Không còn là nguy cơ
Chạy dọc đường Tân Triều mới, hai bên đường, phế liệu chất thành những đống cao ngất ngưởng. Những khoảng trống trong khu vực dân cư hay vỉa hè, lòng đường đều được tận dụng làm sân phơi nhựa.
Trong một xưởng chế biến nhựa, cạnh Cụm sản suất làng nghề tập trung xã Tân Triều được quây quanh bằng tôn, vài công nhân không quần áo bảo hộ đang phân loại phế liệu. Một số khác túc trực bên những chiếc máy xay, người bốc nhựa cho vào máy, người dùng gậy chọc cho những mảnh nhựa lớn chui tọt vào “họng máy”. Đang quay tít, bỗng chiếc máy nghẹn lại bắn ra vài tia lửa như nghiền phải thứ gì đó cứng quá. Chúng tôi hốt hoảng: “Chập điện kìa! Ngắt cầu giao đi không cháy đấy”, một công nhân cười nói: “Không phải chập điện đâu! Máy chạy nhiều quá thi thoảng điện nó chập chờn chút thôi!”.
Những mô tả nêu trên là một lát cắt của hoạt động thu gom, chế xuất phế liệu tại ngôi làng nổi tiếng với nghề buôn đồng nát lâu đời. Tuy nhiên, gần đây làng Triều Khúc nổi tiếng còn bởi hỏa hoạn nhiều. Theo thống kê của Đội Cảnh sát PCCC số 7 (Thanh Trì - Hà Nội) tính từ tháng 6-2017 đến nay, riêng tại khu vực Triều Khúc đã xảy ra bốn đám cháy, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ trong 10 ngày đầu tháng 3, làng Triều Khúc đã xảy ra hai vụ cháy lớn. Vụ gần đây nhất xảy ra vào tối ngày 16-3 tại xưởng thu gom, chế biến phế liệu trong khu vực làng nghề với ngọn lửa đỏ rực một góc trời, cột khói đen cao hàng trăm mét. Mặc dù lực lượng cứu hỏa nhanh chóng tiếp cận hiện trường, tuy nhiên ngọn lửa bùng phát trong khu xưởng chất đầy nhựa nên chỉ có thể khống chế không cho lan tỏa sang khu vực lân cận.
Trước đó 12 ngày (4-3), tại khu vực này cũng xảy ra vụ cháy tại một xưởng sản xuất đồ da và nhựa rồi lan sang thiêu đốt nhiều hàng quán và xưởng nhựa. Để dập tắt được đám cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC đã phải điều 10 xe chữa cháy và hàng chục cán bộ, chiến sĩ cảnh sát làm việc cật lực hàng giờ đồng hồ.
Anh Nguyễn Văn Thắng (xóm Án, Triều Khúc), người chứng kiến vụ cháy khiến sáu cơ sở nhà xưởng, quán ăn và nhà ở bị thiêu rụi kể lại rằng: “Hôm đó, tôi đang ngồi uống bia trong quán Lá thì thấy nhân viên quán la cháy. Tôi quay lại nhìn thì thấy xưởng giày da bên cạnh nghi ngút khói, mọi người trong quán ùa ra tìm cách dập lửa. Thế nhưng hôm đó gió thổi mạnh quá, ngọn lửa lan sang quán mà quán thì lợp bằng kè nên lửa bùng dữ dội hơn. Chỉ trong phút chốc cả cái quán rộng hàng trăm mét vuông cũng bị thiêu rụi, tiếp đó, lửa tràn sang xưởng nhựa kế bên. Cứ thế, ngọn lửa lan rất nhanh, lúc đó, tôi tưởng chừng lửa sẽ “nuốt” luôn cả khu phố. May sao, cảnh sát PCCC đến nhưng cũng mất mấy giờ mới dập tắt được hoàn toàn”.
Vì sao hay cháy?
Trong căn nhà của anh Nguyễn Văn Cương (xóm Lẻ, thôn Triều Khúc) vẫn còn sót lại vài bì nhựa sau vụ cháy xảy ra vào tháng 6 năm ngoái. Vụ cháy đó đã khiến 300 m² nhà xưởng cùng hàng chục tấn nhựa chưa kịp xuất đã hóa thành tro bụi. Mặc dù, gần một năm trôi qua nhưng gia đình anh Cương vẫn chưa thể vực dậy, số tiền thiệt hại trong vụ cháy lên đến hàng tỷ đồng.
Kể cho chúng tôi cái ngày kinh hoàng ấy (26-6-2017), anh Cương nói với giọng hơi nghẹn ngào: “Hôm đấy cả gia đình đang ăn cơm ở nhà, thì hàng xóm chạy sang bảo xưởng nhà tôi bị cháy. Hai vợ chồng tôi không kịp đi đôi dép, chạy thẳng ra khu làng nghề thì thấy lửa đã đỏ rực, khói đen bốc cao cả chục mét. Mấy xe chữa cháy đến phun nước liên tục hơn một giờ mới dập được. Cả khu xưởng mấy trăm mét không còn sót lại thứ gì. Lúc đó, tôi thì tay chân bủn rủn, đầu óc quay cuồng, còn vợ tôi sốc quá ngất lịm đi”, anh Cương nhớ lại.
