Giải pháp cho bài toán thiếu giáo viên

Đã sắp hết học kỳ I của năm học 2022-2023 nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn xảy ra tại nhiều địa phương và các cấp học. Đặc biệt, cho dù được giao chỉ tiêu nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn rất khó tuyển dụng. Bên cạnh đó, là tình trạng giáo viên xin nghỉ việc…
0:00 / 0:00
0:00
Bậc tiểu học đang thiếu nhiều giáo viên. Ảnh: MINH KHIẾU
Bậc tiểu học đang thiếu nhiều giáo viên. Ảnh: MINH KHIẾU

Vấn đề nan giải của nhiều địa phương

Trong năm học này, TP Hà Nội dự kiến sẽ bổ sung 2.361 biên chế viên chức giáo viên, trong đó có 600 giáo viên tiểu học, 1.309 giáo viên THCS, 452 giáo viên THPT. Ngay trong tháng 11/2022, Hà Nội đang thông báo tuyển dụng 452 biên chế giáo viên. Theo đó, sẽ ưu tiên những khu vực “nóng” với dân số tăng đáng kể.

Đơn cử, năm học 2022-2023, quận Hoàng Mai có số học sinh tăng gần 3.800 so với năm ngoái. Nếu bảo đảm đúng quy định về số học sinh/lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Hoàng Mai hiện còn thiếu 36 trường (mầm non 22 trường, tiểu học 13 trường, THCS 1 trường). Trong khi đó, nếu so với chỉ tiêu biên chế được giao năm 2022 thì toàn quận thiếu 214 người (169 giáo viên, 45 nhân viên). Nếu so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Hoàng Mai còn thiếu 951 người, trong đó thiếu 790 giáo viên và 161 nhân viên.

Theo UBND thành phố Hà Nội, năm học 2022-2023, số viên chức ngành giáo dục còn thiếu so với định mức là 3.131. Như vậy hiện thành phố thiếu 10.265 biên chế viên chức, trong đó số giáo viên thiếu của bậc tiểu học là 3.436 người, bậc THCS là 3.135 người, bậc THPT là 1.311 người. Còn theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2022-2023, các bậc học từ mầm non đến THPT đã tuyển mới được 3.244 giáo viên, tuy nhiên, toàn thành phố vẫn còn thiếu 5.939 giáo viên theo biên chế.

Hiện tại, TP Hồ Chí Minh cũng đang tuyển dụng giáo viên đợt 2 và Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện đang chật vật tuyển dụng, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên tiếng Anh, Tin học ở bậc tiểu học; giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ ở bậc THCS. TP Thủ Đức là địa phương tổ chức tuyển dụng đợt 2 sớm nhất. Chỉ tiêu tuyển 1.237 viên chức, trong đó có 1.000 giáo viên. Tuy nhiên, đã hết hạn nộp hồ sơ nhưng chỉ có khoảng 400 ứng cử viên ứng tuyển.

Khó khăn trong thiếu giáo viên nhưng TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương vẫn phải thực hiện giảm biên chế, đây là nghịch lý khiến ngành giáo dục gặp thêm sức ép. Tại buổi khảo sát về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2022 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh mới đây, ông Nguyễn Hải Hiệu, đại diện Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, nhận định, chỉ tính riêng số học sinh TP Hồ Chí Minh năm học 2022-2023 là hơn 1,6 triệu học sinh. Học sinh ngày càng tăng nhưng phải giảm biên chế sự nghiệp giáo dục là không hợp lý. “Năm học 2022-2023, toàn thành phố có hơn 1,6 triệu học sinh, lớn hơn dân số của một tỉnh, thành phố đòi hỏi nguồn lực cơ sở vật chất phải mở rộng. Trước thực tế đó, các cấp quản lý cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho địa phương”, ông Hiệu nói.

Thiếu giáo viên đang là vấn đề nan giải của nhiều địa phương. Ngoài chuyện khó tuyển dụng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu giáo viên. Đó là do tăng quy mô học sinh, chuẩn sĩ số học sinh trên lớp giảm so với trước đây. Nhưng có một nguyên nhân lớn là ngành giáo dục cũng như các ngành khác đang phải bảo đảm tinh giản 10% biên chế. Thế là vốn đã thiếu, giờ lại càng thiếu hơn.

Theo quy định, đến năm 2026, các địa phương phải tinh giản 10% biên chế. Giáo dục là ngành có số lượng lớn biên chế, vì đặc thù nhiều trường lớp. Một số địa phương của Hà Giang đành làm cách này: dùng số biên chế được giao mới mỗi năm để dành cho việc tinh giản biên chế theo yêu cầu.

Thời gian gần đây, việc giáo viên xin nghỉ việc tiếp tục gây áp lực lên ngành giáo dục. Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Lý do là quá áp lực nên nhiều giáo viên muốn rời bục giảng.

Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, từ năm học 2021-2022, khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu áp dụng với lớp 6, tình trạng thiếu giáo viên của trường thêm trầm trọng vì có thêm các môn học, hoạt động mới. Với chương trình này, giáo viên Toán phải dạy cả Tin học, giáo viên Văn dạy nội dung giáo dục địa phương hay hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Việc thiếu giáo viên khiến nhà trường phải chịu áp lực nhiều phía, vừa vận động, thuyết phục để giáo viên dạy quá tiết theo quy định, có trường hợp phải dạy hơn 20 tiết/tuần (trong khi quy định nhiều nhất là 18-19 tiết/tuần), vừa phải lo bảo đảm chất lượng.

“Nếu lâu dài phải dạy hết các phân môn trong môn tích hợp thì có lẽ tôi sẽ xin nghỉ việc. Nếu yêu cầu giáo viên Lịch sử phải dạy cả Địa lý thì không chỉ gây áp lực cho giáo viên mà còn là coi nhẹ chất lượng giáo dục. Không thể chỉ bồi dưỡng ba - bốn tháng là có thể dạy thêm được một môn học!”, một giáo viên chia sẻ.

Khó triển khai đào tạo ngành sư phạm theo đơn đặt hàng

Một trong những nguyên nhân khiến các trường khó tuyển giáo viên là do thu nhập rất thấp, nhất là giáo viên mới ra trường, nên họ không tham gia dự tuyển. Như bậc mầm non, sau đại dịch Covid-19, nhiều giáo viên đã chuyển công tác sang trường tư để có thu nhập cao hơn.

Thực tế, các trường đang thiếu nhiều giáo viên tiếng Anh, lý do là giáo viên thường “né” cấp tiểu học dù trường có biên chế, vì thời gian dạy không linh động như các cấp học khác, chưa kể dạy tiểu học đòi hỏi có bằng đại học sư phạm, trong khi với trình độ này, dạy ở bên ngoài có thu nhập cao hơn rất nhiều.

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nhiều sinh viên ra trường không “mặn mà” với việc đi dạy, một phần do thu nhập thấp, chưa thu hút. Đặc biệt, ngành Tin học và tiếng Anh là hai ngành rất khó tuyển giáo viên dù hằng năm trường vẫn đào tạo nhưng sau khi ra trường thì ngoài đi dạy, các em có nhiều cơ hội việc làm khác với mức lương cao hơn. Mỗi năm, trường chỉ đào tạo khoảng 40 chỉ tiêu ngành Sư phạm ngoại ngữ và 30 chỉ tiêu Sư phạm tin học nhưng chưa chắc khi ra trường các em sẽ làm giáo viên”.

Trong khi đó, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều văn bản hướng dẫn phương thức đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội, nhưng đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa triển khai.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022. Một trong những điểm nhấn của Nghị định này là cho phép đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động này vẫn “án binh bất động” ở nhiều địa phương.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Tân cho hay, Sở đã xây dựng đề án về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng giáo viên; trong đó có đề cập cơ chế đặt hàng, đấu thầu với các trường sư phạm để đào tạo đội ngũ giáo viên cho địa phương. Đề án đã được lãnh đạo tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, việc triển khai chưa được tiến hành.

