Mỹ dỡ bỏ một số rào cản với Ấn Độ

Phát biểu ý kiến tại một cuộc họp của giới kinh doanh và công nghiệp ở New Delhi, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà trắng Jake Sullivan tuyên bố Mỹ sẽ loại bỏ các rào cản thương mại với Ấn Độ trong những lĩnh vực quan trọng như quốc phòng và công nghệ cao.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) tiếp ông Jake Sullivan tại New Delhi. Ảnh: INDIAN EXPRESS
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) tiếp ông Jake Sullivan tại New Delhi. Ảnh: INDIAN EXPRESS

Thiết lập quan hệ đối tác chuỗi giá trị công nghệ

Ông Sullivan đang có mặt tại Ấn Độ để chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Narendra Modi tới Mỹ vào ngày 22/6 tới, sự kiện được đánh giá là cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương. Chuyến thăm được kỳ vọng tạo nền móng để loại bỏ các rào cản trong thương mại quốc phòng, công nghệ cao, đầu tư giữa hai nước.

Nhà trắng nêu rõ, bước đi nói trên liên quan những lĩnh vực như nghiên cứu và phát triển, công nghệ viễn thông 5G và 6G, chuỗi cung ứng chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán tiên tiến và công nghệ sinh học và “đặc biệt là loại bỏ các rào cản đối với thương mại chiến lược”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay, hai nước “khuyến khích các bên liên quan ở cả hai bên cố gắng thiết lập quan hệ đối tác chuỗi giá trị công nghệ, theo đó sẽ dẫn đến quá trình cùng phát triển và cùng sản xuất các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao ở cả hai nước”.

Trước đó, trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại New Delhi, hai bên đã ký kết lộ trình hợp tác công nghiệp quốc phòng, đồng thời tạo điều kiện tăng hợp tác giữa các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc phòng hai nước. Ấn Độ - nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới đang ngày càng đa dạng hóa các nguồn mua từ Mỹ, Pháp, Israel... New Delhi cũng muốn các nhà sản xuất quốc phòng toàn cầu hợp tác với các công ty Ấn Độ và sản xuất vũ khí cũng như thiết bị quân sự ở Ấn Độ để tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Kim ngạch thương mại tăng trưởng ấn tượng

Theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và Mỹ đã tăng gần 8% lên 128,55 tỷ USD trong năm tài chính 2022-2023 (bắt đầu từ ngày 1/4/2022 đến 31/3/2023), so 119,5 tỷ USD trong năm tài chính 2021-2022. Đà tăng trưởng trong thương mại song phương giữa Ấn Độ và Mỹ là rất đáng kể, đặc biệt khi xét trên thực tế chỉ đạt 80,51 tỷ USD trong năm tài chính 2020-2021. Số liệu cho thấy xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ tăng 2,81% lên 78,31 tỷ USD trong năm tài chính 2022-2023 so 76,18 tỷ USD trong năm tài chính 2021-2022, trong khi nhập khẩu tăng khoảng 16% lên 50,24 tỷ USD.

Giám đốc điều hành Cục Xúc tiến và tạo thuận lợi đầu tư quốc gia Ấn Độ, ông Deepak Bagla dự báo, Ấn Độ đang sẵn sàng vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Từ năm 2015 đến nay, Ấn Độ đã dẫn trước Brazil, Anh, Nga, Italy và Pháp về GDP. Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ năm tính theo GDP, ước đạt 3.500 tỷ USD.

Theo ông Bagla, Ấn Độ đang trải qua quá trình chuyển đổi chưa từng có trong lịch sử ở quy mô và tốc độ thử nghiệm trong tất cả các lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị trong khi vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh trước cũng như sau đại dịch Covid-19. Ấn Độ đã nhận được tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 950 tỷ USD kể từ năm 1947, trong đó 532 tỷ USD đã đến trong 90 tháng qua từ 162 quốc gia. Trong tám năm liên tiếp gần đây, Ấn Độ đã lập kỷ lục mới về FDI mỗi năm. Lượng vốn FDI nhận được bao quát 61 lĩnh vực ở 31 bang và vùng lãnh thổ liên bang. Đây là một kỷ lục toàn cầu, cho thấy sự tăng trưởng mới và toàn diện của Ấn Độ.