Âm nhạc trước và sau ngày giải phóng Thủ đô

Dù trong hoàn cảnh gian khó, thiếu thốn song giới văn nghệ, nhạc sĩ Thủ đô đã trải qua giai đoạn hoạt động âm nhạc nghệ thuật hết sức sôi nổi. “Ngoài những bài hát Chiến thắng Điện Biên, Tiến về Hà Nội… các em nhỏ ở các phố vẫn ca múa Mí đồ đồ, múa sạp, múa vui sản xuất…” Thời Nay xin trích lược một số hoạt động âm nhạc trước và sau ngày giải phóng Thủ đô được nhắc đến trong khối tài liệu của nhạc sĩ Minh Tâm, để độc giả có được cái nhìn khái quát về sức sống và các hoạt động đặc sắc, đầy ý nghĩa của các nhạc sĩ, nhạc công trong một giai đoạn quan trọng của lịch sử dân tộc.

Các nhạc sĩ họp tại Âm nhạc học xá của cụ Lưu Quang Duyệt. Ảnh tư liệu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam
Các nhạc sĩ họp tại Âm nhạc học xá của cụ Lưu Quang Duyệt. Ảnh tư liệu của Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Những hoạt động âm nhạc đầu tiên ở Hà Nội

Giữa năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, các đoàn, các đội văn công quân đội ở các quân khu và sư đoàn cùng với Đoàn văn công nhân dân T.Ư, Ban nhạc đài phát thanh được chuẩn bị những tiết mục đặc sắc để tham gia Đại hội Liên hoan văn công toàn quốc. Ngày 19-7-1954, Hội nghị ban tổ chức Đại hội Liên hoan văn công toàn quốc nhóm họp và quyết định sẽ tổ chức đại hội tại Thủ đô Hà Nội.

Ngày 22-7-1954, Trường văn công T.Ư khai giảng. Trong khi đang công tác ở đội văn công lục quân Việt Nam, nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên được cấp trên giao nhiệm vụ tổ chức gấp một tiểu đoàn quân nhạc, để phục vụ ngày 1-1-1955 đón T.Ư Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch về Thủ đô. Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên còn được gọi với cái tên thân mật Quản Liên, là người từng sáng tác hàng loạt các bài hát cách mạng như “Du kích ca”, “Chiến sĩ ca”, “Diệt phát xít”... nay tiếp tục hòa âm, phối khí, tổ chức tập, biểu diễn tấu nhạc kèn bất kể giờ giấc, ngày đêm...

Các nhạc sĩ mà nhiều người trong đó từng nhiều năm làm việc trong các đội nhạc của thực dân Pháp, nay đã được sống trong những chuỗi ngày rạo rực mà “cách mạng như chất men say ngây ngất lòng người”. Mặc dù chỉ có 40 anh em trong đoàn văn công Tổng cục Chính trị, nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên vừa huấn luyện, vừa tìm thêm người và nhạc cụ, thế mà chỉ trong ba tháng anh đã hoàn thành xuất sắc yêu cầu và thành lập tiểu đoàn quân nhạc đầu tiên.

Cũng thời gian này, Đội hợp xướng quốc gia - lấy tên là Đội hợp xướng Hòa Bình gồm có Nguyễn Hữu Hiếu, Thái Thị Liên, Phan Phúc, Chu Minh, Mai Khanh, Thanh Huyền, Vũ Tự Lân, Hoàng Thị Thanh, Phạm Thị Thanh… do Lưu Hữu Phước làm đội trưởng đi thu đĩa hát Việt Nam đầu tiên ở Thượng Hải (Trung Quốc) để kịp phát hành vào dịp giải phóng Thủ đô.

Một số nhạc sĩ lãnh đạo ban nhạc vũ trong Hội Văn nghệ Việt Nam như Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Văn Chung… cùng với những cán bộ của các cơ quan quân dân chính vào Hà Nội trước để dọn đường cho việc tiếp quản và lãnh đạo ngành, giới của mình.

Công tác dạy nhạc ở Thủ đô

Tin chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội khắp nơi, những nhạc sĩ có tên tuổi trong Hà Nội đều hân hoan tụ họp thành từng nhóm chống lại những lời phỉnh nịnh dụ dỗ và mọi cưỡng ép di cư của địch. Người để vợ con lại tạm trốn ra hậu phương, người tìm bắt liên lạc với các tổ chức hoạt động nội thành để nhận công tác góp phần chuẩn bị tốt cho ngày đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội.

Những trường nhạc ở các phố lớn như Âm nhạc học xá của nhạc sĩ Lưu Quang Duyệt đầu đường Điện Biên Phủ và đường Nam Bộ, Trường nhạc Đại chúng của vợ chồng nhạc sĩ Phạm Đức Cẩn và Mỹ Hảo ở đường Bà Triệu, Trường nhạc Nhân dân của nhạc sĩ Ngọc Thanh ở đường Hàng Bài… thầy trò ngày đêm may cờ, bàn bạc trang trí nhà trường và tập dượt những bài ca chờ đón ngày giải phóng Thủ đô.

