều mục tiêu, trong đó có cam kết xóa các khoản nợ không bền vững.