Thách thức trong phát triển y tế thông minh

Mục tiêu xây dựng ngành y tế bắt kịp công nghệ 4.0 của TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh hạ tầng thiếu đồng bộ, nhân lực hạn chế, dữ liệu không tương thích... Trong đó, nhiều bệnh viện vẫn gặp khó trong quá trình phát triển hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT).
0:00 / 0:00
0:00
Các bệnh viện đang có nhiều nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Ảnh: HẢI NAM
Các bệnh viện đang có nhiều nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Ảnh: HẢI NAM

Khó khăn “bủa vây”

Sau giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh đối mặt nhiều khó khăn, trong đó có việc phát triển CNTT. Đơn cử, Bệnh viện Trưng Vương (quận 10) là một trong những cơ sở y tế đi tiên phong trong triển khai ứng dụng CNTT từ năm 2004. Thế nhưng, theo ghi nhận thực tế, đến nay hầu hết máy móc, thiết bị đã xuống cấp, lỗi thời, hư hỏng không còn phù hợp với giai đoạn chuyển mình của công nghệ số. Phó Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương Huỳnh Ngọc Hớn cho hay, các máy chủ và thiết bị lưu trữ tại bệnh viện hiện nay đều đã hết khấu hao, nhiều máy hư hỏng phải sửa chữa hoặc thay mới. Trang thiết bị mới và cũ không đồng bộ khiến hệ thống phân mảnh, không phát huy hết tài nguyên từng thiết bị. Nhân viên kỹ thuật phòng CNTT của bệnh viện hiện nay chỉ loay hoay sửa chữa, không có nhiều thời gian cho việc xây dựng và phát triển các phần mềm ứng dụng.

Trong khi đó, Bệnh viện Hùng Vương là đơn vị có nền tảng CNTT được đánh giá cao trong hệ thống y tế của TP Hồ Chí Minh, nhưng thực tế đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo PGS, TS, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, ngoài hệ thống phần mềm và các trang thiết bị y tế cũ không tương thích, tình hình tài chính khó khăn cũng khiến bệnh viện không thể đầu tư đồng bộ. Còn nhân sự chuyên trách lĩnh vực CNTT trình độ cao hiện nay rất khó tuyển dụng vì mức thu nhập của bệnh viện quá thấp so với bên ngoài.

Điều đáng nói, dự án phát triển hệ thống an ninh mạng và WiFi cho bệnh viện vẫn chưa hoàn thành. Đây là trăn trở suốt ba năm qua nhưng chưa giải quyết được. “Nguyên nhân là khi thành lập dự án gửi qua các cơ quan liên quan, đến khi nhận được quyết định cho phép thì máy móc lỗi thời. CNTT là ngành phát triển nhanh, nếu đi chậm thì kỹ thuật sẽ trở nên lạc hậu, tiếp tục làm thì lại lãng phí. Không có hạ tầng CNTT thì không thể làm gì được”, bác sĩ Tuyết trăn trở.

Ông Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế mấy năm qua, việc đầu tư ứng dụng CNTT, hướng tới y tế thông minh (YTTM) ở các đơn vị không giống nhau, điều này khiến cho công tác quản lý của Sở Y tế gặp nhiều khó khăn. Do vậy, thành phố cần có những chính sách, cơ chế đặc thù để phát triển YTTM.

Còn theo đại biểu HĐND thành phố Tăng Hữu Phong, hiện có sự chênh lệch giữa các bệnh viện trong thực hiện đề án YTTM. Việc phê duyệt đề án ở các bệnh viện còn chậm, thiếu đồng bộ dẫn đến tổ chức triển khai thực hiện, mua sắm trang thiết bị máy móc không tương thích. Mặt khác, việc dịch chuyển về nguồn nhân lực và yêu cầu nhân lực để thực hiện đề án này tại từng bệnh viện cũng gặp nhiều khó khăn và thiếu; dữ liệu tại nhiều bệnh viện hiện nay không tương thích với nhau, thậm chí đơn lẻ ở từng bệnh viện; đường truyền cũng rất chậm trong sử dụng hệ thống dữ liệu…

Thừa nhận đang có nhiều rào cản trong việc phát triển YTTM, TS, BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thẳng thắn cho biết, ngành y tế thành phố đang đối mặt với rất nhiều khó khăn bủa vây. Theo đó, hạ tầng công nghệ không tương thích với phạm vi và quy mô triển khai ứng dụng là thách thức lớn nhất các bệnh viện đang gặp phải khi triển khai ứng dụng CNTT trong thời gian qua; và việc thiếu tính chuyên nghiệp trong tư vấn cho các dự án phát triển hạ tầng công nghệ của bệnh viện là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên.

Đặc biệt, thách thức lớn hơn khi muốn đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các bệnh viện chính là nguồn nhân lực chuyên trách. Hầu hết dự án tại bệnh viện do các công ty phần mềm thực hiện nhưng không phải tất cả chuyên gia của các công ty đều am hiểu những quy trình hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành y tế. Ngoài ra, đến nay các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có được “ngôn ngữ chung” khi xây dựng các phần mềm ứng dụng.

