Sắc áo công an giúp đổi thay nơi biên giới

Với hơn 87,4km đường biên tiếp giáp với Trung Quốc, Bát Xát là huyện có đường biên giới dài nhất so các huyện khác ở Lào Cai. Với vị trí địa lý nói trên, đây được coi là địa bàn chiến lược, trọng điểm về an ninh và trật tự xã hội. Theo Kế hoạch số 314 ngày 26/7/2021 của Bộ Công an về điều động cán bộ đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ về công tác tại các xã biên giới, bảy chiến sĩ đã lên đường lên đây và góp phần vào những thay đổi tích cực cho khu vực vùng biên.
0:00 / 0:00
0:00
Công an xã Y Tý tham gia thực nghiệm hiện trường một vụ án xảy ra trên địa bàn xã. Ảnh: HOÀNG VIỆT
Công an xã Y Tý tham gia thực nghiệm hiện trường một vụ án xảy ra trên địa bàn xã. Ảnh: HOÀNG VIỆT

Xông pha tuổi trẻ

Thượng úy Nguyễn Công Khanh từng công tác tại Nhà xuất bản Công an nhân dân (NXB CAND), thuộc Cục Truyền thông CAND trước khi đi tăng cường tại xã A Mú Sung, huyện Bát Xát vào tháng 10/2021. Khi còn ở NXB CAND, công việc chính của anh là soạn, biên tập tin bài, tài liệu sách vở hay làm dự án sách điện tử của Bộ Công an. Chưa từng có nghiệp vụ của công an xã, song anh sẵn sàng lên đường đến xã vùng cao khi Bộ có kế hoạch tăng cường công an chính quy về các khu vực biên giới trọng điểm về an ninh, trật tự xã hội. “Anh em trên Bộ về các xã đợt này hầu hết chưa từng kinh qua những công việc của công an xã”, anh Khanh cho biết.

Dù vậy, việc đảm nhiệm một vai trò mới tại khu vực biên giới khó khăn đã đem đến cho anh Khanh cùng các đồng đội những trải nghiệm khó quên. Anh kể: “Có lần giữa đêm, một đồng đội đi trinh sát, báo tin có đánh bạc. Hai anh em đang trực ở cơ sở vội vàng đi gần chục cây số xuống điểm. Giữa đêm tối, chỉ nghe tiếng rít rít ở má phanh của chiếc xe máy Wave cũ kỹ. Lòng thấp thỏm chỉ sợ mấy con bạc nghe thấy chạy mất thì anh em công toi. Gần đến nơi, hai anh em cuốc bộ đi vào rồi leo lên quả đồi. Hồi xưa cứ bảo học mấy cái thế bò, trườn với đi khom để làm gì? Thì giờ biết rồi, hai người đi khom tránh từng ánh đèn nhờ nhờ hiu hắt từ phía cái lán của mấy con bạc trên đỉnh đồi. Khi còn cách lán 50m, anh em quyết định cởi giày đi chân đất cho “lặng lẽ” rồi ập vào, bắt gặp gần chục người đang khoanh chân xóc đĩa... Xử lý xong, anh em lại cuốc bộ đi tìm xe máy”. Khanh chia sẻ, mới đầu cũng bỡ ngỡ lắm, nhưng công việc tự dưng cứ đến, vì vậy cứ thế mà làm, chẳng nghĩ ngợi gì thêm.

Cũng như anh Khanh, Thượng úy Lê Hoàng Việt và Thượng úy Vũ Xuân Quý từng công tác tại Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và Cục An ninh kinh tế của Bộ Công an trước khi về xã Y Tý và xã Bản Vược (huyện Bát Xát). Anh Việt vừa lập gia đình vài năm, con còn nhỏ, trong khi anh Quý hoãn kế hoạch lập gia đình để tự nguyện về cơ sở theo kế hoạch của Bộ, với mong muốn tăng cường vai trò công an xã tại vùng biên giới. “Việc nước trước, việc nhà sau”, là châm ngôn của các chiến sĩ lên đường lần này.

Chia sẻ về cảm xúc khi được điều động đến cơ sở, nơi mọi sinh hoạt của người dân đều theo “giờ mặt trời”, Thượng úy Việt cho biết: “Cũng hơi buồn khi phải xa gia đình, nhất là khi con còn nhỏ, đang trong độ tuổi quấn bố, mẹ. Nhưng công việc tại đây giúp mình cảm thấy trưởng thành nhiều, có thêm nhiều kinh nghiệm trong sự nghiệp phụng sự nhân dân”. Ngoài công việc của công an xã Y Tý, đồng chí Việt hiện đảm nhiệm việc triển khai “Đề án 06” của Bộ Công an về ứng dụng khoa học-công nghệ trong công tác quản lý dân cư. Đề án nhằm phát triển dữ liệu dân cư, định danh điện tử, tiến tới chính phủ số hóa. Đây được cho là một công việc “hóc búa” tại khu vực này khi phần lớn người dân thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, ít tiếp xúc với công nghệ thông tin.

Không chỉ gặp khó khăn trong triển khai các đề án về công nghệ, anh Quý tâm sự từng gặp rất nhiều tình huống “không biết giải quyết thế nào”. “Thí dụ, nhiều lần người dân vi phạm giao thông, mình phải xử phạt theo quy định. Nhưng nghe họ trình bày lại không nỡ. Có người ở tận trong bản, đi 20km xuống thị trấn, trong người chỉ mang đúng 21 nghìn đồng, đủ mua chai nước mắm mà vi phạm. Tiền đâu mà đóng phạt. Tội quá, chính mình lại đi đóng hộ phạt cho họ. Rồi có lần, hai vợ chồng nhà kia cãi nhau. Chồng đánh vợ, không cho ở nhà. Công an xã xuống giải quyết. Nửa đêm, mình phải đưa chị vợ ra… nhà nghỉ ngủ tạm”.

Sắc áo công an giúp đổi thay nơi biên giới ảnh 1

Công an xã Y Tý phối hợp lực lượng chức năng và người dân tham gia công tác xã hội. Ảnh: HOÀNG VIỆT

Nâng cao vai trò công an tại cơ sở

Theo Trung tá Vũ Tuấn Tùng, Phó trưởng Công an huyện Bát Xát, Bát Xát là khu vực địa lý chiến lược khi có đường biên tiếp giáp Trung Quốc dài nhất so các huyện khác ở Lào Cai. Vì vậy, đây được coi là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. Không chỉ vậy, đồng bào dân tộc thiểu số tại đây chiếm tới 85% dân số trong khi người Kinh chỉ chiếm 15%. Những điểm đặc biệt này tạo ra không ít khó khăn cho các chiến sĩ từ cấp bộ được điều động đến đây. “Phải ăn cùng dân, làm cùng dân và ở cùng dân, hòa đồng cùng dân là những thách thức đối với các chiến sĩ tăng cường về khu vực biên giới. Bởi để hòa đồng, tiếp cận người dân, để dân tin yêu cần có thời gian. Bên cạnh đó, các đồng chí cũng cần phải hiểu phong tục tập quán từng bản, từng thôn vì người đồng bào có những hủ tục riêng, thậm chí vi phạm pháp luật song họ vẫn duy trì từ nhiều năm nay”, Trung tá Tùng nhấn mạnh.

Dù vậy, nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, lãnh đạo cơ quan Trung ương, các tỉnh, cùng với năng lực, kinh nghiệm từ cấp Bộ, nhiệt huyết và sức trẻ, các chiến sĩ tăng cường về cơ sở được tin tưởng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian công tác.

Trong khi đó, đánh giá về Kế hoạch 314, Thiếu tá Phạm Văn Hoàn, Trưởng Công an xã Bản Vược, địa bàn trọng điểm của huyện Bát Xát cho rằng, đây là chủ trương vô cùng đúng đắn của Bộ Công an nhằm nâng cao vai trò công an xã, đặc biệt là xã biên giới, tiếp nối những thành công của Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức vụ công an xã được triển khai năm 2018. Theo anh Hoàn, trước đây, tình trạng buôn lậu hàng hóa, tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy hay buôn người qua biên giới, trộm cắp… diễn ra khá thường xuyên tại Bát Xát nói chung và Bản Vược nói riêng. Dù vậy, khi chủ trương bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức vụ công an xã được triển khai thí điểm trên một, hai xã tại Bát Xát năm 2018 và đồng loạt trên toàn huyện năm 2019, tình hình an ninh, trật tự tại khu vực đã có những cải thiện.

“Trước đây, mỗi xã chỉ có một đến hai người, trong đó chỉ có một công an chính quy, lực lượng vô cùng mỏng trong việc đấu tranh với các loại hình tội phạm. Kể từ năm 2019, mỗi xã được bổ sung gồm năm chiến sĩ công an được đào tạo chính quy, tiến tới là 8-10 chiến sĩ/xã. Năm 2021, các chiến sĩ cấp Bộ cũng được điều động về xã biên giới của huyện. Việc củng cố, tuyên truyền rộng rãi về lực lượng này có vai trò rất lớn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Không chỉ vậy, khi có sự vụ hoặc trong trường hợp cứu hộ cứu nạn, sắc áo lực lượng công an tại hiện trường cũng khiến người dân cảm thấy yên tâm hơn, đồng thời có sức răn đe, giáo dục các đối tượng”, anh Hoàn khẳng định.

Đồng tình với Trưởng Công an xã Bản Vược, ông Nguyễn Khắc Văn, tổ trưởng thôn 2, xã Bản Vược cho biết, trên địa bàn thôn tình hình an ninh đi vào ổn định kể từ khi công an chính quy được điều động về xã. Bên cạnh đó, công an chính quy làm việc bài bản, có quy trình rõ ràng và hướng dẫn người dân rất cụ thể. Vì lẽ đó, người dân cảm thấy tin tưởng vào lực lượng vũ trang, yên tâm lao động sản xuất trong những năm gần đây.