Kêu gọi cùng nhau nỗ lực đối phó
Phát biểu ý kiến tại hội thảo về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif kêu gọi cộng đồng quốc tế hướng tới tương lai và cùng nhau nỗ lực, vì các hình thái thiên tai như lũ lụt ở Pakistan cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nước nào. Thủ tướng Sharif đề cập thiệt hại lâu dài mà Pakistan gánh chịu cho đến thời điểm hiện tại, tức một năm sau trận lụt thảm khốc nhất lịch sử nhấn chìm một phần ba diện tích Pakistan, phá hủy cơ sở hạ tầng trên diện rộng. Nêu bật các sáng kiến do chính phủ đương nhiệm thực hiện để giải quyết các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu, Thủ tướng Sharif cho biết theo khuôn khổ tái thiết, phục hồi và xây dựng, Pakistan đã và đang nỗ lực xây dựng lại các khu vực bị lũ lụt tàn phá.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Pakistan vừa phê duyệt Kế hoạch thích ứng quốc gia năm 2023 nhằm bảo đảm các chính sách, cơ sở hạ tầng và các cộng đồng của đất nước được trang bị đầy đủ để ứng phó các thách thức. Pakistan là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất về biến đổi khí hậu. Quốc gia Nam Á này vẫn đang chật vật giải quyết hậu quả của trận lũ lụt lịch sử năm 2022, phá hủy hàng triệu ha hoa màu, nhà cửa và ảnh hưởng hơn 33 triệu người.
Dồn dập các hình thái thời tiết cực đoan
Ít nhất 20 người thiệt mạng, 27 người mất tích, giao thông và hoạt động công cộng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt mưa lũ lớn nhất 140 năm qua ở Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Lượng mưa rất lớn xảy ra trên diện rộng ở Bắc Kinh và các khu vực lân cận do ảnh hưởng của bão Doksuri. Lượng mưa trung bình đo được ở Bắc Kinh là 157,8 mm, lượng mưa lớn nhất vượt quá 538mm tại một ngôi làng ở quận ngoại ô Phòng Sơn.
Lũ lụt buộc nhà chức trách đóng cửa 107 con đường miền núi, đình chỉ hoạt động của 300 tuyến xe buýt và một số tuyến đường sắt. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày dẫn đến lũ quét và ngập úng ở các vùng ngoại ô và miền núi phía tây Bắc Kinh, đặc biệt là Môn Đầu Câu. Thông tin liên lạc bị gián đoạn trên khắp các khu vực rộng lớn của quận này. Cảnh báo đỏ về mưa lũ, cấp cảnh báo cao nhất, được áp đặt tại Bắc Kinh và các khu vực lân cận. Kể từ năm 2010 đến nay, đây là lần thứ hai cảnh báo đỏ về mưa bão được kích hoạt ở Bắc Kinh.
Hàn Quốc nâng cảnh báo về nắng nóng lên mức cao nhất trong bối cảnh nhiều khu vực trên cả nước ghi nhận nhiệt độ hơn 38oC. Đây là lần đầu trong bốn năm qua Hàn Quốc nâng cảnh báo nắng nóng lên mức cao nhất. Cụ thể, Hàn Quốc đã cảnh báo nắng nóng ở mức “nghiêm trọng”, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo gồm bốn cấp độ là: Quan tâm, chú ý, cảnh giác, nghiêm trọng. Theo Bộ Nội vụ và an toàn Hàn Quốc, nhiệt độ đo được tại thành phố Yeoju, phía nam Seoul, lên tới 38,4oC.
Triều Tiên đang đẩy mạnh công tác ứng phó đợt nắng nóng, coi các biện pháp đối phó nhiệt độ cao là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, khuyến cáo người cao tuổi tránh các hoạt động ngoài trời trong bối cảnh nhiệt độ tăng lên 37oC tại một số khu vực. Báo này cũng nhấn mạnh, công tác chuẩn bị ứng phó các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như bão, mưa lớn và nắng nóng là nhiệm vụ chính trị quan trọng liên quan việc đạt được các mục tiêu kinh tế lớn của Triều Tiên.
Trong khi đó, Chính phủ Iran quyết định cho toàn dân nghỉ theo chế độ quốc lễ do đợt nắng nóng cực đoan đang hoành hành, đồng thời kêu gọi người lớn tuổi và người có vấn đề về sức khỏe ở trong nhà. Bộ Y tế Iran cũng phát đi cảnh báo các bệnh viện cần chuẩn bị ứng phó nguy cơ nhiều người nhập viện do nắng nóng.