Nắng nóng và cháy rừng hoành hành tại nhiều quốc gia

Nắng nóng và cháy rừng đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới. Giới chuyên gia môi trường cho rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan và bất thường hiện nay là hệ quả của biến đổi khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ đô Rome của Italy đang hứng chịu một đợt nắng nóng kỷ lục. Ảnh: AFP
Thủ đô Rome của Italy đang hứng chịu một đợt nắng nóng kỷ lục. Ảnh: AFP

Nắng nóng bất thường

Cơ quan Khí tượng Pháp vừa ban bố báo động đỏ, mức cảnh báo nghiêm trọng nhất, tại bốn vùng miền nam, gồm Rhone, Drome, Ardeche và Haute-Loire, trong bối cảnh những khu vực này đang hứng chịu nắng nóng gay gắt, với mức nhiệt đỉnh điểm có thể lên tới 41oC ở thung lũng Rhone. Việc kích hoạt báo động đỏ là một biện pháp của Chính phủ Pháp nhằm bảo vệ người dân trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Đây là lần thứ sáu trong năm nay Cơ quan Khí tượng Pháp ban bố báo động đỏ, nhưng là lần đầu cảnh báo này áp dụng trên phạm vi rộng.

Tập đoàn năng lượng EDF của Pháp cho biết, nắng nóng bất thường đã cản trở kế hoạch tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Golfech 2 tại nhà máy Bugey ở tây nam nước này. Lò phản ứng hạt nhân công suất 1,3 gigawatt này ngừng hoạt động kể từ ngày 27/3 vừa qua do một số vấn đề kỹ thuật. Theo kế hoạch, lò phản ứng được vận hành trở lại ngày 20/8, nhưng không thể thực hiện do nhiệt độ nước sông Rhone, được sử dụng để làm nguội lò phản ứng, nóng quá mức cho phép.

Một cơn bão nhiệt đang hoành hành tại miền trung và bắc Italia với nhiệt độ cao kỷ lục ngay cả ở vùng núi. Chính quyền đất nước hình chiếc ủng đã đưa ra cảnh báo đỏ về nắng nóng tại tám thành phố là Rome, Florence, Bologna, Perugia, Brescia, Bolzano, Latina và Rieti. Nghiên cứu của Hiệp hội nông dân quốc gia Italia (Coldiretti) cho thấy, nước này đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục trong năm nay, với nhiệt độ cao hơn 0,67oC so với mức trung bình trong lịch sử, khiến năm 2023 trở thành năm nóng thứ hai kể từ năm 1800 tại Italia.

Phần lớn lãnh thổ Tây Ban Nha tiếp tục hứng chịu cái nóng khắc nghiệt trong bối cảnh nước này đang trải qua đợt nắng nóng thứ tư. Theo Cơ quan Khí tượng quốc gia Tây Ban Nha (AEMET), nền nhiệt tại các vùng Catalonia và Aragon ở khu vực đông bắc đã vượt quá 40oC, trong khi vùng Andalucia ở miền nam ghi nhận nhiệt độ lên đến 44oC.

Cháy rừng hoành hành

Thời tiết khô hạn và nắng nóng kéo dài đã gây ra một số vụ cháy rừng tại Pháp. Khoảng 260 nhân viên cứu hỏa đang phải đối phó các đám cháy rừng gần ngôi làng Chanousse ở chân núi Alps, khu vực thuộc đông nam nước Pháp. Theo Hiệp hội Phòng, chống và báo cáo cháy rừng của Pháp, đám cháy này đã thiêu rụi khoảng 120 ha rừng.

Trong khi đó, cháy rừng bùng phát từ ngày 19/8 ở thành phố cảng Alexandroupolis, đông bắc Hy Lạp tiếp tục lan rộng, khiến nhiều người dân phải sơ tán. Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng do gió mạnh, tạo ra những đám khói bao phủ thành phố và biến bầu trời đêm thành mầu đỏ. Bộ trưởng phụ trách vấn đề bảo vệ dân sự và khủng hoảng khí hậu Hy Lạp Vassilis Kikilias cho biết, hàng trăm lính cứu hỏa, quân đội, cảnh sát, tình nguyện viên và giới chức địa phương đang nỗ lực dập lửa ở Alexandroupolis. Tại thành phố ven biển Kavala, miền bắc Hy Lạp, hai lính cứu hỏa bị thương khi đang nỗ lực kiểm soát đám cháy đe dọa những ngôi nhà trong làng Dialekto. Các đám cháy cũng bùng phát trên đảo Evia gần thủ đô Athens, cũng như trên đảo Kythonos và Viotia ở miền trung Hy Lạp.

Thời tiết cực đoan khiến đám cháy rừng lớn trên đảo Tenerife thuộc quần đảo Canary của Tây Ban Nha tiếp tục diễn biến phức tạp. Giới chức địa phương đã huy động hàng trăm nhân viên cứu hỏa tham gia cuộc chiến chống giặc lửa, đồng thời sơ tán 12.000 người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Theo Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS), chu vi đám cháy lên tới 84 km, thiêu rụi khoảng 11.600 ha đất. Kể từ đầu năm đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận hơn 75.000 ha đất rừng bị thiêu rụi.

Chính quyền tỉnh British Columbia của Canada đã ban bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt lệnh cấm đi lại trong bối cảnh các đám cháy rừng đang lan nhanh tại tỉnh này. Khoảng 30.000 người đã được sơ tán, trong khi 36.000 người được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng sơ tán. Canada đang trải qua mùa cháy rừng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, với hơn 14 triệu ha đất bị thiêu rụi và bốn người thiệt mạng.