Thành phố Hồ Chí Minh:

Phòng ngừa sai phạm trong hoạt động công chứng

Thực tế đang cho thấy, trong hoạt động công chứng còn nhiều bất cập do chất lượng công chúng viên chưa đồng đều, nhất là về kỹ năng hành nghề, kỹ năng nhận diện các hành vi giả mạo, lừa đảo trong hoạt động công chứng, quản trị, điều hành văn phòng... Một phần do chưa thực hiện hết trách nhiệm nghề nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân làm thủ tục tại Văn phòng Công chứng Sài Gòn (quận 1, TP Hồ Chí Minh).
Người dân làm thủ tục tại Văn phòng Công chứng Sài Gòn (quận 1, TP Hồ Chí Minh).

Nhu cầu tăng, thêm khó khăn, vướng mắc

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động công chứng được xã hội hóa mạnh mẽ với 110 Văn phòng công chứng và 7 Phòng công chứng, được phân bổ đều khắp các địa bàn quận, huyện, TP Thủ Đức. Thành phố đã xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động công chứng từ trước khi có quy định xây dựng cơ sở dữ liệu theo Luật Công chứng năm 2014.

Song, Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Văn Hạnh cũng cho biết, một số hạn chế, bất cập cần khắc phục như vẫn còn tình trạng một số công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện không đúng quy định pháp luật trong hoạt động công chứng (số lượng vụ việc xử lý vi phạm hành chính, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo còn khá nhiều).

Bên cạnh đó, dù thành phố đã xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động công chứng nhưng việc chưa có hệ thống liên kết để tham khảo thông tin người yêu cầu công chứng về nhân thân, tình trạng tài sản; đặc biệt chưa có hệ thống liên kết giữa tổ chức hành nghề công chứng với văn phòng đăng ký đất đai, UBND, tòa án... đã dẫn đến nhiều hợp đồng, văn bản đã được công chứng nhưng không cập nhật đăng bộ sang tên được vì đang bị tranh chấp. Một số hồ sơ công chứng cần xác minh, trả lời của cơ quan thẩm quyền nhưng còn chậm trễ, thậm chí không trả lời cho tổ chức hành nghề công chứng.

Trong đó, tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo chủ thể để yêu cầu công chứng và tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch diễn ra ngày càng phổ biến với tính chất tinh vi, phức tạp. Nhiều trường hợp khó có thể phát hiện ra sai lệch dẫn đến qua mắt được công chứng viên. Mặc dù các cơ quan ngành Tư pháp đã đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt trong khâu kiểm chứng giấy tờ công chứng, song vẫn còn “bắt cóc bỏ đĩa”.

Theo Trưởng Phòng công chứng số 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Trí Hòa, với thủ đoạn, cách thức ngày càng tinh vi khó phát hiện, thậm chí có trường hợp cơ quan đăng ký cập nhật biến động thật ngay trên giấy tờ giả, hoặc phôi thật, thông tin giả... Điều này khiến cho một số công chứng viên có phần e ngại, sợ trách nhiệm. Trưởng Văn phòng Công chứng Sài Gòn Lê Hồng Sơn - một trong những văn phòng công chứng đầu tiên được thành lập trên cả nước theo mô hình xã hội hóa công chứng cũng cho hay, hiện nay việc giả mạo chủ thể và giả mạo giấy tờ trong hoạt động công chứng đang là vấn nạn. Thực trạng đó đã gây nên tâm lý phẫn nộ, bất an cho những người tham gia giao dịch và trở thành nỗi ám ảnh của công chứng viên.

Làm gì ngăn giả mạo giấy tờ?

Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ trình độ cao cho các tổ chức hành nghề công chứng trong thời gian qua như sử dụng các máy quét dấu vân tay, máy soi, kính lúp, hệ thống camera giám sát toàn bộ hoạt động công chứng như một số nơi đã áp dụng và cũng đã mang đến một số hiệu quả trong việc phòng ngừa. Song, việc xác định giấy tờ nào là giả mạo là rất phức tạp, rất khó phát hiện bằng mắt thường mà đòi hỏi sự chuyên môn rất cao và nhiều máy móc chuyên dùng.

Về giải pháp ngăn chặn tình trạng giả mạo giấy tờ, giả người yêu cầu công chứng, ông Hòa kiến nghị, cần có sự phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi, xử lý kịp thời giữa các cơ quan chức năng liên quan và có thông báo kết quả cho cơ quan công chứng khi nhận được thông tin, báo cáo có việc giả người, giả tài liệu khi xác lập thực hiện các giao dịch công chứng. Đồng thời, TAND tối cao cần có án lệ liên quan đến giả giấy tờ, giả chủ thể để Tòa án các cấp có thêm cơ sở áp dụng, thực hiện khi xét xử, nhằm hạn chế cùng một vụ việc giống nhau nhưng mỗi nơi xét xử có một bản án khác nhau. Cũng như cần xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm này, để giáo dục, răn đe, phòng ngừa.

Theo ông Hòa, các cơ quan tố tụng cần thống nhất quan điểm trong việc xử lý việc giả mạo, chiếm đoạt trong lĩnh vực công chứng. Bởi lẽ, khi người yêu cầu công chứng có hành vi giả mạo với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác là hành vi trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội. Dù hành vi vi phạm được phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhưng đây là hành vi gian dối, lợi dụng sự tin tưởng của người dân vào tính chất pháp lý của hoạt động công chứng để chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án liên quan đến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản vi phạm pháp luật khi ký hợp đồng, giao dịch với người mua, nhận chuyển nhượng khi chưa đủ điều kiện để huy động vốn, thậm chí lừa đảo. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp tìm đủ kiểu “lách luật” để huy động vốn khi chưa đủ điều kiện dưới hình thức thỏa thuận hợp đồng bán, chuyển nhượng, đặt cọc, thỏa thuận đăng ký giữ chỗ… Khi thị trường biến động hoặc nhận thấy nội dung thỏa thuận gây bất lợi thì doanh nghiệp thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng, thậm chí đi kiện để tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, cần quy định cơ quan, tổ chức có chuyên môn, nghiệp vụ vững chắc, am hiểu quy định pháp luật, khách quan, trung thực… như tổ chức hành nghề công chứng để chứng nhận hợp đồng, giao dịch nhằm phòng ngừa, hạn chế rủi ro; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Khi có tranh chấp thì các tình tiết ghi trong văn bản công chứng theo ý chí và sự tự nguyện của các bên sẽ có giá trị chứng cứ, từ đó tiết kiệm chi phí xã hội, tạo dựng lòng tin của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội. Bên cạnh đó, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là tài sản có giá trị lớn, hình thức pháp lý của giao dịch giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định trật tự pháp lý, góp phần điều chỉnh thị trường bất động sản. Do đó, cần thiết phải có cơ chế bảo đảm tính hợp pháp cả về nội dung và hình thức giao dịch thông qua chế định công chứng.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác công chứng, chứng thực cho cán bộ tư pháp, công chứng viên. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng chuyên đề về các giải pháp phòng ngừa, xử lý tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng.