Nỗi lo lũ, bùn
Đây là những hộ dân, người kinh doanh dọc theo các tuyến đường trên và nằm quanh chân núi Thiên Bút, một biểu tượng của thành phố Quảng Ngãi. Họ cho rằng tuy mang tiếng ở phố nhưng nơi đây đang bị “rừng núi hóa”, “nghiện ngập hóa”. Quan sát cũng thấy, cái sự hoang hóa này đã diễn ra từ lâu do không được dọn dẹp. Cũng từ phản ánh của họ nên người ở xa đến luôn được khuyến cáo không nên đi một mình lên núi.
Núi Thiên Bút nằm trong phường Nghĩa Chánh. Núi có độ cao 60 m so mặt nước biển và là một điểm vãn cảnh của nhiều người dân ở đây, cũng là điểm đến của nhiều khách du lịch khi ghé thành phố. Nhưng khoảng một năm nay, đường lên đỉnh núi trở thành nơi ít người đặt chân đến. Anh Đạt, bán cà-phê trên đường Cao Bá Quát, cho biết: “Trời mưa, nước chảy từ trên đỉnh núi cuốn theo bùn phủ ngập một đoạn đường Quang Trung nên vào mùa mưa là mọi người né khu vực này”.
Nguyên nhân bùn lầy do dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) của Công ty CP Xây dựng Thiên Tân muốn “biến” núi Thiên Bút thành khu đô thị sinh thái Thiên Tân. “Chúng tôi sống ở đây thì phải quan tâm đến thông tin, dư luận. Công ty Thiên Tân ngừng thi công thì đúng rồi. Họ có một trạm thu phí đang bị ngân hàng thu hồi, tiền đâu để họ làm. Chưa làm đã rao bán đất nền quá trời”, chủ cửa hiệu thuốc số 3, đường Quang Trung, cho biết.
Chuyện bê bối của Công ty Thiên Tân liên quan việc đầu tư ở núi Thiên Bút khiến người dân bức xúc bấy lâu nay. Chủ quán cơm chay Đóa Sen Vàng, đường Cao Bá Quát, cho hay: “Dưới chân núi là chùa và Nghĩa trang liệt sĩ thì trên đỉnh núi không thể trở thành khu giải trí, đô thị. Cũng may là họ thiếu vốn đang dừng thi công, nhưng điều không may là họ đã phá nát cảnh quan”. Núi Thiên Bút lúc này đã hình thành một con đường lớn đào quanh núi. Đỉnh núi được san bằng, với những lều bạt đã bỏ hoang nhiều tháng nay. Chạy dọc theo con đường được ủi là một mương đào ngăn nước. Chính đỉnh núi, con đường và mương đào là tác nhân gây ra những cơn lũ bùn mỗi lúc mưa to.
Điểm đến đáng sợ
Cũng nằm trên đường Cao Bá Quát và đối diện núi Thiên Bút là Trung tâm triển lãm tỉnh Quảng Ngãi. Đó là một khu đất rộng, một tòa nhà bề thế cũng bị bỏ hoang đã khá lâu: “Có mấy cái xe máy, có người hoạt động bên trong đó. Tôi không hỏi nhưng không hiểu họ làm gì”, chị Lê Thị Thìn, công nhân vệ sinh môi trường tuyến đường Cao Bá Quát cho biết. Trên tuyến đường một bên là núi, cây dại, cỏ mọc, một bên là sân của trung tâm bỏ hoang, nền sân bong tróc. “Đoạn này hoang vu chẳng mấy ai qua. Chiều, tối mà quét dọn ở đây ớn lắm!”, chị Thìn cho hay.
Vắng người, nên những quán cà-phê tự phát dưới chân núi Thiên Bút khoảng 16 giờ chiều đã dọn hàng, đóng quán. Mật độ giao thông trên tuyến đường Cao Bá Quát cũng giảm hẳn. Chị Huỳnh Thị Thơm, bán cơm bình dân trên đường Quang Trung cho biết: “Nếu có công chuyện phải qua đường Bắc Sơn, tôi đều lánh đường Cao Bá Quát cho an toàn”. Phía trên là đường Phạm Văn Đồng nối vào đường Cao Bá Quát tuy có chợ đêm nhỏ bán quần áo, mấy quán nhậu... nhưng vẫn không xua được sự “hoang vu, lạnh lẽo” của cung đường quanh núi Thiên Bút.
Câu chuyện dưới chân núi Thiên Bút, trong đô thị Quảng Ngãi ban ngày, đập vào mắt người qua lại là bụi rậm, ban đêm là “bãi đáp” hút chích, đối với người dân thành phố Quảng Ngãi ít nhiều đã hiểu, đã quen. Nhưng với những người du lịch, những người đến đây công tác mỗi khi ngang qua chân núi Thiên Bút, điều mà họ nghĩ đến, đó là điểm đến đáng sợ trong lòng thành phố.