Đĩa gốm Chu Đậu kỷ lục thế giới - chuyện giờ mới kể

Đĩa gốm 1.000 chữ “Long” viết bằng thư pháp vừa được Hội kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao và vinh danh Kỷ lục Guiness thế giới!

Nhà thư pháp Lê Thiên Lý viết 1.000 chữ Long trên đĩa trước khi nung.
Nhà thư pháp Lê Thiên Lý viết 1.000 chữ Long trên đĩa trước khi nung.

Từ kỷ lục Việt Nam

Giới thư pháp không còn lạ với nhà thư pháp Lê Thiên Lý, Chủ nhiệm CLB thư pháp Hải Phòng với hai lối viết mang dấu ấn rất riêng là nhân diện thư và vật điểu thư. Nhân một dịp ở vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội) viết thư pháp tại triển lãm cây cảnh nghệ thuật Thăng Long, Lê Thiên Lý nảy sinh ý định viết 1.000 bức thư pháp chữ Long chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội dịp cuối năm 2009.

Trong nhiều tháng, ông Lý miệt mài viết 1.000 chữ Long theo các thể thư pháp truyền thống và hai thể do ông sáng tác là nhân diện thư và vật điểu thư. Sở dĩ các chữ Long cuốn hút người xem vì mỗi chữ một vẻ, không rập khuôn mà được cách điệu, biến hóa với những hình ảnh quen thuộc hiện lên chân thực mà gần gũi như cây đàn, con rồng, bộ đội, học sinh, lá, hoa, chim, thú, cánh buồm…

Sau đó, 1.000 bức thư pháp chữ Long hiện diện tại Festival - Huế năm 2010 treo bên ven bờ sông Hương, thu hút đông đảo công chúng thưởng ngoạn. Và niềm vui bất ngờ với những bức thư pháp mang “thương hiệu” Lê Thiên Lý là ngày 13-6-2010, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục Việt Nam về 1.000 chữ Long thể hiện theo lối thư pháp với nhiều kiểu viết nhất.

Đến kỷ lục thế giới

Nhân duyên để 1.000 chữ Long hiện diện trên chiếc đĩa gốm rất tình cờ. Một lần, nhà thư pháp gặp lại người quen cũ sau 20 năm ở triển lãm Vân Hồ, là ông Nguyễn Văn Lưu, khi đó là Giám đốc Xí nghiệp gốm Chu Đậu (Nam Sách, Hải Dương). Nghe ông Lý gợi ý làm một đĩa gốm Chu Đậu cỡ lớn và “thổi hồn” bằng 1.000 chữ Long chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Lưu hưởng ứng ngay.

Đĩa gốm càng to càng khó làm, chưa bao giờ xí nghiệp làm một chiếc đĩa có đường kính rộng tới 1,5 m và trên thế giới cũng chưa xuất hiện đĩa gốm to đến vậy, thế nên không ít ý kiến còn băn khoăn. Tháng 8-2009, ông Lưu tập hợp quản đốc Vũ Như Việt, kỹ sư Nguyễn Đại Binh, thợ giỏi Nguyễn Hữu Thăng và những kỹ sư, công nhân lành nghề nhất của xí nghiệp cùng bàn thảo, dựng maket. Đích thân ông Việt tự dựng maket, thiết kế và chỉ đạo đội ngũ cộng sự thực hiện. Nguyên liệu được tuyển chọn rất kỹ lưỡng: đất sét trắng (có nhiều vi lượng khoáng chất) tại Trúc Thôn, Chí Linh, cao lanh được khai thác từ vùng núi phía bắc, hợp với nguồn nước phù sa sông Kinh Thầy từ Lục Đầu Giang đổ về (được gọi là Lục thủy tứ chấn) hòa quyện vào đất tạo nên chất hồ. Cái khó là tính toán độ chịu lực bảo đảm kỹ thuật, chất lượng, phối liệu pha hồ khéo léo, công phu sao cho xương đĩa cứng, đổ rót mộc không bị nứt, chia ô hợp lý để thuận tiện viết chữ. Sau nhiều lần rút kinh nghiệm khi chế tác thử, cuối cùng phôi đĩa đã thành hình thành công.

Không nhận tiền công, cả tháng trời ròng rã, nhà thư pháp Lê Thiên Lý ở tại xí nghiệp gốm, trút hết đam mê hoàn thiện toàn bộ tác phẩm. Viết thư pháp rất kỳ công bởi lượng chữ nhiều, nếu dựng đĩa lên ngồi viết sẽ bị vỡ, nứt nên ông Lý phải nằm trên giàn giáo để viết theo đúng các ô đã chia trên maket với kích cỡ thu nhỏ mà tuyệt đối không được hỏng chữ nào. Rồi tính toán làm sao cho cân xứng, hài hòa về mặt tổng thể, đơn cử nếu bên trái là chữ Long theo thể nhân diện thư hình mặt người thì đối diện cũng vậy. Khác với viết trên giấy, ông Lý phải dùng bút cọ, loại mực mầu cô ban pha chế riêng để viết và cẩn trọng hơn trước đó còn viết trên một số sản phẩm gốm cho quen tay.

Hình ảnh danh nhân, nông dân cầm lúa, thanh niên đi cày, bộ đội cầm súng, anh lính hải quân với thuyền và biển, thiếu nữ Hà Nội, cháu bé, con rồng bay lượn, chim, cá, tôm, cây đàn, bông hoa… hiện lên trong thư pháp chữ Long sinh động, bắt mắt kết hợp cùng các hoa văn họa tiết truyền thống như hoa cúc dây mang đậm nét đặc trưng của gốm Chu Đậu, hai mầu chủ đạo là mầu men hanh vàng và các mầu lam hòa quyện có sức cuốn lạ kỳ.

Sau khi hoàn thành, chiếc đĩa 1.000 chữ Long đã được đưa đi trưng bày tại Hà Nội dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và nhiều triển lãm được người thưởng ngoạn nhiệt liệt đón nhận. Có doanh nghiệp trả 500 triệu đồng mua chiếc đĩa gốm đặc biệt này nhưng những người sở hữu kiên quyết không bán mà để trưng bày. Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tới công tác, tham quan rất ngạc nhiên, thán phục trước sản phẩm độc đáo này.

“Khi chế tác, người chung tay góp sức chỉ một lòng tâm nguyện hướng về ngày lễ trọng của đất nước với những điều thiêng liêng nhất, không một chút vụ lợi và cũng không kỳ vọng đạt giải thưởng, kỷ lục. Nghe tin tác phẩm mình làm ra được vinh danh kỷ lục Guiness thế giới, chúng tôi rất đỗi vinh dự và tự hào, niềm vui nhân lên gấp bội”, ông Lưu trải lòng.

Tư thế nằm viết chữ rất cực, nhanh mỏi nhưng ông Lý rất kiên trì. Sau công đoạn vẽ hoa văn họa tiết, phủ lớp men trắng ngà tự nhiên được chiết xuất từ tro trấu - dòng men đã được xác lập độc bản kỷ lục Việt Nam, nung trong nhiệt 1.250 độ C suốt 14 tiếng, chiếc đĩa gốm đã ra lò hoàn mỹ, đúng tỷ trọng (co xuống còn khoảng 1,2 m, không bị lún, cong vênh).