Từ hàu ô nhiễm đến hàu sạch
Ngồi trên chiếc bè khá rộng của anh Nguyễn Văn Tình, có cảm giác lành lạnh bởi hơi nước từ mặt đầm bốc lên và mưa lất phất bay. Chiếc bè này cũng là ngôi nhà thứ hai, nơi cả gia đình anh Tình sinh sống mấy năm qua.
Từ chuyên đi thu mua hàu của người dân khai thác tự nhiên, năm 2018, nhận thấy con hàu Thái Bình Dương dễ nuôi, phù hợp điều kiện địa phương, gia đình anh Tình đã mạnh dạn đầu tư làm bè nuôi trên diện tích 500 m² mặt nước tại khu vực Đầm Nại. Một bè nuôi cấy hàu chiều ngang 8 m, chiều dài 20 m trị giá từ 20 - 30 triệu đồng. Trên Đầm Nại hiện nay mỗi chủ có từ một đến vài chục bè nối kết. Không chỉ có gia đình anh Tình mà còn nhiều cặp vợ chồng trẻ làm nhà chòi ở trên bè cho tiện chăm sóc hàu.
Anh Tình cho biết “Mỗi năm hàu nuôi hai vụ, nếu điều kiện thuận lợi có thể được ba. Một vụ từ 3 - 4 tháng, giá bán từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, trừ đi chi phí, mỗi vụ lời hơn 30 triệu đồng/bè. Con hàu Thái Bình Dương rất dễ nuôi, sống chủ yếu nhờ nguồn tảo có sẵn trong nước biển nên không phải tốn chi phí thức ăn. Nguồn tiêu thụ cũng ổn định, chủ yếu bán cho các quán ăn, nhà hàng và các trại nuôi tôm. Điều kiện tự nhiên, mực nước thủy triều lên xuống ở vùng biển như Đầm Nại rất thích hợp cho hàu phát triển, tăng trưởng nhanh”.
“Trước kia ở Đầm Nại người ta nuôi hàu bằng vỏ xe hơi, xe máy cũ thải ra. Họ gom về và ngâm xuống Đầm Nại để hàu bám vào sinh sản nên nguồn nước bị ô nhiễm. Nhưng bây giờ thương lái xuống tận nơi để khảo sát hàng hóa cho khách hàng. Nuôi hàu bằng vỏ xe không ai thu mua nữa. Làm ăn không lương thiện thì mau sập, Nhà nước khỏi phải cấm”, anh Tình chia sẻ thêm.
Anh đưa chúng tôi đi một vòng quanh Đầm Nại thăm các bè nuôi hàu, gặp lúc anh Bảy Kính đang giở đồ ra cúng bè mới. Anh Bảy Kính cho biết thêm: “Cũng Đầm Nại này mà 10 năm trước, bà con ở đây vô cùng nghèo khó. Chúng tôi tụ quanh Đầm Nại làm nghề đánh bắt thủy sản, trước chưa được chính quyền các cấp công nhận, lại nuôi theo kiểu tự phát từ hàu tự nhiên, được chăng hay chớ, không có cơ quan chức năng hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện về vốn, nên khó khăn chồng chất. Nay thì hay rồi, niềm vui đến khi toàn bộ những người nuôi hàu ở đây đã được chính quyền tạo điều kiện về vốn để người dân ổn định sản xuất, phối hợp các cơ quan chức năng hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình nuôi con hàu, giúp chúng sinh trưởng tốt, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Ấp ủ những ước mơ
Đầm Nại từ lâu đời có nguồn thủy hải sản phong phú. Con nước thủy triều thông thương từ đầm ra vào biển mỗi ngày giờ. Cư dân các xã vùng Cà Đú, Hộ Diêm, Hồn Thiên, Thủy Lợi, Tri Thủy và phụ cận được hưởng lợi từ nguồn tôm cá và thủy hải sản phong phú nơi này. Bốn phía đầm là núi đá bao quanh. Bão bùng chỉ loanh quanh qua núi rồi đi. Xứ Phan có tiếng là “gió như phang và nắng như rang”, làm lụng phải giỏi mới mong đủ sống. Nhưng giờ nhờ nuôi hàu mà nhiều người đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Đưa chúng tôi đi thăm những bè hàu nuôi của mình, anh Phan Văn Quang người được mệnh danh là “vua hàu” ở thôn Tri Thủy kể chuyện đời mình.
