Đóng bảo hiểm xã hội bằng khoảng 70% thu nhập
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tiếp nhận 158 văn bản góp ý từ các ban, bộ, ngành, địa phương, tổ chức, tập đoàn, công ty, hiệp hội doanh nghiệp đối với hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến và căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng Tờ trình Chính phủ, trong đó đề xuất sửa đổi quy định về căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động. Qua đó, nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội và quyền lợi của người lao động.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, thực tiễn hiện nay tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2022 của người lao động là 5,73 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố; cao nhất bằng tám lần mức lương tối thiểu tháng vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Bộ LĐ -TB&XH cho rằng, đây là cơ sở quy định căn cứ đóng BHXH đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương…). Đặc biệt, đây cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng quy định cụ thể tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và giữ ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng BHXH bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.
Trao đổi ý kiến về đề xuất đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động, TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: Việc quy định mức đóng BHXH theo nguyên tắc dựa vào tiền lương và các khoản thu nhập có tính chất lương hằng tháng mà người sử dụng lao động trả cho người lao động, là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tiền lương bình quân trả cho người lao động nói chung còn thấp, cao hơn không đáng kể so với mức lương tối thiểu vùng.
Cảnh giác hành vi lừa đảo liên quan BHXH
Ngày 15/6/2023, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp nhận phản ánh của anh N.T.T, trú tại phường Hiệp Thành (Quận 12, TP Hồ Chí Minh) về việc truy cập mạng xã hội và bị đối tượng mạo danh là nhân viên BHXH lừa đảo chuyển tiền để được giảm trùng BHXH, cắt giảm quá trình đóng trùng và hủy bỏ sổ BHXH.
Theo phản ánh của anh T, anh đã cho em trai mượn hồ sơ nhân thân của mình để đóng BHXH. Ngày 11/6/2023, anh T. truy cập mạng xã hội Facebook và nhắn tin thông qua Messenger đến tài khoản có tên Phạm Ngọc Anh (hiện đối tượng này đã khóa tài khoản) - mạo danh là nhân viên BHXH hỗ trợ tạo nộp và giải quyết các loại hồ sơ bảo hiểm.
Qua trao đổi, tài khoản Facebook Phạm Ngọc Anh nhận giải quyết được cho anh T. và yêu cầu phí là 900.000 đồng. Cả tin, anh T. đã cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân và sổ BHXH. Đối tượng lừa đảo đã gửi cho anh T. hình ảnh tiếp nhận hồ sơ, có đóng dấu đỏ, chữ ký xác nhận của người có tên “Nguyễn Vinh Quang - Phó Giám đốc BHXH Việt Nam (đây là tên mạo danh, BHXH Việt Nam không có chức danh này).
Sau khi kiểm tra hồ sơ, anh T. đã chuyển 900.000 đồng vào tài khoản được đối tượng lừa đảo cung cấp. Ngày 14/6/2023, đối tượng tiếp tục nhắn tin (qua ứng dụng Messenger) và gửi cho anh T. hình ảnh “Thông báo thanh tra hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội”, phí thanh tra hồ sơ 2.000.000 đồng. Sau đó, anh T. đã chuyển thêm 2.000.000 đồng vào tài khoản do đối tượng lừa đảo cung cấp.
Ngày 15/6/2023, anh T. nhắn tin hỏi kết quả, thì đối tượng đã khóa tài khoản. Lúc này anh T. mới tìm đến Fanpage BHXH Việt Nam nhắn tin trao đổi thì biết mình bị lừa.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của anh T, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (BHXH Việt Nam) đã hướng dẫn anh T. liên hệ đến cơ quan BHXH tại địa phương để được hỗ trợ; đồng thời giải thích cho anh T. biết hiện nay tất cả các dịch vụ mà BHXH Việt Nam đang triển khai, người dân đều không phải trả phí.
BHXH Việt Nam khuyến cáo, hiện nay, tất cả các dịch vụ hỗ trợ giải quyết thủ tục về BHXH, BHYT mà BHXH Việt Nam đang triển khai, người dân đều không phải trả phí, do đó bất kỳ trường hợp nào yêu cầu người dân trả phí dịch vụ như trên đều là hành vi lừa đảo. Người dân, người lao động cần nâng cao cảnh giác để không bị đối tượng xấu lợi dụng và lừa đảo. Trường hợp khi thực hiện các thủ tục hành chính của ngành BHXH Việt Nam, nếu có vướng mắc, người dân cần liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi gần nhất hoặc liên hệ trực tiếp tới Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng qua số hotline: 1900.9068 hoặc số 0243.7899999 (trong giờ hành chính) để được hỗ trợ.
Hiện nay, BHXH Việt Nam chỉ có một trang Fanpage đã được cấp tích xanh của Facebook tại địa chỉ: https://www.facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn. Người dùng cần lưu ý để tránh các trang giả mạo.
Trước đó, ngày 30/5/2023, Công an TP Biên Hòa phối hợp một số đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Đồng Nai đồng loạt khám xét tám phòng khám đa khoa trên địa bàn các phường Long Bình Tân, Tân Hiệp, Bửu Long, Long Bình và Trảng Dài. Lực lượng công an thu giữ nhiều máy móc, tài liệu, giấy tờ liên quan để làm rõ hành vi bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Lãnh đạo Công an TP Biên Hòa cho biết, việc khám xét nhằm điều tra làm rõ các sai phạm liên quan hoạt động khám, chữa bệnh của nhiều phòng khám. Cụ thể là hành vi làm giả các loại giấy tờ nhằm giúp sức trục lợi BHXH, BHYT.
Liên quan đến sự việc này, ngày 31/5/2023, BHXH Việt Nam đã có thông tin. Theo đó, sự việc một số cơ sở khám, chữa bệnh tại TP Biên Hòa bán giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được BHXH tỉnh Đồng Nai phát hiện từ tháng 3/2023. Thời điểm này, BHXH tỉnh Đồng Nai đã tổ chức thanh tra, kiểm tra tại Phòng khám đa khoa Tân Long và một số doanh nghiệp, phát hiện nhiều sai phạm.
Ngày 14/5/2023, BHXH tỉnh Đồng Nai đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai theo Công văn số 556/BHXH-TTKT về việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra và bàn giao hồ sơ, tài liệu liên quan.
BHXH Việt Nam thông tin: Cán bộ ngành hoàn toàn không liên quan đến đường dây mua, cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Ngành BHXH Việt Nam ủng hộ cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh theo quy định đối với những trường hợp trục lợi quỹ BHXH, BHYT.