Những lớp nhạc rải rác ở các phố nhỏ nhà của các nhạc sĩ Thiện Tơ, Tạ Tấn, Đoàn Chuẩn, Hoàng Giác, Nguyễn Văn Khánh… cũng nhộn nhịp khác thường. Sau khi được gặp nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát ở trên gác số 1, Bà Triệu, nhạc sĩ Đỗ Mạnh Cường đã đến gặp bà hiệu trưởng Trường Trưng Vương, tổ chức dạy hát cho các nữ sinh ở đây để chuẩn bị tham gia đón đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô. Cùng tham gia trong nhóm này có các nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, Nguyễn Đình Thanh, Nguyễn Trần Gia… mà sau đó được các nhà quay phim ghi lại một đoạn tư liệu trong phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”.

Sau Đại hội liên hoan văn công toàn quốc, ngoài các bài hát “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Tiến về Hà Nội”…, các em nhỏ ở các phố vẫn ca múa “Mí đồ đồ”…, múa sạp, múa vui sản xuất… thì chiều chủ nhật ngày 16-1-1955, tại Âm nhạc học xá có một cuộc liên hoan tất niên giữa các nhạc sĩ trong Ban nhạc vũ (Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lê Yên, Văn Chung, Đinh Ngọc Liên, Nguyễn Đình Phúc, Tô Vũ…) với các nhạc sĩ Hà Nội trong không khí đoàn kết thân ái, để sau đó hơn 50 nhạc sĩ Hà Nội thành lập Đoàn ca vũ nhạc Hà Nội.

Ngoài hoạt động biểu diễn phục vụ những nhiệm vụ trước mắt, Đoàn ca vũ nhạc mở một trường nhạc phổ thông để đáp ứng phong trào học nhạc của đông đảo người học nhạc bấy giờ ở 63 phố Hàng Trống. Nhưng do sự phát triển chung của âm nhạc, những anh chị em giảng viên lần lượt vào công tác ở một số cơ quan văn hóa nghệ thuật. Số còn lại không đủ sức gánh vác các môn học, nên trường phải giải thể để những anh chị em đó về mở lớp riêng.

Các nhạc công như Ngô Bá Dậu (Clarinet), Ngô Văn Sợi (trumpet), Đỗ Văn Cách (clarinet), Nguyễn Quang Khải (batsông), Thiện Tơ (ghita và fluyt), Nguyễn Trần Giư (violon), Huy Thư (violon), Đỗ Tính (violoncelle), Thái Văn Quy (contra bass), Nguyễn Đại (piano)… và Ban nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam vừa dạy nhạc tư vừa dạy giờ cho Trường Nhạc Việt Nam đầu tiên. Nguyễn Văn Quỳ dạy nhạc ở Trường Chu Văn An, Đỗ Mạnh Cường dạy nhạc ở Trường Lycee Albert Sarraut (do ta quản lý); Vũ Nhân dạy nhạc ở Trường Trưng Vương.

Các nghệ sĩ khi đó đã tiếp tục hoạt động âm nhạc dài lâu về sau, có những nghệ sĩ đã ngoài 80 tuổi, ngày ngày vẫn có những cháu nhỏ quây quần học nhạc. Phan Huy Quỹ, Phan Huy Kỳ là hai anh em đã học ở Pháp quốc Viễn Đông âm nhạc viện Hà Nội trong những năm 1927 - 1930 rồi sang học tiếp ở Nhạc viện Toulouse (Pháp) tuy đã về hưu nhưng ngày ngày vẫn dạy violon và violoncelle ở Nhà văn hóa Thiếu nhi Hà Nội.

Theo lời nhạc sĩ Minh Tâm, “truyền thống đoàn kết, lòng cảm thông sâu sắc giữa đồng bào hai vùng kháng chiến và vùng bị địch tạm chiếm đã được thể hiện rõ ràng trong giới nhạc thật là sáng ngời từ trước và sau ngày giải phóng Thủ đô - trái tim của cả nước”. Như vậy là ngay sau khi tiếp quản, thành phố Hà Nội đã căn bản ổn định được tình hình và đã thực hiện tốt những công tác đề ra bao gồm cả công tác văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.

Chị Trần Thị Thu, Phòng Thu thập và Sưu tầm tài liệu, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III cho biết, vận động, thuyết phục, sưu tầm và bảo quản tài liệu của các cá nhân tiêu biểu là một trong những chức năng nhiệm vụ của Trung tâm, trong đó khối tài liệu của nhạc sĩ Minh Tâm hiện đang lưu tại đây nằm trong số tài liệu cá nhân đã được sưu tầm theo cách đó. Ông sinh năm 1925, tên thật là Trần Phát Tài là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc, từng là giảng viên âm nhạc Trường Điện ảnh Việt Nam, sinh tại Gia Định ngày xưa (nay là TP Hồ Chí Minh). Qua những tài liệu của ông, có thể thấy hoạt động âm nhạc, nghệ thuật, đời sống tinh thần phong phú đặc sắc của nhân dân và văn nghệ sĩ Thủ đô trong một giai đoạn đầy ý nghĩa của lịch sử dân tộc.

Những tài liệu của nhạc sĩ Minh Tâm được lưu trong khối lưu trữ cá nhân tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III gồm tổng số 118 đơn vị bảo quản, bao gồm tài liệu, sáng tác về âm nhạc, lịch sử âm nhạc, danh nhân Việt Nam, chân dung, tiểu sử nhạc sĩ Việt Nam và nhiều tài liệu ảnh giai đoạn 1954 - 1985.