Theo ông Tân, do đội ngũ giáo viên vẫn còn dôi dư khá nhiều nên địa phương sẽ sắp xếp lại để hạn chế thấp nhất tình trạng thừa thiếu cục bộ. Mặt khác, số giáo sinh đã tốt nghiệp từ các trường sư phạm vẫn còn, ước tính khoảng 1.000 người; trong khi đó số này vẫn chưa xin được việc làm hoặc nếu có thì làm việc theo diện hợp đồng ngắn hạn. Để tránh lãng phí nguồn nhân lực, tỉnh chủ trương tận dụng đội ngũ này trong một vài năm tới bằng cách tuyển dụng hoặc thực hiện cơ chế hợp đồng.

Chia sẻ về khó khăn dẫn đến việc địa phương chưa thể “đặt hàng” đào tạo giáo viên, ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định nêu lý do địa phương chưa tự cân đối ngân sách để có thể thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường sư phạm. Ông Hùng phân tích, với những sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng sẽ được Nhà nước chi trả phí đào tạo. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các em sẽ trở thành giáo viên sau khi ra trường. Tức là, các em vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục.

Theo đó, các em có thể trúng tuyển hoặc không trúng tuyển; trong khi Nghị định 116 và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ “Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức” không có bất cứ điều khoản nào quy định chế độ tuyển dụng đặc cách với những sinh viên sư phạm tốt nghiệp bằng phương thức đào tạo đặt hàng. “Đầu vào” và “đầu ra” vẫn chưa tương thích nên chưa có tiếng nói chung. Đây cũng là lý do việc triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên vẫn còn khó khăn, ông Hùng chia sẻ.

Còn ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng trao đổi, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên của địa phương là vấn đề kinh phí. Bởi nếu đấu thầu hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên hằng năm sẽ chiếm một phần ngân sách không nhỏ của tỉnh; trong khi địa phương vẫn cần dành nhiều nguồn lực để ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực khác.

Thứ nữa, số giáo sinh đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm còn nhiều nên địa phương sẽ có chính sách tuyển dụng đội ngũ này. Mặt khác, tỉnh sẽ sắp xếp, bố trí, điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu để bảo đảm đủ đội ngũ khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thực tế cho thấy, năm 2021 một số địa phương đã đăng ký nhu cầu để Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định chỉ tiêu nhưng không triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ trong việc đào tạo giáo viên. Nguyên nhân chủ yếu là khó khăn về kinh phí. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa tính toán cân đối, đồng bộ giữa nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên và tuyển dụng.

Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/1 hằng năm và công khai trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương và nhu cầu xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định và thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện tuyển sinh.

Theo PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ngoài yếu tố kinh phí thì mấu chốt của vấn đề là cơ chế việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tức là, với những giáo sinh thuộc diện đặt hàng của địa phương, địa phương cần có trách nhiệm phân công, sắp xếp công việc cho người tốt nghiệp theo cam kết. “Việc tuyển người đi học theo diện này phải được công khai, minh bạch và có giám sát của HĐND, MTTQ các cấp nhằm loại bỏ những trường hợp thân quen, gửi gắm hoặc “chạy chọt” từ lúc vào học đến khi ra trường đi làm. Bởi nếu không cẩn trọng và để xảy ra những sai sót trong quá trình này sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường”, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