Cũng theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, rào cản nữa là tỷ lệ người dân quan tâm và sử dụng các tiện ích chuyển đổi của ngành y tế còn rất thấp. Điều này đã kéo dài thời gian duy trì đồng bộ cả hệ thống số và hệ thống giấy tại các cơ sở y tế, tác động không nhỏ đến mục tiêu và lộ trình thực hiện chuyển đổi số của ngành y tế, chưa kể đến tác động lên sức lao động của nhân viên y tế.

Thách thức trong phát triển y tế thông minh ảnh 1

TP Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai hệ thống y tế thông minh.

Ảnh: KIÊN SƠN

Bài toán hóc búa

Những năm qua, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã triển khai ứng dụng CNTT trong nhiều hoạt động, hướng đến YTTM. Trong đó, Sở Y tế đã triển khai xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân với mục tiêu tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử. Hiện đã tạo lập được hơn 5.000 hồ sơ. Dự kiến, đến năm 2025, mỗi người dân thành phố đều có hồ sơ sức khỏe điện tử.

Đối với các bệnh viện, đến nay có 22/25 bệnh viện đã trang bị phần mềm quản lý bệnh viện (HIS); 53/55 bệnh viện triển khai hệ thống thông tin phòng xét nghiệm (LIS); 36/55 bệnh viện triển khai hệ thống thông tin chẩn đoán hình ảnh (RIS); 11/53 bệnh viện có hệ thống thông tin lưu trữ và thu nhận hình ảnh (PACS) và 41/55 bệnh viện đã xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử. Ngoài ra, hiện đã có 22/28 bệnh viện hạng 1 bảo đảm triển khai bệnh án điện tử trong năm 2023 theo đúng lộ trình của Bộ Y tế. Song song đó, các bệnh viện đều chú trọng ứng dụng CNTT, tăng thêm các tiện ích cho người bệnh, như ứng dụng tra cứu nơi khám, chữa bệnh, ứng dụng “Y tế trực tuyến”, thanh toán không dùng tiền mặt, đặt lịch khám trực tuyến… Tuy vậy, hiện nay, các cơ sở y tế triển khai công nghệ không đồng đều nhau, có nơi chỉ ứng dụng rất đơn giản.

Trước những thách thức trong việc phát triển YTTM, Chủ tịch Hội Y tế công cộng thành phố Lê Trường Giang cho rằng, trong giai đoạn còn nhiều khó khăn như hiện nay thì phương án đi thuê là giải pháp cần tính đến. Phương án này vừa tiết kiệm chi phí vừa tránh được tình trạng nhanh chóng lạc hậu của các thiết bị công nghệ, đồng thời, các công ty cung cấp dịch vụ có trách nhiệm bảo đảm nhân sự vận hành, bảo mật, an ninh, an toàn của dữ liệu và toàn bộ hệ thống lưu trữ.

Cùng quan điểm, theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Võ Thị Trung Trinh, phương án thuê dịch vụ CNTT tại các bệnh viện sẽ giải quyết được các khó khăn trước mắt về tư vấn, nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin cho ngành y tế.

Thêm vào đó, PGS, TS, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết kiến nghị cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, có tích hợp CNTT trong cơ cấu giá; cơ chế mua sắm, thuê mướn đối với CNTT cần rõ ràng và chi tiết; điều chỉnh chế độ lương, đãi ngộ cho nhân viên CNTT làm việc tại các bệnh viện để thu hút nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển YTTM.

Để phát triển YTTM theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra, theo Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND thành phố Cao Thanh Bình, ngành y tế cần xem xét lại việc người dân hưởng ứng, sử dụng như thế nào các ứng dụng CNTT đã triển khai, trong đó chú trọng đến tần suất sử dụng, tính hiệu quả của các ứng dụng. Đồng thời, tổng hợp đánh giá nguồn lực (từ ngân sách, của các đơn vị, hợp tác công - tư) để làm sao tất cả các cơ sở y tế đều hưởng ứng, tạo ra sự đồng bộ trong phát triển YTTM với mục tiêu người dân dù khám bệnh ở đâu cũng có thể tích hợp, liên kết được. “Trước mắt, cần nghiên cứu vấn đề liên thông giữa các bệnh viện, ban đầu thử nghiệm liên kết ở một vài bệnh viện, sau đó mở rộng ra toàn thành phố”, ông Bình gợi ý.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 129 bệnh viện (công lập và tư nhân), 22 trung tâm y tế, 310 trạm y tế, 6.967 phòng khám tư nhân, 39 trạm cấp cứu vệ tinh sẽ đầu tư phát triển, đồng bộ hóa CNTT để kết nối, liên thông dữ liệu phục vụ người bệnh. Theo đề án YTTM, mục tiêu đề ra cụ thể là tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử của mỗi người dân, bảo đảm kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu lớn và tuân thủ khung kiến trúc chính quyền điện tử thành phố; bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành y tế; xây dựng hệ thống điều hành thông tin mạng lưới các trạm cấp cứu ngoài bệnh viện…