Trong giai đoạn đầu cải cách và mở cửa (1978-1988), khi môi trường cạnh tranh chưa gay gắt, doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ, tiềm lực chưa mạnh; doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ về thương hiệu; hàng hóa Trung Quốc chủ yếu là sản phẩm cấp thấp và giá rẻ, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn chỉ hơn 70%.
Bước vào giai đoạn thứ hai (1989-2012), với tỷ lệ đạt tiêu chuẩn tăng từ hơn 80% lên hơn 90%, hàng hóa Trung Quốc vươn lên tầm trung; xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn và thương hiệu sản phẩm nổi tiếng. Giai đoạn này gắn liền với dấu mốc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001, doanh nghiệp Trung Quốc đứng trước sự cạnh tranh của các thương hiệu quốc tế lớn, từ đó nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu.
Từ năm 2013 đến nay, được coi là thời kỳ “trỗi dậy” mạnh mẽ của thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia Trung Quốc, với việc hình thành một loạt thương hiệu nổi tiếng có sức ảnh hưởng toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp Trung Quốc trong nhóm 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới tăng từ 79 lên 145; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng từ vị trí thứ 34 lên 12.
Ông Lý Cương, Viện trưởng Nghiên cứu thương hiệu quốc gia, Tổng Biên tập báo điện tử Thương hiệu quốc gia (Trung Quốc) cho rằng: Thương hiệu là một tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển kinh tế-xã hội; vị trí và tầm ảnh hưởng của một quốc gia trên thế giới phụ thuộc nhất định vào việc quốc gia đó có bao nhiêu doanh nghiệp và sản phẩm là những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Từ góc độ kinh tế, thương hiệu quốc gia chính là một tập hợp của các thương hiệu doanh nghiệp và sản phẩm, đại diện cho trình độ phát triển kinh tế và tiềm lực quốc gia.
Theo vị chuyên gia này, sự “trỗi dậy” của thương hiệu Trung Quốc, không chỉ là kết quả của công cuộc cải cách và mở cửa, cũng như không ngừng hoàn thiện nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, mà còn bởi Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng việc tạo dựng thương hiệu quốc gia, trong đó có thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm Trung Quốc, coi đây là biện pháp chiến lược quan trọng để nâng cao chất lượng phát triển kinh tế, hướng tới đáp ứng kỳ vọng của người dân về cuộc sống tốt đẹp.
Cụ thể, từ năm 2014, Trung Quốc đề ra quan điểm phát triển “Ba chuyển đổi”: Chế tạo Trung Quốc chuyển sang sáng tạo Trung Quốc, tốc độ Trung Quốc chuyển sang chất lượng Trung Quốc, sản phẩm Trung Quốc chuyển sang thương hiệu Trung Quốc, chỉ rõ phương hướng cho việc xây dựng thương hiệu quốc gia.
Năm 2016, Trung Quốc ban hành Nghị định về việc phát huy vai trò dẫn dắt của thương hiệu đối với nâng cấp cơ cấu cung cầu, xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu đối với phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh, đề ra mục tiêu, lộ trình và giải pháp xây dựng thương hiệu quốc gia.
Năm 2017, Trung Quốc lấy ngày 10/5 hằng năm là “Ngày thương hiệu Trung Quốc”. Năm 2022, Trung Quốc ban hành Định hướng thúc đẩy xây dựng thương hiệu trong thời đại mới. Những chính sách này đã phát huy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng thương hiệu của nước này đạt kết quả nổi bật thời gian qua.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc đánh giá: Từ năm 2010, Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đồng thời, cũng đứng trước yêu cầu cao hơn về giữ vững và nâng cao thị phần hàng hóa trên trường quốc tế. Doanh nghiệp Trung Quốc đã không ngừng nỗ lực xây dựng thương hiệu, tích cực thúc đẩy đổi mới hướng tới nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Chính phủ Trung Quốc đề ra lộ trình nâng cao chất lượng các ngành sản xuất, chế tạo với nhiều chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao hình ảnh, thương hiệu hàng hóa Trung Quốc, điển hình như chiến lược “Made in China 2025”. Với sự quyết tâm mạnh mẽ, hàng hóa Trung Quốc không ngừng cải thiện cả về chất và lượng.
Mới đây, Trung Quốc ban hành Cương yếu quy hoạch chiến lược mở rộng nhu cầu trong nước giai đoạn 2022-2035, xác định đi sâu thực hiện Chiến lược thương hiệu, đẩy mạnh tuyên truyền các sản phẩm trong nước chất lượng cao, nâng cao ý thức của xã hội về giá trị thương hiệu, tạo điều kiện để người tiêu dùng có thể lựa chọn các thương hiệu Trung Quốc nổi tiếng thế giới. Đây sẽ là định hướng lâu dài để nước này hiện thực hóa mục tiêu trở thành “nước mạnh về thương hiệu” trong tương lai n
Tầm ảnh hưởng của thương hiệu Trung Quốc trên thế giới ngày càng lớn. Chỉ tính trong năm 2022, có đến 24 doanh nghiệp Trung Quốc lọt vào nhóm 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới.