Không để sốt xuất huyết bùng phát thành dịch

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong.
0:00 / 0:00
0:00
Phun thuốc diệt muỗi tại các khu dân cư. Ảnh: BẮC SƠN
Phun thuốc diệt muỗi tại các khu dân cư. Ảnh: BẮC SƠN

Đã có 13 trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong

Tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E (Hà Nội), những ngày gần đây, số người mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị tăng đột biến. Từ tháng 7/2023, mỗi ngày phòng khám của Khoa Bệnh nhiệt đới tiếp nhận khoảng 20 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5-10 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị. Trong số những trường hợp phải nhập viện điều trị có không ít phụ nữ mang thai, người cao tuổi và người có nhiều bệnh lý nền.

Người bệnh N.K.T (41 tuổi, ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang điều trị sốt xuất huyết ngày thứ ba tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E) chia sẻ: “Năm nào, phường Minh Khai cũng là điểm nóng về dịch sốt xuất huyết với tỷ lệ người mắc rất cao. Hầu như cứ đến mùa dịch là các gia đình trên địa bàn đều có ít nhất từ 2-3 người mắc sốt xuất huyết. Tôi là người thứ hai trong gia đình bị sốt xuất huyết. Trước đó, ông tôi cũng mắc sốt xuất huyết”, bệnh nhân T cho biết.

Gần giường bệnh nhân T là một phụ nữ đang mang thai sáu tuần cũng ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm bị mắc sốt xuất huyết.

Theo các bác sĩ ở Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E), người bệnh đến khám và điều trị tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… Mấy ngày gần đây, cao điểm số người mắc sốt xuất huyết điều trị tại khoa lên đến 30-40 người (chiếm hơn 50% tổng số người bệnh đang điều trị tại khoa).

Bác sĩ chuyên khoa II Đào Văn Cao, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện E) cho biết, tính từ đầu năm đến nay, khoa đã theo dõi và điều trị cho gần 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Dù số lượng bệnh nhân đông nhưng bệnh viện đã chủ động kê thêm giường xếp tại các phòng bệnh nên đã hạn chế tình trạng nằm ghép.

Qua điều trị thực tế, các bác sĩ ở Khoa Bệnh nhiệt đới gặp các trường hợp diễn biến nặng như ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao, tràn dịch màng phổi, màng bụng, tụt huyết áp… Đặc biệt, đối với người cao tuổi mắc nhiều bệnh lý nền, phụ nữ mang thai khi mắc sốt xuất huyết thường diễn biến nặng hơn, với nhiều biến chứng. Do đó, bác sĩ chuyên khoa II Đào Văn Cao khuyến cáo, bệnh sốt xuất huyết có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng. Vì vậy, mọi người khi thấy sốt cao đột ngột cần vào viện thăm khám ngay để được xử trí kịp thời và phù hợp.

Theo báo cáo của các địa phương, tại Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 57.295 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong tại tám tỉnh, thành phố: Đồng Nai (4 ca), Đắk Lắk (2 ca), Phú Yên (2 ca), Bình Phước (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Kiên Giang (1 ca).

Số mắc và tử vong tuy giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây.

Hiện đang là thời điểm mùa dịch, dự báo số mắc hằng tuần có xu hướng gia tăng trong thời gian tới nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng, hạn chế thấp nhất số ca mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Bên cạnh đó, tổ chức triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn và duy trì hoạt động một tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao; hai tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và một tháng/lần tại các khu vực còn lại.

Cục Y tế dự phòng đề nghị, các địa phương củng cố hệ thống cán bộ làm công tác phòng chống côn trùng tuyến tỉnh và tuyến huyện. Tổ chức tốt việc giám sát côn trùng chủ động các tuyến để phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ để xử lý kịp thời. Mặt khác, tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, xử lý ổ dịch cho cán bộ y tế dự phòng. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng đề nghị tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt là tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời, có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.

“Các địa phương phải tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng chống dịch. Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo UBND các tỉnh, thành phố bố trí, bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn”, Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị, ngành y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

Không để sốt xuất huyết bùng phát thành dịch ảnh 1

Khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E.

Cao điểm phòng chống sốt xuất huyết tại Hà Nội

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội vừa có Công văn số 2159/KSBT-PCBTN về việc tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết gửi trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã. Theo CDC Hà Nội, tính từ đầu năm đến ngày 4/8, toàn thành phố ghi nhận 2.750 trường hợp sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 408/579 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bệnh nhân có xu hướng tăng nhanh trong bốn tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận 481 trường hợp, tăng 4,3 lần so với trung bình bốn tuần trước đó (113 trường hợp).

Ngoài ra, thành phố cũng ghi nhận 198 ổ dịch tại 24 quận, huyện, thị xã; 111 xã, phường, thị trấn. Tính đến ngày 4/8, toàn thành phố đã thực hiện 928 chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy, đạt 82% so với chỉ tiêu từ đầu năm đề ra.

Để triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát, CDC Hà Nội đề nghị trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đáp ứng kịp thời hóa chất phòng chống sốt xuất huyết, máy phun đảm bảo sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch. Thực hiện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định, kịp thời, hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng, diễn biến kéo dài.

Bên cạnh đó, CDC thành phố cũng đề nghị trung tâm y tế tham mưu UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai các hoạt động cao điểm chủ động phòng chống sốt xuất huyết trong tháng 8 và 9/2023, bao gồm: Thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy quy mô xã, phường, thị trấn vùng nguy cơ cao; phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại những nơi có nguy cơ cao, phun diện rộng tại các xã, phường, thị trấn có ổ dịch phức tạp. Mặt khác, tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

“Ngoài hoạt động giám sát côn trùng thường xuyên, yêu cầu 100% các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch phải được giám sát côn trùng để đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp. Thường xuyên rà soát, báo cáo, cập nhật, quản lý số liệu ca bệnh truyền nhiễm trên hệ thống phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm trực tuyến theo quy định tại Thông tư 54 của Bộ Y tế, báo cáo kết quả theo quy định”, CDC thành phố nhấn mạnh.

Song song với đó, CDC Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền trực tiếp, truyền thông lưu động (loa kéo), các hội nhóm Zalo thôn, tổ dân phố... Các nội dung tuyên truyền cần cụ thể, rõ ràng, tập trung vào đặc điểm tình hình dịch tại địa phương, sự nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng bệnh.