Giải pháp cho bài toán thiếu giáo viên ảnh 1

Tri ân thầy, cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: ANH QUÂN

Giải pháp cấp bách

Mới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu ý kiến giải trình tại QH về một số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Bộ trưởng cho biết, theo các con số mà ngành đã công bố, từ nay đến năm 2026, cả nước thiếu khoảng 107 nghìn giáo viên. Chỉ tiêu được duyệt bổ sung là hơn 65 nghìn. Con số 107 nghìn giáo viên là ngành giáo dục tính theo thực tế. Tức là, các vùng miền núi, các điểm trường xa có thể có các lớp học không theo chuẩn. Tại khu vực này, số học sinh sẽ ít hơn, có lớp chỉ có 5-7 học sinh. Tuy nhiên, vẫn phải duy trì các điểm trường theo tinh thần: ở đâu có học trò, ở đó có giáo viên.

Theo Bộ trưởng, một trong những khâu cần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên là rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Hai năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo và thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục thực hiện vì việc rà soát, sắp xếp ở mỗi tỉnh, mỗi địa phương còn khác nhau.

Kết quả sơ kết năm 2021 cho thấy, có địa phương đã làm tốt nhưng vẫn còn một số địa phương làm chưa hiệu quả. Bộ trưởng đề nghị, trong quá trình rà soát, sắp xếp, các địa phương không nên thực hiện máy móc, cứng nhắc. Cần linh hoạt, không vì sắp xếp giảm điểm trường. Cần lấy mục tiêu bảo đảm điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh và môi trường thuận lợi nhất cho các giáo viên thực hiện nhiệm vụ của mình.

Bộ trưởng nhấn mạnh, một trong những giải pháp là: vừa khẩn trương tuyển số cũ, vừa tích cực tuyển theo chỉ tiêu mới. Ngoài ra, theo Luật Giáo dục năm 2019, chúng ta muốn nâng chuẩn giáo viên. Số giáo viên theo chuẩn cũ được đào tạo từ trường cao đẳng chưa đáp ứng được yêu cầu theo chuẩn mới. Lộ trình từ nay đến năm 2030 phải hoàn tất việc bồi dưỡng, nâng chuẩn cho giáo viên.

Vì thế, nhiều địa phương mong muốn, có thể giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất: tạm thời tuyển số lượng giáo viên theo chuẩn cũ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc bồi dưỡng để đến năm 2030 số này có thể đạt chuẩn. Đến thời điểm đó, nếu những trường hợp này chưa đạt chuẩn sẽ phải chấp nhận không tham gia đội ngũ giáo viên. “Đây cũng được xem là giải pháp cho vấn đề nguồn tuyển”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Để có được nguồn tuyển tốt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tính đến nhiều giải pháp như: nâng cao năng lực các trường đại học sư phạm, nâng chỉ tiêu đào tạo, đặc biệt là ngành đào tạo các môn học mới để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Trong hai năm qua, số học sinh vào học các trường đại học sư phạm cũng đã tăng lên đáng kể.

Trong quá trình triển khai Nghị định 116 về đặt hàng các cơ sở đào tạo giáo viên vẫn còn vướng mắc. Có thực trạng là, nhiều địa phương không dám đặt hàng, với nhiều lý do khác nhau. Bộ đang tiến hành rà soát các nội dung liên quan đến Nghị định 116, tạo điều kiện để các địa phương có thể triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên.

Về giải pháp để ngăn, giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, bỏ việc; Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách liên quan đến nhà giáo. Trong đó, vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi, nhất là đối với giáo viên mầm non, tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách. Một điểm quan trọng nữa là, cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên. Đặc biệt, về phía xã hội, phụ huynh, học sinh có sự chia sẻ, đồng hành với giáo viên. Sự chia sẻ này cũng là tốt cho học sinh.

Lương của nhà giáo cần được ưu tiên xếp cao nhất

“Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để nâng cao vị thế, thu nhập của nhà giáo như: xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về chế độ làm việc, vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, tuổi nghỉ hưu của nữ giáo viên mầm non... phù hợp với đặc thù lao động của nhà giáo.

Thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng; tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác”, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu kiến nghị.