Phố lên, nghề xuống

Nghề đan thuyền thúng ở làng Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng) xưa được xem như công việc bền chắc. Nay, làng lên phố, lên phường thì nghề này lại ngày càng mai một vì ít đơn đặt hàng.

Nghề đan thuyền dần mai một do xu thế ngày càng ít người gắn với nghề đánh bắt gần bờ.
Nghề đan thuyền dần mai một do xu thế ngày càng ít người gắn với nghề đánh bắt gần bờ.

“Múa dao, vác đục” cho đỡ nhớ

Kể về nghề đan thuyền nan, cụ Liêm (78 tuổi) ngụ tại làng Thọ Quang, nay đã lên phường cùng tên cho biết: “Trước kia, làm nghề này luôn có một sự ổn định. Người đặt làm thúng nhiều, cứ khách này gối khách khác, làm suốt tháng, suốt năm, không hết việc”. Giải thích về sự bền vững của nghề trong những năm trước, cụ Liêm đưa ra sự so sánh: “Nếu nghề đánh cá ra khơi lênh đênh, khi gió bão, lúc mưa dầm, bữa được, bữa thua thì nghề đan thuyền thúng nằm bờ vững vàng hơn nhiều”.

Nghề đan thuyền thúng gắn chặt với nghề biển. “Mối duyên” này nằm trong chuỗi cung ứng giá trị liền kề. Không riêng gì ở Thọ Quang mà suốt chiều dài đất nước, ở đâu có nghề biển thịnh vượng, ở đó đều có nhóm cư dân đan lưới, đóng thuyền, làm muối. Bên cạnh đó còn có nghề đan rổ, lận mẹt, kết nong, “sải” nia... bán cho những hộ phơi cá, mực. Mỗi một công đoạn cần nhân công khác nhau. Phụ nữ mổ cá, vá lưới bám theo nghề biển cũng đủ việc làm, đủ ăn. “Hiện ở Đà Nẵng, những công việc đó ít lắm!”, cụ Liêm cho hay.

Chiều muộn, bên góc phố, có nhiều cụ ông ngồi chơi. Khi được hỏi chuyện đan thuyền nan, các cụ cho biết trước ở đây bãi bờ hoang vu, đất rộng, người thưa, tre luồng về đây chất đống. Nay chỗ để còn khó khăn, nói chi đến chuyện bày biện nan cọc, mê thuyền. “Trẻ con chạy nhảy tứ tung, tre nứa để ngang dọc khó bề kiểm soát. Chuyện hóa vàng, tàn thuốc vô tình cũng dễ bốc cháy. Mấy anh phòng cháy, chữa cháy nhắc nhở suốt”.

Nói về những hiểm nguy, cụ Hàm cũng như nhiều người khác đều cùng quan điểm rằng nghề này, nếu muốn tồn tại phải tìm chỗ đất làng quê rộng rãi. Sản xuất chiếc thuyền thúng phải không nặng quá để mỗi khi khiêng lên bờ, đưa xuống nước dễ dàng. Thuyền không được rò rỉ thấm nước nên người thợ phải dùng phân bò tươi trám vào kẽ nan. Đây cũng là cách tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành. “Trước, bãi rộng, cồn hoang mùi phân bò không hề chi. Nay, nhà liền kề nhau, mùi đó thốc vô nhà không ai chịu nổi”, cụ Hàm giải thích.

Hỏi chuyện nghề đan thuyền nan mai một có làm buồn lòng những người thợ? Cụ Liêm cho biết thỉnh thoảng đành “múa dao, vác đục” cho đỡ nhớ vậy.

Chênh vênh làng nghề

Xu thế ngày càng ít người gắn với nghề đánh bắt gần bờ. Họ ra khơi xa nên cần những chiếc tàu lớn. Thứ nữa, hải sản cạn kiệt còn thanh niên đã tìm được công việc khác có thu nhập tốt hơn. Cụ Hương trước cũng đan thuyền thúng kể rằng, trước đây, các làng chài ven sông Hàn, ven biển rất nhiều. “Làng Đông Hải, Tân Thái, Tân An, Tân Trà, Xuân Hà, Xuân Dương, Thanh Khê… đều sống bằng nghề biển. Họ là khách hàng tới đây mua thuyền”.

Nay, những làng chài kể tên như trên chỉ còn trong di cảo. Về phía bắc Đà Nẵng, làng Nam Ô vẫn còn người đánh cá, nhưng tuổi cũng đã khá cao. Cụ Hương nhận xét: “Cứ nhìn người đi biển là biết, họ đâu còn trẻ. Vậy nên nghề đan thuyền nan cũng chẳng duy trì được lâu”.

Trong câu chyện của người đan thuyền, người đánh cá có những ký ức biển vẫn gần. Đó là cảnh hoang sơ trước đây, đêm mong manh trong tiếng gió, phập phù cơn mưa. Tay cầm đèn dầu, người đi biển thoắt ẩn, thoắt hiện trong tiếng hú gọi đi gõ, đi te, thả lưới. Giờ phố xá sáng trưng, người đi chung thuyền với nhau, họ gọi nhau bằng điện thoại. Cụ Hương cười, hồn nhiên: “Tui vẫn nhớ cái cảnh kêu nhau ngày xưa lắm!”.

Nhiều năm nay, thuyền nhựa đang thay thế thuyền nan. Khách du lịch đến Đà Nẵng ghé chơi, khi nhìn thấy thuyền nan, họ dừng chân hỏi han. “Khách hàng bây giờ cũng khác. Người mua chủ yếu là khách nước ngoài, thuyền nan là để xuất khẩu”, cụ Liêm cho biết.

Theo lời kể của anh Kim, ngày càng nhiều khách du lịch từ Nhật Bản, Anh, Australia, Philippines… rủ nhau đặt mua những chiếc thuyền nan. “Tui hỏi mấy người phiên dịch thì họ cho biết khách mua về trang trí không gian hồ nước, bờ sông, bờ biển nơi họ sống”. Đề cập nghề vót nan, đan thuyền kế thừa từ người cha, có khách mua, tức là vẫn có đất để sống, anh Kim nói: “Được chục chiếc đặt hàng thôi. Mà mình không làm thì đã có các làng dưới Quảng Nam họ làm. Khách du lịch họ cũng chịu khó đi tìm hiểu lắm!”.

Làng chài ven biển Đà Nẵng không còn rộn ràng như xưa. Nghề đan thuyền thúng theo đó cũng mỗi ngày một ít. “Lên phố rồi nghề này không còn, đã có nghề khác thay thế, tốt hơn. Nghề đan thuyền chỉ mất chỗ này nhưng chỗ khác vẫn còn, có chi mà buồn...”, cụ Liêm hóm hỉnh.