Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra vào ngày 28 và 29/6 (hai ngày thi chính thức). Cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi, tổng số điểm thi trên toàn quốc là 2.273 với 44.661 phòng thi. Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng kết quả để xét tuyển đại học chiếm 89,52%; chỉ để xét tốt nghiệp 7,14%; chỉ để xét tuyển sinh 3,34%.
0:00 / 0:00
0:00
Các quy định của kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định như năm trước. Ảnh: HẢI NAM
Các quy định của kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định như năm trước. Ảnh: HẢI NAM

Chủ động chuẩn bị cho kỳ thi

Thời gian thi đến gần, các sĩ tử đang nỗ lực hết sức để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Trong thời điểm “nước rút” này, các em vừa tập trung củng cố kiến thức vừa chú trọng ổn định tinh thần để sẵn sàng bước vào kỳ thi đặc biệt quan trọng.

Em Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Xuân Đỉnh (quận Tây Hồ, Hà Nội) lựa chọn khối D01 và đặt mục tiêu đỗ vào Trường đại học Kinh tế quốc dân. Giai đoạn này, lịch ôn luyện khá dày nhưng Trang và rất nhiều bạn cùng lứa đều học rất chăm chỉ, nỗ lực để có kết quả cao cho kỳ thi quan trọng. Về phương pháp ôn luyện, Trang chia sẻ: “Em dành phần lớn thời gian trong ngày để ôn tập và làm đề ba môn chính, song song với đó là dành khoảng hai giờ đồng hồ để xem lại kiến thức đối với các môn thi xét tốt nghiệp. Những ngày ôn tại trường, em chú ý nghe giảng, rút kinh nghiệm từ bài đã sửa của thầy, cô giáo để có thể nhớ lâu hơn, cố gắng không lặp lại các lỗi sai trước đó”. Theo Trang, việc tự học vào buổi tối sẽ yên tĩnh, hiệu quả hơn, không bị mất tập trung bởi các yếu tố bên ngoài.

Đồng hành cùng các thí sinh trong kỳ thi quan trọng, các bậc phụ huynh cũng có tâm trạng hồi hộp không kém. Chị Nguyễn Phương Thảo, phụ huynh em Nguyễn Quỳnh Trang tâm sự: “Gia đình không tạo áp lực cho con bằng việc phải cố vào được trường tốp đầu mà để cháu tự chọn trường, khối thi phù hợp năng lực, sở thích cá nhân. Đồng thời, tôi tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể về vật chất, tinh thần để cháu ôn luyện đạt kết quả cao”.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia cho biết, kỳ thi năm nay diễn ra trong bối cảnh nhiều thuận lợi, như các quy định của kỳ thi cơ bản giữ ổn định như năm trước, dịch bệnh đã được kiểm soát; học sinh lớp 12 được học trực tiếp trong cả năm học, các địa phương cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện yêu cầu “ba không”: Không lơ là, chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không gây căng thẳng, áp lực quá mức. Đồng thời, các địa phương cũng cần lưu ý thực hiện “bốn đúng”: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng, đủ quy trình, không bỏ sót khâu nào; đúng vị trí, nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường.

Bộ đã tổ chức hội nghị tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với sự tham gia của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo và PA03 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư để quán triệt quy chế, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, công tác đăng ký dự thi trực tuyến và nghiệp vụ sử dụng phần mềm quản lý kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Qua làm việc trực tiếp với 14 địa phương và báo cáo của 63 tỉnh, thành phố gửi về Ban Chỉ đạo cấp quốc gia cho thấy: Các địa phương đã chủ động trong triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 thông qua việc ban hành Chỉ thị về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đều được thành lập từ sớm và ban hành kế hoạch công tác, phân công, phân nhiệm rõ ràng trong Ban Chỉ đạo.

Ngoài triển khai theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế, hướng dẫn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tùy theo điều kiện cụ thể còn có những chỉ đạo, hướng dẫn riêng để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện tổ chức kỳ thi.

Các địa phương cũng đều xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra kỳ thi. Đặc biệt, các địa phương đều quan tâm chỉ đạo việc hỗ trợ cho thí sinh có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia kỳ thi. Cho tới thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đang diễn ra bình thường và theo đúng kế hoạch.

Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ảnh 1

Các địa phương đã sẵn sàng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: SONG ANH

Tăng cường biện pháp bảo mật đề thi

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, có một số quy định mới liên quan đến trách nhiệm thí sinh. Theo đó, kỳ thi năm nay, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi các vật dụng, gồm: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ, Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi địa lý. Một điểm mới nữa là đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết hai phần ba thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp lại bài thi kèm đề thi, giấy nháp. Khi rời phòng thi, thí sinh phải di chuyển đến phòng chờ và phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi, không được ra khỏi khu vực thi sau khi hết hai phần ba thời gian làm bài của buổi thi như những năm trước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng lưu ý, đề thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, phạm vi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và tăng cường nội dung vận dụng thực tiễn ở một số môn thi. Việc tăng cường vận dụng thực tiễn ở một số môn thi nhằm từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mới đây, ngày 15/6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị trực tuyến rà soát công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với 63 điểm cầu của UBND các tỉnh, thành phố. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, kỳ thi được xã hội đặc biệt quan tâm; kết quả kỳ thi được sử dụng cho nhiều yêu cầu về chuyên môn và các mục đích khác nhau. Năm nay, dù học sinh thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, nhưng tinh thần đổi mới được thực hiện ở tất cả khối lớp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố phát huy tinh thần trách nhiệm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Ban chỉ đạo địa phương cần thông tin đầy đủ, kịp thời đến các đối tượng như phụ huynh, lực lượng phối hợp, nhân dân bảo đảm thông suốt trong triển khai công việc và xử lý các tình huống; tăng cường kiểm tra, giám sát, không chủ quan trong mọi khâu, đặc biệt là ở khâu chuẩn bị; bảo đảm ưu tiên các điều kiện cơ sở vật chất, quan tâm yếu tố con người và cẩn trọng mọi khâu, bảo đảm nguyên tắc tất cả các khâu của kỳ thi đều được thanh tra, kiểm tra.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia tiếp tục tổ chức các đoàn làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức thi; công tác coi thi và chấm thi. Đồng thời kết nối thường xuyên với Ban Chỉ đạo các địa phương để phối hợp tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Cùng với đó, bàn giao cho các địa phương triển khai công tác in sao đề thi; rà soát tổng thể các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kỳ thi; thiết lập và cài đặt hệ thống trang thiết bị phục vụ chấm thi; tổ chức chấm thi nghiêm túc, an toàn và hiệu quả...

Với một kỳ thi có quy mô lớn, tổ chức trên diện rộng, trong điều kiện các thiết bị công nghệ cao ngày càng phát triển, đại diện các vụ, cục chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tăng cường bảo mật đề thi ở các khâu, trước mắt là ở khâu in sao đề thi. Theo đó, các địa phương cần bố trí nơi in sao đề thi với ba vòng độc lập và đáp ứng các yêu cầu chung. Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều động khoảng 8.000 cán bộ, giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học làm nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi, chấm thi tại 63 tỉnh, thành phố.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, hiện nay lực lượng công an tiếp tục nắm bắt tình hình mua bán thiết bị có thể sử dụng để gian lận. Các địa phương cần xây dựng phương án vận chuyển đề, bài thi bảo đảm an toàn, bảo mật; đồng thời quan tâm tập huấn cho cán bộ coi thi về việc nhận biết, phát hiện các thiết bị hiện đại có thể ngụy trang dưới dạng đồng hồ, kính mắt...; tăng cường giám sát thí sinh trong phòng thi để kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận.