Bài viết tham dự cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2022-2025

Những đảng viên trong vườn cao-su

Chưa một lần nhìn thấy thân cây mầu lá, vậy mà Giàng A Sì, Vừ A Cú, Giàng A Dế cùng nhiều thanh niên con em các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên vẫn tin, cây cao-su sẽ giúp cuộc sống của người miền núi bớt nhọc nhằn.
0:00 / 0:00
0:00
Giàng A Sì cùng công nhân đội Mường Pồn 2 làm việc tại vườn cao-su.
Giàng A Sì cùng công nhân đội Mường Pồn 2 làm việc tại vườn cao-su.

Năm, tháng đếm được nhưng khó nhọc thì không!

Bước chậm rãi giữa lối thẳng theo hàng, Vừ A Cú, cán bộ kỹ thuật, bảo vệ vườn cây đội Hua Thanh thuộc Nông trường Cao-su Điện Biên, giới thiệu: Đây là khu vườn thực nghiệm của Công ty cổ phần Cao-su Điện Biên, phần diện tích vườn thuộc quản lý của đội Hua Thanh. Trong khu vườn thực nghiệm hiện có bốn dòng giống; mỗi dòng trồng ở một thời điểm khác nhau nên nhìn vào dễ thấy cây to, cây nhỏ, cây cao, cây thấp; song hầu hết đều có chục năm rồi.

Cú kể về những gian nan từ những ngày đầu đi phát cây, hạ băng, cắm tiêu, đào hố trồng cao-su. Ngày đó cách đây 15 năm có lẻ, khi nghe cán bộ Tập đoàn Cao-su Việt Nam thông tin việc trồng cây cao-su tại Điện Biên, chàng trai tuổi 18 Vừ A Cú và nhiều người trong các bản: Xá Nhù, Nậm Ty, Pá Sáng (xã Hua Thanh, huyện Điện Biên) đã tình nguyện xin làm công nhân. Lương cơ bản ban đầu

1 triệu đồng/tháng, với điều kiện Cú phải làm các việc do đội trưởng phân công và đi bất cứ nơi đâu khi công ty điều động. Ký tên vào hợp đồng, ngay sáng hôm sau Cú có mặt ở khu đất sản xuất của bản rồi cùng mọi người phát cây dọn cỏ…

Ngày này qua ngày khác, Cú cứ làm mà chẳng bận tâm trời nắng hay mưa. Việc nặng nhọc, vất vả quá, nhiều người lặng lẽ bỏ về. Có người vì thương Cú đã nói: “Mày định thế này mãi à? Công nhân cũng phải đi rừng phát cây, đào hố, có khác gì cái việc ở bản làm nương đâu? Về nhà đi, được ở với bố mẹ rồi làm nương của nhà còn sướng hơn đấy!”. Lời người bạn nói khiến Cú phân tâm mấy ngày liền. Nhưng rồi, Cú dứt khoát ở lại làm công nhân!

Những ngày sau, khi đội của Cú hoàn thành hạ băng, cắm tiêu, đào hố ở Hua Thanh đã nhận lệnh di chuyển đi xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) rồi đến các xã: Na Sang, Mường Mươn của huyện Mường Chà; sau đó sang huyện Mường Ảng, Tuần Giáo. Tới khi hoàn thành “chiến dịch” đào hố ở Tuần Giáo thì Vừ A Cú đã tròn 21 tuổi.

Trở về Hua Thanh trồng cây, Vừ A Cú đã vô cùng lo lắng, bởi tiếng là làm công nhân cao-su đã mấy năm liền nhưng Cú vẫn chưa được nhìn thấy cây, chưa biết cách chăm cây, bón phân như thế nào. Bao nhiêu lo lắng, bao nhiêu suy nghĩ cứ lởn vởn “đuổi” nhau trong đầu Cú. Đêm đầu tiên ngủ trong lán giữa khu vườn thực nghiệm, Cú mơ thấy những hàng cây thẳng tắp xanh ngút ngàn, như thể ông trời hiểu những âu lo nên báo trước tương lai để chàng trai H’Mông thêm vững niềm tin.

Mấy lần tính bỏ việc rồi!

Cùng làm ở công ty từ những ngày đầu như Vừ A Cú, công việc với Giàng A Sì cũng nhiều “như núi” nhưng Sì không ngại việc nhiều, không ngại khổ mà ngại nhất là mỗi khi nghe tin nông trường báo về chỗ này có cây bị nhổ, chỗ kia cây bị phá. Có bữa vừa bưng bát cơm, chưa kịp ăn, Sì lại nghe tin mất trộm dây thép gai ở nông trường. Buồn và chán, Sì chẳng còn thiết tha gì nữa.

