Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI (Provincial Green Index) là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh, như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. VCCI bắt đầu có ý tưởng về PGI vào cuối năm 2020 và tích hợp vào điều tra PCI nhằm khuyến khích các tỉnh, thành phố quan tâm hơn đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chỉ số PGI hướng tới thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam và đã nhận được những phản hồi tích cực.
Chỉ số PGI được tạo thành từ 44 chỉ tiêu đánh giá chất lượng môi trường và hiệu quả quản trị môi trường của các tỉnh, thành phố lập nên bốn chỉ số thành phần:
Đầu tiên là giảm ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cho doanh nghiệp. Trong đó đánh giá công tác cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ công có thể được coi là trách nhiệm cơ bản nhất của chính quyền cấp tỉnh. Trong bối cảnh rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, trách nhiệm của chính quyền địa phương ngày càng lớn hơn bởi họ được kỳ vọng sẽ giải quyết được nhu cầu về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp trong chuẩn bị, ứng phó, giảm thiểu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu như lũ lụt, nước biển dâng, hạn hán... đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai là bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu. Chỉ số thành phần này đo lường mức độ hiệu quả của việc giám sát và thực thi quy định môi trường do chính quyền cấp tỉnh thực hiện nhằm giảm thiểu các tác hại môi trường gây ra bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là một lĩnh vực quản lý của chính quyền địa phương, xuất hiện khi có sự ra đời chính thức của khu vực kinh tế tư nhân. Phạm vi của lĩnh vực quản lý này đã mở rộng hơn rất nhiều trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân chính thức tại Việt Nam phát triển nhanh chóng kể từ khi Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 2000. Hiện nay, hiệu quả của công tác quản lý môi trường càng trở nên cấp thiết trước các sự cố môi trường lớn xảy ra bởi vi phạm của doanh nghiệp, kéo theo sự quan tâm lớn hơn từ phía người dân.
Thứ ba là thúc đẩy thực hành xanh. Chỉ số này đo lường mức độ lồng ghép các mục tiêu môi trường vào trách nhiệm quản lý nhà nước rộng hơn của chính quyền tỉnh, cụ thể là chính quyền có lồng ghép các mục tiêu bảo vệ môi trường vào chính sách phát triển chung, vào hoạt động đấu thầu mua sắm công và các hoạt động hướng dẫn, phổ biến quy định pháp luật, các thực hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện “xanh hóa” quy trình hoạt động, mô hình kinh doanh sản xuất và hành vi của doanh nghiệp. Phát huy vai trò này của chính quyền tỉnh sẽ góp phần thúc đẩy, dẫn dắt các doanh nghiệp hàng đầu theo đuổi chiến lược để trở thành hình mẫu về bảo vệ môi trường. Vai trò này bao gồm việc hướng dẫn doanh nghiệp đưa ra các quyết định điều hành mà có thể đưa họ trở thành người đi đầu trong tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo, bền vững.
Thứ tư là chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Chỉ số này đánh giá các chính sách và dịch vụ hỗ trợ được chính quyền tỉnh áp dụng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp có các hành vi và quyết định tạo ra tác động môi trường tích cực. Thí dụ, chính quyền địa phương cung cấp cho doanh nghiệp những tư vấn về thủ tục xin cấp phép cho các dự án đầu tư có yếu tố bảo vệ môi trường, dịch vụ tập huấn, đào tạo kỹ năng cho người lao động để doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư có yếu tố bảo vệ môi trường sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt các dịch vụ xây dựng năng lực cho doanh nghiệp để xanh hóa hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh.
Hiện tại, do tính chất phức tạp trong việc xác định tầm quan trọng tương quan của các khía cạnh xã hội - chính trị và kinh tế từng chỉ số thành phần của bộ chỉ số PGI và sự đa chiều trong việc phát triển hệ sinh thái kinh doanh thân thiện môi trường, chỉ số PGI tổng hợp bốn chỉ số thành phần vẫn chưa hoàn thiện. Cụ thể, bốn chỉ số thành phần của PGI không có liên quan đáng kể với nhau. Một địa phương có thể có kết quả nổi trội ở mặt này song lại chưa làm tốt ở mặt khác. Vì vậy, nếu tính toán chỉ số PGI tổng hợp từ điểm số của từng chỉ số thành phần thì điểm chỉ số tổng hợp sẽ có độ biến thiên lớn, dẫn đến rất khó xác định địa phương nào đạt điểm cao.
Theo đánh giá của VCCI về mối liên hệ giữa điểm số PGI cao với tình trạng giảm ô nhiễm, thiên tai, việc xác định địa phương nào thật sự có chất lượng quản trị môi trường tốt hơn khá khó khăn bởi các yếu tố gây nhiễu. Một trong các yếu tố quan trọng là “hiệu ứng lan tỏa”. Thí dụ như các tỉnh có thể thiết kế và thực hiện các chính sách xuất sắc trên địa bàn tỉnh mình song không thể làm gì với những rủi ro về ô nhiễm và môi trường gây ra bởi các tỉnh lân cận. Các chất gây ô nhiễm có thể bị phát tán từ tỉnh này sang tỉnh khác theo gió và nước. Thảm họa môi trường có thể xảy ra ngoài dự đoán bởi các tỉnh lân cận, khó xử lý vi phạm diễn ra tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh như vùng rừng núi, sông suối hoặc các vùng tài nguyên chung...
Nhìn chung, phương pháp đo, thu thập dữ liệu và thiết lập một hệ thống đánh giá PGI tổng thể vẫn còn cần được thử nghiệm, hoàn thiện và phát triển. Trong tương lai, chỉ số PGI sẽ trở thành một công cụ hữu ích cho các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các cấp, đồng thời là một nguồn thông tin tham khảo tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.