Nỗ lực đàm phán giữa hai khối
Đây là cuộc đàm phán đầu tiên giữa EU và MERCOSUR kể từ tháng 4 năm nay, làm dấy lên hy vọng về khả năng hai khối sẽ kết thúc đàm phán để đi tới ký kết FTA sau 20 năm thương thảo. Việc ký kết đã bị trì hoãn do lo ngại từ phía EU liên quan các biện pháp bảo vệ môi trường, trong khi các nước Nam Mỹ lại cho rằng những lý do mà EU đưa ra xuất phát từ việc châu Âu vẫn muốn theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Theo Bộ Ngoại giao Uruguay, quá trình đàm phán vẫn tiến triển vững chắc và công tác kỹ thuật tiếp tục được triển khai giữa hai bên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uruguay khẳng định, MERCOSUR rất quan tâm đến việc kết thúc đàm phán và đạt được thỏa thuận hướng đến việc ký kết FTA với EU.
Các cuộc đàm phán hồi tháng 3 đã không đạt được kết quả và bị trì hoãn cho đến sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 6. Các nhà ngoại giao cho biết, các vấn đề trên bàn đàm phán vẫn được giữ nguyên, bao gồm việc EU bảo vệ tên sản phẩm thực phẩm, cũng như sự phản đối của Brazil đối với luật chống phá rừng của EU sẽ có hiệu lực vào năm 2025 và có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước này. Nông dân Pháp, Đức và Bỉ từ lâu phản đối sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu Nam Mỹ với giá rẻ hơn.
Theo số liệu thống kê của EC, FTA giữa EU và Mercosur sẽ tạo ra một thị trường 780 triệu dân và có thể tiết kiệm cho các doanh nghiệp châu Âu hơn 4,4 tỷ USD mỗi năm tiền thuế quan. Ngoài ra, thỏa thuận được trông đợi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư của châu Âu vào thị trường Nam Mỹ, với số vốn hiện đạt khoảng 361,4 tỷ USD.
Brazil, đầu tàu thúc đẩy ký kết FTA
Tổng thống Brazil Lula da Silva bày tỏ mong muốn sớm ký kết FTA giữa EU và MERCOSUR. Nhà lãnh đạo Brazil đưa ra thông điệp như vậy trong cuộc tiếp Tổng thống Italy Sergio Mattarella nhân chuyến thăm Brazil mới đây. Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh quá trình đàm phán giữa hai khối phụ thuộc các nước EU giải quyết những vấn đề nội bộ khối. Ông cho biết, cả hai nhà lãnh đạo cùng cho rằng việc nhanh chóng thông qua thỏa thuận là cần thiết, bởi thỏa thuận sẽ đóng góp cho sự phát triển của cả hai khu vực. Tổng thống Lula da Silva và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen từng cam kết ký kết thỏa thuận trước cuối năm nay.
Tuy nhiên, Tổng thống Lula da Silva cho rằng, các yêu sách về môi trường do EU áp đặt sẽ ảnh hưởng đến 5 trong số 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Brazil sang thị trường Italy. Ông Lula da Silva cho rằng việc giảm lượng khí thải CO2 là yêu cầu bắt buộc, nhưng không nên thực hiện dựa trên các biện pháp đơn phương, gây ảnh hưởng các nhà sản xuất Brazil và người tiêu dùng Italy.
Đàm phán FTA giữa EU và Mercosur kéo dài hơn 20 năm do 27 quốc gia thành viên EU còn quan ngại về vấn đề bảo vệ môi trường ở các nước Mercosur, trong khi đó một số quốc gia Nam Mỹ cho rằng thỏa thuận này sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp và xuất khẩu nông sản.
Năm 2019, EU và Mercosur đã đạt một thỏa thuận khung về FTA sau hai thập kỷ đàm phán khó khăn. Tuy nhiên, văn kiện này vẫn chưa được phê chuẩn do EU lo ngại về tình trạng tàn phá rừng Amazon, cũng như hoài nghi về chính sách đối phó tình trạng biến đổi khí hậu dưới thời Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro (2019-2023), người tiền nhiệm của ông Lula da Silva.