Phan Văn Quang cũng như bao ngư dân trên vùng biển này, cũng vay vốn mượn tiền sắm thuyền, sắm lưới ra khơi nhưng chuyến đi nào cũng gặp trắc trở, lúc biển động, khi bão lũ, thu không đủ chi, nợ cũ chưa trả xong, nợ mới đã chất chồng. Có cách nào thoát khỏi phận nghèo mà vẫn gắn mình với biển cả nước non? Câu hỏi cứ hằng đêm xoáy vào giấc ngủ.
Năm 2010, một thầy giáo ở Trường đại học Thủy sản Nha Trang về Đầm Nại làm đề tài khoa học cho biết, mang theo giống hàu Thái Bình Dương cùng một số tiền để đóng bè nuôi. Ai nhận làm, thầy sẽ đầu tư toàn bộ và hướng dẫn kỹ thuật. Bấy giờ tin nhiều người nhờ nuôi hàu mà thành triệu phú cũng đã đến Đầm Nại rồi. Một ước mơ thầm kín cháy lên trong lòng Phan Văn Quang. Anh khởi nghiệp bắt đầu từ một chiếc bè nuôi khoảng 100 m² làm bằng cây xà cừ, kết hợp làm chòi trên bè với chi phí 15 triệu đồng. Sau khi bè được đóng xong, ông thầy mang giống từ Nha Trang vào, Quang cột dây vào các miếng giá thể đã được cấy giống treo lơ lửng từng dây hàu vào thân bè để nuôi. Con hàu thả nuôi tại Đầm Nại phù hợp nên lớn nhanh và không bị dịch bệnh, thu hoạch được bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Hàu không cần cho ăn, nhưng phải theo dõi vệ sinh để hạn chế bị ốc và các sinh vật, đất bùn bám vào gây chết hoặc chậm phát triển.
Và từ một bè hàu đó, Quang bây giờ đã có cả trăm bè trải dài trên khắp Đầm Nại mênh mông. Với giá bán từ 25 - 35 nghìn đồng/kg. Sau ba tháng thả nuôi, mỗi bè hàu trừ chi phí, Quang còn lãi khoảng 30 triệu đồng.
Mở ra tương lai
Mùa biển động, thuyền ghe nằm bờ, chỉ còn những người nuôi hàu nhanh tay thoăn thoắt kéo những lồng hàu đã đến thời kỳ thu hoạch, thương lái đến tận nơi gom mua. Đêm dần trôi về phía mây ngàn, chúng tôi vẫn ngồi hóng mát và uống cùng anh Bảy Kính chén rượu mừng anh vừa thả bè mới. Hơi nước từ Đầm Nại phảng phất bay lên xoa dịu những cơn nóng của buổi chiều gay gắt còn đeo bám đến tận khuya. Tôi đã thấy được nơi đây Đầm Nại, nơi có những ngư dân suốt đời đánh bắt thủy hải sản để kiếm kế sinh nhai, nay bừng lên một sức sống mới. Nhờ nuôi hàu mà nhiều gia đình ở đây con cái được ăn học đàng hoàng, xây dựng được nhà cửa khang trang. Một cuộc sống sung túc nhờ nuôi hàu Thái Bình Dương chẳng phải là điều gì quá xa vời mà người ngư dân Đầm Nại không thể đạt tới.
Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải cho biết: Chính quyền địa phương đã hỗ trợ kỹ thuật, tạo điều kiện về vốn và quy hoạch vùng nuôi phù hợp để cho người dân ổn định sản xuất, đồng thời phát huy lợi thế của địa phương và tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân.
Ngồi với anh Bảy Kính, Tình, Quang, trên bè hàu, ngắm nhìn thương lái đang đi lại thu mua nhộn nhịp mà vui. Ăn chén cháo hàu trong ngày cúng cô bác mồng hai đầu tháng cho bè hàu nuôi, nghe vị ngọt ngào từ trong sâu thẳm.