Sì kể rành rọt: Ngày ấy, sau mùa trồng cây năm 2011 và 2012, đội Mường Pồn 2 đã hoàn thành cơ bản diện tích được giao, nhưng vui đâu chưa thấy, vất vả đã ập về. Vì khi đó, người dân các bản Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, Cò Chạy 1 và Cò Chạy 2 trong xã Mường Pồn đều không có niềm tin cây cao-su sẽ cho hiệu quả. Nhiều người nghe đồn cây gây bệnh, mủ cao-su chảy đến đâu đất chết ở đó! Có người ác miệng còn nói “Họ trồng cây cao-su là để hại dân, để chiếm đất của dân”. Vậy nên người ta tìm cách phá. Ngày ngày đi làm nương qua vườn cao-su họ nhổ cây; đêm tối họ đem dao đi chặt cây hàng loạt; trâu, bò của bản họ cũng lùa hết lên vườn cao-su. Công ty mua lưới dây thép gai rào quanh cũng không được vì người ta cắt trộm luôn cả lưới sắt đem về nhà làm chuồng gà, chuồng trâu. Sì và các công nhân khác đã nghĩ… bỏ việc, nghĩ về tương lai cây cao-su như con đường chông chênh, khúc khuỷu, gập ghềnh…

Nhưng rồi, được người thân, gia đình động viên Sì đã quyết chí ở lại. Ngày ngày lên vườn cùng anh em trong đội chăm cây, tối về Sì lại đem sách, báo viết về cây cao-su ra đọc. Khi hiểu rõ xuất xứ, giá trị và bề dày cây cao-su ở “thủ phủ Bình Phước”, Sì liền đến từng nhà trong bản Mường Pồn 2 nói với mọi người về giá trị loài cây được mệnh danh là “vàng trắng” trên thị trường thế giới. Ban đầu người ta cười Sì, sau thấy Sì nói có sách, có dẫn chứng, mọi người dần tin. Cứ như thế, ngày này qua ngày khác, Sì đến từng nhà nói với mọi người. Hết bản Mường Pồn 2, Sì sang bản Mường Pồn 1, rồi bản Cò Chạy, Tin Tốc, Huổi Chan. Đến nhà người Thái thì Sì nói tiếng Thái; vào bản người H’Mông, Sì nói tiếng H’Mông; gặp người Khơ Mú, Sì lại nói tiếng dân tộc Khơ Mú…

Chục năm đã qua đi song mỗi lần gặp Sì, người các bản vẫn nói, họ nhớ mãi lời dẫn giải về cây cao-su của Sì ngày trước. Có người đàn ông tên L.V.T. ở bản Cò Chạy 2, xã Mường Pồn trước đã “nhiệt tình” phá cây bây giờ lại là người nhớ Sì nhiều nhất. Vì ngày đó, ông T. là người Sì tìm gặp nhiều nhất để nói về giá trị cây cao-su nhưng ông T. không nghe, không tin, ông vẫn phá. Sau rồi chứng kiến sự đổi thay của người cùng bản thì ông T. đã hiểu, sở dĩ người trong bản sửa được nhà, mua được xe máy, đồ dùng học tập cho con cái đều từ tiền công đi làm ở công ty cao-su. Ông đã gạt hết “sĩ diện”, dắt theo cậu con trai là L.V.C. đến nhà Giàng A Sì để nhờ Sì nói với công ty xin “cho em nó được đi làm công nhân như mọi người trong bản, trong xã”.

Họ đã cống hiến và tin tưởng

Ghi nhận cống hiến, sự đồng hành của Vừ A Cú, Giàng A Sì và nhiều công nhân khác đã đóng góp xây dựng công ty được như ngày hôm nay, thời gian qua, lãnh đạo Công ty cổ phần Cao-su Điện Biên đã luôn tạo thuận lợi tối đa để Cú, Sì được học tập nâng cao trình độ. Cùng năm 2017, Cú và Sì đã được kết nạp Đảng ở vườn cây - nơi mà 15 năm trước ở đó, họ đã cùng nhau phát cỏ, cuốc đất và trồng cây.

Hôm nay, đi giữa hàng cây cao-su xanh mướt, ông Nguyễn Công Tám, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao-su Điện Biên xúc động nhớ lại những tháng ngày vất vả. Ông Tám nói rằng, nhận nhiệm vụ Tập đoàn giao về Điện Biên phát triển cây cao-su thì chúng tôi đã lường trước các khó khăn, nhưng quả thực không ai nghĩ gian khó nhiều như thế. May là trong thời kỳ gian khó nhất, công ty vẫn nhận được sự đồng hành của các em như Vừ A Cú, Giàng A Sì, Thào A Sếnh, Vừ A Súa… Vừa làm việc trên vườn, vừa hỗ trợ công ty tìm kiếm lao động tại địa phương, cũng chính các em làm “hoa tiêu” dẫn đường tiếp niềm tin đồng hành cùng công ty trên con đường đi mở lối đưa loài cây mới về Điện Biên!

Giờ đây, trong công ty và trong các Nông trường Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà, những người thanh niên ấy đang là những nhân tố tích cực trong các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, thi đua làm theo Bác. Thành tích mỗi ngày của họ luôn là động lực khích lệ nhiều hơn các công nhân cùng noi gương học tập làm theo.

Công ty cổ phần Cao-su Điện Biên hiện có 855 cán bộ, công nhân; trong đó, có 31 người là công nhân, cán bộ kỹ thuật, gắn bó từ ngày đầu mới thành lập công ty (2008).

Trong số 31 người trụ lại đã có 9 người được đào tạo làm cán bộ từ kỹ thuật bảo vệ của đơn vị trở lên; 7 trong số 9 người đã được kết nạp Đảng. Nhiều năm liền, Vừ A Cú, Giàng A Sì được Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Tập đoàn công nghiệp Cao-su Việt Nam tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; được tặng thưởng Công nhân lao động là dân tộc thiểu số tiêu biểu.