Nghị quyết giúp Thành phố Hồ Chí Minh phát triển

Ngày 1/8, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh với 44 cơ chế, chính sách đặc thù ở 7 lĩnh vực sẽ chính thức có hiệu lực. Để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, là nền tảng để Thành phố Hồ Chí Minh tạo động lực mới đưa Thành phố trở lại quỹ đạo phát triển vốn có, cần có cách tiếp cận tổng thể gắn với những giải pháp cụ thể, linh hoạt, hiệu quả, sát thực tiễn. Trong đó, cần chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NAM HẢI
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NAM HẢI

44 cơ chế, chính sách đặc thù ở 7 lĩnh vực

Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98) được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2023, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Tại nghị quyết, Thành phố Hồ Chí Minh được trao 44 cơ chế, chính sách đặc thù ở 7 lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức. Trong 44 cơ chế, chính sách đặc thù này có 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội; 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế được đưa vào các dự án Luật đang trình Quốc hội và 27 cơ chế, chính sách chỉ riêng TP Hồ Chí Minh được áp dụng. Có thể nói, đây là nghị quyết quy định số lượng cơ chế, chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay được Quốc hội thông qua.

Chia sẻ tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98), Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức đã bắt tay vào xây dựng chương trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 98 trên cơ sở Chỉ thị 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch của UBND thành phố Hồ Chí Minh. TP Thủ Đức xác định, để thực hiện thành công Nghị quyết 98 phải khai thác đồng thời tiềm năng từ ba nhân tố là bộ máy, con người và nguồn lực. Bên cạnh đó, Thành ủy TP Thủ Đức xác định Nghị quyết 98 vừa là thời cơ, vừa là thách thức đan xen. Do đó, quá trình triển khai phải trên tinh thần đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn phải bảo đảm hành lang pháp luật hiện hành, phải đặt quyết tâm cao nhất có thể, xây dựng nền tảng nhận thức trong hệ thống chính trị và nhân dân thật sự khoa học, chuẩn bị thật chu đáo và lên tiến độ thực hiện các nhiệm vụ. “Chúng tôi sẽ nỗ lực để làm đúng những gì quy định, làm tốt những cơ chế cho phép và chủ động đề xuất Thành phố Hồ Chí Minh những việc làm có lợi cho dân” - Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp cam kết.

Đại diện cho các chuyên gia, nhà khoa học cùng tham gia quá trình góp ý, hình thành dự thảo Nghị quyết 98, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Trần Du Lịch khẳng định, lần này Thành phố Hồ Chí Minh triển khai sẽ thành công nghị quyết. Quá trình đề xuất dự thảo nghị quyết, những nội dung, tư tưởng để xin cơ chế đã đưa vào Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận, sẵn sàng triển khai từ khi bắt đầu chuẩn bị nghị quyết.

Theo ông Trần Du Lịch, chưa thấy bao giờ Thành phố Hồ Chí Minh được cho một số cơ chế, chính sách mang tính hệ thống với 7 nhóm cơ chế, chính sách được chia hai nhóm riêng. Nhóm 1 là mở rộng phân cấp phân quyền trên 5 lĩnh vực. Các lĩnh vực đó trước đây cần Trung ương để quyết định, giờ đã trao quyền cho HĐND Thành phố. Nhóm 2 về chính sách tạo động lực, trong đó có chính sách huy động nguồn lực mà thành phố đang có. Những cơ chế này chắc chắn sẽ “gỡ” được “nghẽn” về hạ tầng - ông Trần Du Lịch cho hay.

Cần giải pháp cụ thể, linh hoạt, hiệu quả, sát thực tiễn

Góp ý về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đề nghị, Thành phố Hồ Chí Minh phải xác định thực hiện Nghị quyết 98 với tinh thần chuẩn bị “tổng tiến công”. Trong đó, lấy dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước làm cột mốc để thành phố tạo ra bước ngoặt lịch sử trong thực hiện hiệu quả nghị quyết.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh: “Bây giờ là lúc phải đưa nghị quyết vào cuộc sống. Với Thành phố Hồ Chí Minh lúc này, thời gian là vàng là bạc”. Theo Bí thư Thành ủy, Thành phố không có nhiều thời gian mà phải hành động nhanh nhất để đưa Nghị quyết 98 vào cuộc sống sớm nhất có thể. Thành phố Hồ Chí Minh phải tận dụng thời gian một cách có hiệu quả khi thực hiện nghị quyết để có những sản phẩm, công trình, dự án có giá trị, mang tầm cỡ để đóng góp vào sự phát triển, nâng cao chất lượng sống và tạo niềm tin cho người dân.

Bày tỏ niềm tin ở đội ngũ cán bộ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cam kết, thành phố quyết tâm thực hiện Nghị quyết 98 trên tinh thần mỗi cán bộ, nhất là cán bộ cốt cán, lãnh đạo các cấp, người đứng đầu phải tận dụng mọi thời cơ, vượt qua thử thách và hạn chế những rủi ro đến mức thấp nhất có thể. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng cho biết, phải sớm khởi công những công trình, dự án lớn. Bởi, hạ tầng phải đáp ứng được sự phát triển của đô thị, nhu cầu của người dân để từ đó nâng dần chất lượng cuộc sống của người dân. “Thước đo hiệu quả là những sản phẩm, công trình có giá trị”- Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ. Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình thế giới diễn biến khó lường, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu phải sẵn sàng chuẩn bị.

Việc trao quyền mạnh và vượt trội cho Thành phố Hồ Chí Minh qua Nghị quyết 98 là thể hiện sự tin tưởng, gửi gắm của Trung ương dành cho thành phố, nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh. Nghị quyết vừa có khả năng hóa giải những “điểm nghẽn” tồn đọng phát sinh trong cơ chế cũ, vừa là “bệ phóng” để thành phố phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình. Từ đó khắc phục những vướng mắc, tạo lập và phát triển những giá trị mới về kinh tế - xã hội.

Song, để thực hiện thành công mục tiêu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh ngang tầm với các trung tâm kinh tế của khu vực và thế giới, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cần có cách tiếp cận tổng thể gắn với những giải pháp cụ thể, linh hoạt, hiệu quả, sát thực tiễn. Trong đó, cần chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân. “Việc triển khai thực hiện nghị quyết là trách nhiệm không chỉ của Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh mà của cả các bộ, ngành. Thành phố không chỉ thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng quản lý nhà nước của mình mà phải phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề có tính chất liên ngành” - Phó Thủ tướng đề nghị.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị, Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm cụ thể hóa nghị quyết bằng các hành động cụ thể; khẩn trương ban hành kế hoạch hành động, văn bản hướng dẫn chi tiết, phân cấp, ủy quyền cho cơ quan, đơn vị theo quy định để việc tổ chức thực hiện thông suốt. Đồng thời, phát huy tối đa nguồn lực, sức mạnh của người dân và thống nhất trong hành động của toàn hệ thống chính trị; sớm thể chế hóa các nội dung thuộc nhiệm vụ và thẩm quyền của HĐND thành các chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực. Khi tổ chức thực hiện nghị quyết phải có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện có kết quả theo từng mốc thời gian. Bên cạnh đó, sớm phổ biến rộng rãi nghị quyết để huy động sự tham gia, phối hợp khi triển khai và để phát huy tinh thần, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp.