Khám sức khỏe miễn phí cho người dân

180.000 người dân trên địa bàn huyện Mê Linh (Hà Nội) sẽ được khám sức khỏe miễn phí. Với việc được thăm khám và lập hồ sơ sức khỏe cũng như tư vấn y tế, Mê Linh là huyện được hỗ trợ đầu tiên. Sở Y tế Hà Nội cho biết, chương trình được triển khai từ nay đến cuối tháng 5, sau đó sẽ mở rộng ra các địa bàn khác.
0:00 / 0:00
0:00
Khám sức khỏe miễn phí cho người dân

Theo Sở Y tế Hà Nội, 5 nhóm người dân được khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, gồm trẻ em dưới 5 tuổi; học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; người cao tuổi, hưu trí; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước và lao động tự do. Hơn 400 y, bác sĩ từ 15 bệnh viện trung ương và Hà Nội sẽ lần lượt thăm khám và tư vấn sức khỏe. Chương trình có ý nghĩa nhân văn và thiết thực trong công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân.

Theo đó mỗi gói khám sức khỏe tổng thể có mức giá khoảng 145.000 đồng, không bao gồm xét nghiệm máu. Người dân được đo huyết áp, nhịp thở, thị lực; khám nội tổng quát như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần; khám cận lâm sàng đối với các trường hợp có chỉ định; siêu âm ổ bụng tổng quát. Sau khám, bác sĩ kết luận tình trạng sức khỏe từng người và nhập dữ liệu vào phần mềm; hướng dẫn người dân tải ứng dụng (app) theo dõi sức khỏe trên điện thoại thông minh. Đặc biệt, từ kết quả khám sàng lọc, nếu phát hiện trường hợp mắc bệnh nặng, sẽ tư vấn kỹ cho người bệnh, trường hợp cần chuyển tuyến, sẽ chủ động giúp đỡ, liên hệ với các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên để người bệnh yên tâm điều trị. Dữ liệu của Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh cho thấy, người dân được khám các bệnh liên quan đến huyết áp, nhịp thở, thị lực. Dự kiến đến ngày 31/5, huyện sẽ hoàn thành khám và thiết lập hồ sơ sức khỏe cho hơn 180.000 người dân, chiếm khoảng 75% dân số toàn huyện.

Theo điều tra dân số năm 2019, tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nội là 75,5, cao hơn mức chung của cả nước 1,9 tuổi, tăng 0,6 tuổi so với năm 2009. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, tuổi thọ trung bình là 76-76,5, cao hơn cả nước 2 tuổi. Kết luận tại Hội nghị đánh giá kết quả năm 2022 của Ban Chỉ đạo Chương trình 08-Ctr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” cho biết thành phố có 3 chỉ tiêu chưa hoàn thành kế hoạch năm 2022 và khó thực hiện gồm chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân; chỉ tiêu số bác sĩ/vạn dân và tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe.

Từ năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần cho toàn thể người dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân và đại dịch Covid-19, đến nay kế hoạch khám sức khỏe miễn phí mới được thực hiện. Để đạt được mục tiêu tỷ lệ giường bệnh/vạn dân và bác sĩ/vạn dân vào năm 2025, Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã đưa ra các giải pháp về chuẩn bị dự án trên địa bàn - đặc biệt với sáu bệnh viện mới được khởi công xây dựng. Dự kiến bệnh viện thấp nhất là 250 giường, bệnh viện nhiều nhất là 500 giường. Trong số này có bệnh viện lấy nguồn từ ngân sách thành phố, có bệnh viện lấy vốn từ nguồn xã hội hóa trên quỹ đất dành cho y tế của thành phố.