Nồng độ cồn bao nhiêu là đủ?

Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang gây tranh cãi lớn trong những ngày gần đây. Một số ý kiến cho rằng, cần một “vùng xanh” xử lý, số còn lại ủng hộ con số 0 tuyệt đối để khỏi lấn cấn chuyện bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là thừa.
0:00 / 0:00
0:00
Một chốt kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: NGUYỆT ANH
Một chốt kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: NGUYỆT ANH

Khoản 1 Điều 8 dự thảo Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định, hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. So với quy định tại khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ hiện hành (nghiêm cấm hành vi điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở), luật mới đã mở rộng phạm vi cấm với tất cả người điều khiển phương tiện giao thông nói chung.

Tranh cãi quanh quy định mới

Theo lý giải của Bộ Công an, quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong Dự thảo dựa trên quan điểm tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết. Đồng thời thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Tại khoản 6 Điều 5 của luật này, quy định “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm”.

Thời gian qua, Bộ đã rất quyết liệt kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, cũng góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành văn hóa, thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.

Không phủ nhận những hiệu quả mà các quy định tại khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ hiện hành đã đạt được, nhưng việc quy định “cứng” về nồng độ cồn trong máu khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang gặp nhiều ý kiến trái chiều của các đại biểu Quốc hội và người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này là quá khắt khe, chưa thực sự phù hợp văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Theo một số chuyên gia y tế thì có những người trong ngày tham gia giao thông không sử dụng bia, rượu hoặc chất có nồng độ cồn nhưng do điều kiện cơ thể, sinh học hoặc chuyển hóa thức ăn nên khi bị kiểm tra vẫn có mức nồng độ cồn hơn số 0. Hay có trường hợp uống nước trái cây lên men để hỗ trợ tiêu hóa cũng sẽ cho ra kết quả kiểm tra nồng độ cồn lớn hơn 0.

Độ cồn tiêu chuẩn nằm ở ý thức

Việc nhiều người cho rằng quy định nồng độ cồn bằng 0 là bất hợp lý cũng là dễ hiểu. Bởi nhiều nghiên cứu về mối liên quan giữa nồng độ cồn trong máu và hành vi con người đã chỉ ra rằng: ở nồng độ 0,01 - 0,04, người có thể thấy lâng lâng và thư giãn; nhưng ở ngưỡng 0,05 - 0,07 sẽ khiến khả năng điều khiển xe ở nhiều người suy giảm. Đây cũng chính là lý do tại sao nhiều nước trên thế giới lấy BAC ở mức 0,05 làm quy định nồng độ cồn cho phép lái xe. Do đó, nhiều ý kiến ở Việt Nam cũng cho rằng nên áp dụng quy định BAC ở mức từ 0 - 0,05.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến cho rằng không nên thì ý kiến ủng hộ quy định nồng độ cồn bằng 0 cũng khá đông đảo. Dẫn kinh nghiệm từ Australia, anh Tô Thức, hiện đang nghiên cứu sinh tại đây cho biết, ở quốc gia này, ai lái xe cũng đều biết khái niệm đồ uống có độ cồn tiêu chuẩn (SD). Chính phủ Australia quy định việc in lượng SD lên đồ uống và cung cấp hướng dẫn chung cho cộng đồng nếu đồ uống không có vỏ, để người uống có thể tự định lượng mức cồn nạp vào người. Tuy nhiên, chính phủ Australia cũng cảnh báo rằng, mức BAC 0,05 đã là nguy hiểm rõ ràng. Ngay cả khi BAC dưới 0,05, cồn vẫn ảnh hưởng tới phản xạ và thái độ lái xe, đặc biệt là các lái xe trẻ hoặc ít kinh nghiệm.

Cũng theo anh Tô Thức, việc áp dụng “vùng xanh” trong xử lý nồng độ cồn như ở Australia hay các quốc gia khác có thể sử dụng làm cơ sở để nghiên cứu việc hình thành một nồng độ cồn tiêu chuẩn của Việt Nam, nhưng việc áp dụng BAC lớn hơn 0 chắc chắn sẽ có nhiều thách thức. Bởi lẽ, điều kiện giao thông ở Việt Nam chưa tốt, hầu hết các lái xe đều chưa tuân thủ quy định đúng làn, khoảng cách an toàn, đòi hỏi người điều khiển xe phải có phản xạ nhanh hơn.

Đồng quan điểm với anh Tô Thức, anh Mạnh Cường (Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, khi quy định bằng 0, nhiều người sẽ không dám uống, không phải lấn cấn bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là thừa, còn khi đã có mức tối thiểu thì tôi chắc chắn rằng sẽ rất nhiều người vi phạm.

Vậy, BAC ở Việt Nam là bao nhiêu cho phù hợp vẫn cần các cơ quan chức năng nghiên cứu. Tuy nhiên, có một điều không thể thay đổi đó chính là ý thức con người.

Theo số liệu về giới hạn nồng độ cồn với tài xế của 194 quốc gia, vùng lãnh thổ cập nhật năm 2018 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ có khoảng 20 nước (tương đương 10,5%) áp dụng mức giới hạn nồng độ cồn trong máu (Blood Alcohol Content - BAC) là 0%. Trong đó, phần lớn là các nước Hồi giáo, số ít còn lại là Brazil, Hungary, Paraguay, Romania, Slovakia, Uruguay và Việt Nam.