Anh Cương cũng cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra xác định nguyên nhân cháy là do bảng điện phát ra lửa bén vào các bao đựng hạt nhựa. “Cũng do mình bất cẩn, bảng điện cũ rồi mà không thay, thiết bị báo cháy cũng không có. Giờ thì mất hết rồi! Bao nhiêu vốn liếng dồn hết vào đó… tiền vay ngân hàng còn chưa trả hết. Một phút bất cẩn, giờ tiếc cũng không thay đổi được”, anh Cương nói.
Phân tích nguyên nhân khiến làng nghề Triều Khúc thường xuyên xảy ra hỏa hoạn, Trung tá Nguyễn Xuân Tuấn, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 7 (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Nhiều cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy cao nhưng họ không chú ý tới an toàn PCCC. Đa số cơ sở không có hệ thống lối thoát khi có sự cố cháy và bình chữa cháy không được trang bị đầy đủ. Lý do bởi các cơ sở phát triển một cách tự phát, nên chủ kinh doanh ít quan tâm nâng cấp nguồn điện và một nguyên nhân khác dẫn đến cháy là do người dân sắp xếp hàng hóa tùy tiện gần bảng điện, dây điện và bị che khuất tầm nhìn. Một số hộ không trang bị, bảo dưỡng vật tư đáp ứng công tác PCCC tại chỗ, dẫn đến xảy cháy và cháy lan”.
Kết quả khảo sát của một nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Công đoàn về: “Thực trạng tái chế nhựa tại làng Triều Khúc” đã chỉ ra nguyên nhân dễ gây cháy, nổ do chủ các cơ sở không đầu tư kỹ thuật điện, trang thiết bị PCCC. Các đường dây điện được bố trí tùy tiện, không khoa học, gây nguy hiểm. Các bảng điện quá cũ, các thiết bị điện không có nắp che đậy an toàn, những vật liệu dễ gây cháy như xăng dầu, than, nhựa để tràn lan gần khu vực có nhiệt độ cao. Đặc biệt, hầu hết các cơ sở sản xuất thủ công đều không có dụng cụ PCCC. Người lao động cũng không được trang bị kiến thức cơ bản về PCCC.
Ngoài ra, các xưởng chế xuất phế liệu nhựa luôn có nhiệt độ cao, đặc biệt là các cơ sở sản xuất phôi nhựa, nhiệt độ tỏa ra từ máy móc rất lớn. Nguyên nhân là các nhà xưởng mang tính tạm bợ, nhà xưởng kín khiến tốc độ gió thấp, độ thông thoáng kém. Đặc biệt, trong 100 lao động được khảo sát, có 50% người lao động đều than phiền vì nhiệt độ ở các xưởng chế biến nhựa này rất nóng. Nguyên nhân xác định do hoạt động đun nấu nhựa thủ công tạo ra các phản ứng nhiệt tỏa ra khu xưởng.
Đừng chỉ trông chờ vào ý thức
Ông Đặng Ngọc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết: Các hộ gia đình chủ yếu là sản xuất thủ công, phát triển tự phát, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng những nguyên liệu, sản phẩm dễ cháy như đồ nhựa, xốp… Thậm chí, một số hộ gia đình còn thu mua cả vật liệu tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ như bình ga cũ, bình ô-xy dễ gây cháy, nổ.
Theo luật sư Trần Văn Bình, Văn phòng luật sư An Bình, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp không có quy định thể hiện nội dung hộ buôn bán phế liệu nhỏ lẻ phải xin giấy phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh phế liệu có thể gây tác động xấu đến môi trường nên theo Điều 29, Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì dự án về việc kinh doanh phế liệu phải được lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Điều đó đồng nghĩa, phải bảo đảm các trang thiết bị PCCC thì mới được kinh doanh.
Việc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 19, Nghị định 18/2015; trong đó theo điểm c, khoản 1: UBND cấp xã xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường đối với phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh dịch vụ quy mô hộ gia đình được UBND cấp huyện ủy quyền bằng văn bản.
Vậy mà, theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các cơ sở thu mua, chế xuất phế liệu tại làng nghề Triều Khúc và ở nhiều khu vực thu mua phế liệu khác trên địa bàn thành phố Hà Nội không đăng ký kinh doanh, cũng không bị kiểm tra, kiểm soát.
Hậu quả là, chủ các cơ sở thu mua, chế xuất phế liệu dường như đều không quan tâm đến công tác PCCC. Vì vậy, các cơ sở này đều có tính tạm bợ, không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy; nhiều người kinh doanh phế liệu không có nhận thức cơ bản về phế liệu vật liệu dễ gây cháy, nổ, lại càng không có kiến thức trong việc xử lý, sử dụng những vật liệu này nên gia tăng nguy hiểm cho bản thân và khu dân cư.
Như vậy, nếu chỉ mong chờ ý thức tự giác của những chủ cơ sở buôn phế liệu, trong khi phần lớn người làm nghề này là lao động phổ thông, thiếu kiến thức về phòng, chống cháy nổ thì tình trạng cháy nổ khó chấm dứt được. Vì vậy, trách nhiệm không chỉ dành cho những người buôn phế liệu mà còn liên quan đến công tác quản lý, cấp phép cho các chủ cơ sở hoạt động, chế xuất phế liệu của chính quyền địa phương cũng như kiểm tra, xử phạt những trường hợp không chấp hành nghiêm quy định của luật pháp về PCCC.