Đây là phán quyết mới nhất liên quan vụ kiện của Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đối với tập đoàn Apple từ năm 2017. Theo Reuters, giới chức Pháp cáo buộc rằng, “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ đã áp giá đối với các công ty khởi nghiệp của Pháp muốn bán ứng dụng của mình trên nền tảng của Apple. Đơn khiếu nại cũng nêu rõ, Apple đã lấy dữ liệu từ các nhà phát triển này và có thể đơn phương sửa đổi hợp đồng đã ký kết. Tổng cộng đã có khoảng 11 đơn khiếu nại liên quan nhiều cáo buộc khác nhau của các nguyên đơn.
Phán quyết vừa qua của tòa án công nhận rằng, những cáo buộc trên là có căn cứ và việc làm của Apple đã khiến cho các nhà phát triển ứng dụng Pháp không thể thương lượng lại các điều khoản trong hợp đồng, cũng không thể phản đối nếu Apple đơn phương đình chỉ ứng dụng của họ. Điều này gây ra tình trạng bất công và không phù hợp với các luật cạnh tranh cũng như quy định pháp lý của Pháp. Tuy nhiên, tòa án cũng bác bỏ năm trong số 11 đơn khiếu nại, trong đó các thẩm phán đã cho rằng, những cáo buộc liên quan việc Apple sử dụng độc quyền hệ thống thanh toán hoặc thu lời từ khoản hoa hồng 30% của các nhà phát triển là “không quá đáng”.
Trước đó, các điều khoản này của Apple đã từng gây tranh cãi giữa các nhà phát triển với hãng, song nay được công nhận là quy định phổ biến trong cả hai hình thức thương mại truyền thống và trực tuyến. Tuy nhiên, tòa án đã yêu cầu hãng này phải điều chỉnh hợp đồng với các đối tác trên toàn châu Âu vì lợi ích chung của các nhà phát triển ứng dụng và tuân thủ các quy định hiện hành về thị trường thông tin kỹ thuật số của EU.
Đây cũng không phải là lần đầu tập đoàn công nghệ Apple đối mặt một án phạt nặng ở Pháp. Trước đó, vào tháng 3/2020, Cơ quan Giám sát cạnh tranh của Pháp từng phạt “đại gia” công nghệ của Mỹ khoản tiền phạt kỷ lục lên tới 1,1 tỷ euro. Apple đã bị cáo buộc chèn ép các nhà bán lẻ độc lập để tạo lợi thế cho các cửa hàng bán lẻ (Apple store) của riêng hãng này. Sau đó, tòa phúc thẩm hồi đầu tháng 10 vừa qua đã bác bỏ một trong ba khiếu nại và giảm án phạt đối với Apple xuống còn 372 triệu euro.
Quốc gia châu Âu trong những năm qua đã liên tục có các động thái pháp lý nhằm phản đối các hành vi cạnh tranh và kinh doanh “không lành mạnh”. Từ một vụ kiện ở Pháp năm 2012, “trái táo cắn dở” từng bị phạt 48,5 triệu euro do vi phạm chống độc quyền và 25 triệu euro vì can thiệp bất thường vào các điện thoại dòng iPhone cũ. Apple đã phải sửa chữa nhiều điều khoản sử dụng dịch vụ trên các trang web tiếng Pháp liên quan vụ việc này. Bên cạnh các động thái từ phía giới chức, vào năm 2018, người tiêu dùng Pháp đã tập trung trước hàng loạt cửa hàng Apple store để yêu cầu công ty sản xuất các sản phẩm iPhone, iPad, iPod và MacBook trả 500 triệu euro nợ thuế của Pháp.
Dù đối mặt một số án phạt nặng lên tới hàng tỷ USD, song theo thống kê, số tiền phạt 1,06 triệu USD vừa qua là một khoản không lớn đối với một công ty có quy mô như Apple. Theo Bloomberg, cứ mỗi phút đại gia công nghệ này lại thu về lợi nhuận là 105.116 USD.
Trên thế giới hiện nay, ngày càng có nhiều nước siết chặt các quy định pháp lý và luật cạnh tranh nhằm vào các “gã khổng lồ” công nghệ hay tập đoàn đa quốc gia. Đặc biệt, EU đã đạt thỏa thuận mới về quản lý các công ty công nghệ cho phép nếu các hãng không tuân thủ quy định, Ủy ban châu Âu (EC) có thể áp mức phạt lên tới 10% tổng thu nhập toàn cầu. Việc áp dụng các quy định mới cũng buộc các công ty như Apple phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ hơn, cũng như phát triển thị trường năng động và cạnh tranh hơn.